IPO doanh nghiệp nhà nước: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

18/06/2015 14:34 PM |

Năm 2015 được xem là một năm quyết liệt trong công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên bên cạnh số ít phiên chào bán giành giật nhau thì không hiếm những lần doanh nghiệp mỏi mắt tìm nhà đầu tư.

“Kẻ ăn không hết…

Thị trường đã chứng kiến nhiều phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư bao gồm cả cá nhân lẫn tổ chức.

Mới đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi.

Mặc dù chưa chính thức IPO song nhìn vào lượng đăng ký mua cổ phần của doanh nghiệp này đã cho thấy sự thành công chắc chắn.

Cụ thể, trong khi doanh nghiệp chỉ mang ra đấu giá công khai hơn 3,1 triệu cổ phần thì số lượng đặt mua của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã lên tới 42,5 triệu cổ phần, tương ứng gấp 14 lần lượng cổ phần chào bán.

Đợt IPO của Cảng Sài Gòn tới đây cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức khi nhanh chóng nhìn ra tiềm lực của doanh nghiệp.

Mặc dù lượng cổ phần cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước không lớn song số cổ phần này (khoảng 33%) đang được nhiều doanh nghiệp “nhòm ngó”.

Điển hình như Vingroup đã đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn và muốn mua tới 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp cảng biển này. Ngoài ra, VietinBank đăng ký mua 11% và VPBank đăng ký mua 11%.

Năm 2014 cũng đã đánh dấu nhiều phiên chào bán thành công ngoài mong đợi của các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Vocarimex, Cảng Hải Phòng, Viglacera, Đạm Cà Mau...

Những doanh nghiệp thành công trong công cuộc cổ phần hóa ngoài việc giá bán hấp dẫn, hầu hết đều có kết quả hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định, có tiềm năng về tăng trưởng ngành, nhiều doanh nghiệp còn thu hút nhà đầu tư nhờ quy mô “đất vàng” đang sở hữu.

… người lần chẳng ra”

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phải "ngậm ngùi" hủy đợt đấu giá bởi chẳng có nhà đầu tư nào ngó ngàng tới.

Trên sàn HOSE, tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 đợt đấu giá bị hủy. Gần đây nhất là đợt IPO của CTCP Thủy sản Cafatex thuộc SCIC do đến thời hạn đăng ký tham gia đấu giá nhưng không có bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.

Trường hợp này cũng xảy ra với Tổng công ty PISOCO Bình Định, CTCP Đầu tư thương mại Dịch vụ Điện lực (PIST), Công ty TNHH MTV Cảng Cần Thơ hay CTCP Trà Bắc.

Mặc dù không đến mức phải hủy đấu giá, song nhiều đợt IPO đã lâm vào tình cảnh “ế ẩm” khi số cổ phần được mua chỉ bằng một góc nhỏ của số cổ phần chào bán.

Thống kê 43 đợt đấu giá trên sàn HNX từ đầu năm 2015 đến nay, có tới 17 doanh nghiệp không thực hiện thành công.

Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp “thê thảm” khi số cổ phần bán ra chưa đến 5% số chào bán. Tiêu biểu là Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin (2%), Tổng công ty Khoáng sản Viancomin (0,9%), Vinacomin Power (0,05%), …

Ngoài việc không ai “ngó ngàng” đến số cổ phần đấu giá công khai, những doanh nghiệp này cũng phải chật vật tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, sau 5 tháng đầu năm 2015 mới cổ phần hoá được 43 doanh nghiệp, do vậy theo mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ còn hơn 246 doanh nghiệp phải cổ phần hoá.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với những doanh nghiệp phải cổ phần hóa, nếu bán không được thì chỉ có phá sản, kiên quyết không giữ lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Theo NGUYÊN MINH

Cùng chuyên mục
XEM