“Kết quả lớn nhất của tái cơ cấu là niềm tin vào thị trường đã tăng lên”

02/11/2014 12:30 PM |

Kết quả lớn nhất của quá trình tái cơ cấu không phải là những con số, mà chính là niềm tin của thị trường đã tăng lên, là mô hình đầu tư và tăng trưởng mới phù hợp với tầm nhìn dài hạn ...

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 1/11, Đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào – Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre cho biết, so với cả quá trình tái cơ cấu thì 3 năm là quãng thời gian ngắn và nhiều thách thức nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực như ngăn chặn có hiệu quả quá trình suy thoái kinh tế, những nguy cơ bất ổn bị đẩy lùi, kinh tế vĩ mô liên tục được củng cố và ổn định ...

Quá trình tái cơ cấu có làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây nhiều áp lực đối với Chính phủ, tuy nhiên Chính phủ vẫn kiên định quan điểm, quyết tâm thực hiện tạo nền tảng xây dựng mô hình kinh tế mới.

Trước khi tiến hành tái cơ cấu đầu tư công, tình trạng đầu tư dàn trải, chờ vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. Quyết định tái cơ cấu đã từng bước chấn chỉnh các hệ quả, đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực. Trong 3 năm tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách liên tục giảm từ 25,6% năm 2011 xuống 23,7% năm 2012 và 22,6% năm 2013.

Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy còn chậm nhưng bước đầu đã mang lại kết quả.  Nợ đọng cơ bản đến ngày 30/06/2013 đã giảm 3.218 tỷ đồng.

Đối với tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty, giải pháp cơ bản là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tiến hành CPH, đổi mới hệ thống quản lý. Cho đến nay, các biện pháp này được thực hiện đồng bộ và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Trong 21.997 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, đến nay đã thoái vốn được 7.139 tỷ động, chiếm hơn 1/3 tổng số vốn cần thoái. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI chưa phục hồi đà tăng trưởng thì sự khởi sắc của các doanh nghiệp nhà nước là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng.

Trong giai đoạn 2011-2013, đã tiến hành sắp xếp 180 doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa 99 doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp thêm 76 doanh nghiệp, cổ phần hóa 55 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa đều là doanh nghiệp lớn, đầu tư đa ngành, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào cũng nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế. Do đó những yếu kém của hệ thống ngân hàng sẽ gây hệ lụy lên nền kinh tế. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã được thực hiện thận trọng, tính thanh khoản được nâng cao, mặt bằng lãi suất liên tục giảm, hệ số an toàn vốn cao hơn. Tuy nhiên nợ xấu chưa xử lý dứt điểm đã làm chậm quá trình tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng.

Có thể nói, kết quả lớn nhất của quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua không phải là những con số, mà chính là niềm tin của thị trường đã tăng lên, là mô hình đầu tư và tăng trưởng mới phù hợp với tầm nhìn dài hạn của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước.

>> Không thể không sốt ruột vì tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra quá chậm

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM