IPO doanh nghiệp nhà nước: Thách thức 2015

22/12/2014 09:58 AM |

Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm 2015 liệu có thực hiện được?

Dù đã bước vào những tuần cuối cùng của năm 2014, nhưng không vì thế mà các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của khối doanh nghiệp nhà nước bớt ồn ào. Nhiều doanh nghiệp đã phát hành thành công nhờ được đánh giá là có tiềm năng và có lượng phát hành đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư như Vinatex, Đạm Cà Mau và Bến Thành Tourist. Tuy nhiên, đợt phát hành IPO của một số công ty lại không mấy khả quan. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), chẳng hạn, không thu hút được một nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi nào tham gia. Đây là điều tiếc nuối trong bối cảnh thị trường chứng khoán và nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Ngoài các nguyên nhân như thiếu thông tin minh bạch, kế hoạch niêm yết chưa rõ ràng, lượng cổ phần bán ra bên ngoài nhỏ giọt, có lẽ lý do khiến nhà đầu tư chùn bước còn là vì họ lo ngại về khả năng sinh lời cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Thực vậy, nợ vẫn tiếp tục là điểm trừ của khối doanh nghiệp này. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tính đến năm 2013, tổng số nợ phải trả chỉ tính ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã vượt lên hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 1,45 lần và đặc biệt có tới 41 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ vượt qua 3 lần, tức áp lực chi trả nợ là không nhỏ. Chính phủ cũng phải thừa nhận rằng các tập đoàn, tổng công ty đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn.

Nhìn chung, kể từ năm 2008 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có nhiều cải thiện. Năm 2012, Tập đoàn Xây dựng Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam đã buộc phải xuống thành các tổng công ty sau khi thua lỗ lớn. Trong năm nay, Mobifone đã được tách khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT), tạo áp lực buộc VNPT phải tái cấu trúc hoạt động để trở nên hiệu quả hơn. Mới đây, hàng loạt sai phạm tại Tập đoàn Cao su Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ chính thức công bố.

Trong năm tới, triển vọng của khối doanh nghiệp nhà nước chưa có gì chắc chắn, khi lĩnh vực mà các doanh nghiệp này đang hoạt động vẫn thiên về khai khác tài nguyên như dầu mỏ, than đá, xi măng, cây công nghiệp như cao su, lúa gạo hay độc quyền như điện.

Giá dầu thô thế giới mới đây đã sụt xuống dưới 60 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và đà giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự báo của Tổ chức Các quốc gia Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2015 sẽ tiếp tục giảm, trong khi tổ chức này (chiếm 40% lượng cung thế giới) chưa có ý định giảm sản lượng sản xuất.

Nguồn thu từ dầu mỏ là nguồn thu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Vì thế, việc giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như kế hoạch ngân sách của Chính phủ. Trong dự toán ngân sách năm 2015 của Bộ Tài chính, giá dầu được giả định sẽ ở mức 100 USD/thùng. Như vậy, giá thực tế trên thị trường hiện nay đang bị chiết khấu tới 40% so với giá mà Chính phủ mong đợi.

Để bù đắp sự sụt giảm về giá, PVN không còn cách nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh tìm kiếm các mỏ dầu mới hay gia tăng công suất khai khác các mỏ hiện có. Tuy vậy, việc tăng đột biến sản lượng khai khác trong thời gian ngắn không phải là chuyện dễ. Thêm vào đó, với vị trí dẫn đầu trong việc đi vay trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, gánh nặng trả nợ của PVN sẽ không nhỏ, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư mở rộng của tập đoàn này.

Ngoài dầu thô, các loại hàng hóa khác như than đá, xi măng, cao su, lúa gạo cũng đang trong chu kỳ giá đi xuống khi tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt và nguồn cung trên toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Tất cả sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia mới nổi, cũng gặp khó khăn trong việc vực dậy khối doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga Gazprom, từng được kỳ vọng sẽ là công ty đầu tiên trị giá 1.000 tỉ USD, đang trở thành nỗi thất vọng của giới chính khách Nga khi giá trị hiện chỉ còn 73 tỉ USD.

Một điều tra của tờ The Economist cho thấy tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tiếp tục tăng nhanh hơn so với tốc độ gia tăng lợi nhuận. ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của các doanh nghiệp này cũng sụt giảm đáng kể từ 16% vào năm 2007 xuống còn 12% hiện nay và thấp hơn mức 13% của khu vực tư nhân. Nếu loại trừ 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, tỉ lệ ROE của các doanh nghiệp còn lại chỉ là 10%.

Hệ quả là giá trị của các doanh nghiệp nhà nước trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất đã mất hơn 33% kể từ năm 2007, trong khi cùng thời gian, giá cổ phiếu toàn cầu lại tăng 5%. Cổ tức chi trả cho nhà đầu tư và các khoản tiền mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 10-15% tổng giá trị tiền chi cổ tức và mua cổ phiếu quỹ toàn cầu. Rõ ràng, nhà đầu tư có lý do để thất vọng đối với khối doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, nhìn lại câu chuyện của Việt Nam, thái độ lạnh nhạt của khối ngoại trong các đợt IPO vừa qua của một số doanh nghiệp nhà nước có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm 2015 sẽ là nhiệm vụ rất gian truân.

>> Giá dầu giảm, M&A dầu khí sẽ bùng nổ?

Theo Sơn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM