Kẻ bắt cóc con tin ở Sydney có thể muốn “quảng bá hình ảnh”

16/12/2014 09:29 AM |

Thủ tướng Australia nói "có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy có động cơ chính trị" trong vụ bắt cóc ở Sydney.

“Chúng tôi chưa biết liệu vụ này có xuất phát từ động cơ chính trị không, nhưng có một số bằng chứng rõ ràng cho thấy có động cơ chính trị”, Thủ tướng Australia Tonny Abbott nói về vụ bắt cóc con tin đang diễn ngay giữa trung tâm thành phố Sydney hôm nay (15/12), tại một cuộc họp báo ở thủ đô Canberra.

“Mục tiêu của hành vi bạo lực mang động cơ chính trị là khiến mọi người hoảng sợ. Australia là một xã hội hòa bình, cởi mở và nhân từ. Không một điều gì có thể thay đổi được sự thật đó. Và đó là lý do vì sao tôi kêu gọi tất cả người dân Australia ngày hôm nay hãy cứ đi làm bình thường”, hãng thông tấn AP dẫn lời ông Abbott.

Cảnh sát bang New South Wales đã cố gắng liên lạc với những người bên trong quán cà phê Lindt, nơi vụ bắt cóc xảy ra. Số con tin trong quán cũng như số kẻ thực hiện vụ bắt cóc chưa được xác định chính xác.

Khi được hỏi vụ bắt cóc này có liên quan tới khủng bố, ông Andrew Scipione, cao ủy cảnh sát New South Wales nói: “Đó là điều mà chúng tôi không thể loại trừ. Những gì đang diễn ra khá giống với một vụ khủng bố”.

Tuy vậy, ông Scipione nói chưa thể khẳng định bất kỳ điều gì vào thời điểm này.

Nói về những dòng chữ Arab màu trắng in trên lá cờ màu đen mà các con tin trong quán bị buộc phải giơ lên ở cửa sổ, ông Zain Ali, trưởng bộ phận nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Auckland ở Australia cho biết ông chưa đọc được toàn bộ nội dung của dòng chữ, nhưng đó có thể là Shahada, một tuyên ngôn về tín ngưỡng.

Theo ông Ali, nội dung của Shahada là: “Không có thánh thần nào ngoài đức Allah, và Muhammad là thông điệp của đức Allah”. Shahada được coi là trụ cột đầu tiên trong 5 trụ cột tín ngưỡng của người Hồi giáo và thường được các nhóm như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng.

Nhận định về vụ bắt cóc này, giáo sư Jefff Lewis thuộc Đại học RMIT ở Melbourne nhận định mục tiêu của những kẻ bắt cóc có thể nhằm quảng bá hình ảnh.

"Đây cũng là một chiến thuật cổ điển của những kẻ cực đoan chính trị", ông Lewis nói.

"Đúng là những kẻ bắt có có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của nhiều người. Nhưng không loại trừ khả năng kế hoạch này nhiều khả năng chỉ nhằm mục tiêu gây sự chú ý, để tiếng nói của chúng được truyền đi trên các phương tiện truyền thông", tờ The Age dẫn lời giáo sư Lewis.

“Chúng sẽ muốn vụ việc được kéo dài nhất có thể và đưa ra nhiều lời đe dọa nhất có thể", ông nhận định.

Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà báo Glenn Connley của kênh Channel 7 cho hay, khu vực nơi xảy ra vụ bắt cóc đã trở thành một ‘thị trấn ma”, với những dãy nhà hoàn toàn không còn một bóng người.

Connley cho rằng, có ít nhất 2-3 nhân viên của quán Lindt cùng với 10-11 khách đang ở trong quán. Tuy vậy, cũng có những nguồn tin nói có 40-50 người đang ở trong quán.

>> Sydney: Đặc nhiệm nổ súng tiêu diệt kẻ khủng bố, 1 con tin thiệt mạng

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM