Hơn 10.000 tỷ đồng M&A năm 2014 của Vingroup rót vào những đâu?

19/03/2015 08:17 AM |

Tân Liên Phát, Bất động sản Hồng Ngân và Metropolis là ba thương vụ M&A nghìn tỷ đã được Vingroup thực hiện trong năm 2014.

Các năm trước đây, Vingroup xuất hiện trong một số thương vụ M&A đình đám với vai trò là bên bán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, Vingroup lại chủ yếu đóng vai trò là bên mua. Các thương vụ của Tập đoàn này chủ yếu nhằm gia tăng quỹ đất để thực hiện phát triển các dự án bất động sản cũng như bổ sung diện tích mặt bằng bán lẻ và thâm nhập sâu hơn vào thị trường bán lẻ.

Theo các số liệu được công bố chính thức trong báo cáo tài chính năm của Vingroup thì trong năm 2014, Vingroup và công ty thành viên đã chi ra trên 10.000 tỷ đồng để mua lại một số công ty, gia tăng tỷ lệ sở hữu tại một vài công ty thành viên cũng như thực hiện một vài thương vụ mua cổ phần với tỷ lệ không chi phối.

Các thương vụ mua cổ phần kiểm soát nổi bật nhất có thể kể đến:

+ Mua thêm cổ phần dẫn tới nắm quyền chi phối công ty Tân Liên Phát: 3.325 tỷ đồng – con số này chỉ tính đến số tiền mà Vingroup mua lại từ các cổ đông bên ngoài. Trong năm 2014, Vingroup còn chi ra khoảng 3.600 tỷ để góp thêm vốn điều lệ cho Tân Liên Phát.

Tân Liên Phát là chủ đầu tư của dự án VinHomes Central Park – một trong những dự án bất động sản lớn nhất từ trước đến nay của Vingroup. Hiện Vingroup sở hữu 74,38% cổ phần của Tân Liên Phát.

+ Mua 99% cổ phần của Công ty Bất động sản Hồng Ngân: 2.316 tỷ đồng

Công ty Hồng Ngân đang trong giai đoạn phát triển một dự án bất động sản tiềm năng trên khu đất có diện tích 15ha tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

+ Mua 100% cổ phần Công ty Metropolis: 1.622 tỷ đồng

Công ty Metropolis đang phát triển một dự án trên khu đất có diện tích 31.000 m2 tại phường Thảo Điền, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Mua 94% cổ phần Công ty Khánh Gia (Vincom Thủ Đức): 784 tỷ đồng

+ Mua 70% cổ phần của Ocean Mart, hiện đã đổi tên thành Siêu thị VinMart: 560 tỷ đồng

+ Mua 90% cổ phần Công ty Riverview Đà Nẵng: 182,2 tỷ đồng

+ Mua 100% cổ phần Công ty Xây dựng Vincom: 120 tỷ đồng

Bên cạnh việc mua cổ phần dẫn tới nắm quyền kiểm soát tại 7 doanh nghiệp trên, Vingroup còn chi thêm gần 1.000 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) – chủ đầu tư dự án VinHomes Riverside và Công ty Bất động sản Viettronics (VLD) – chủ đầu tư dự án VinHomes Nguyễn Chí Thanh. Tính đến cuối năm 2014, Vingroup sở hữu 94% lợi ích tại Công ty Sài Đồng và 98,08% lợi ích tại công ty Bất động sản Viettronics.

Hai thương vụ đáng chú khác mà Vingroup đã thực hiện trong năm là chi 552 tỷ đồng mua 10% cổ phần của Vinatex và chi 152 tỷ đồng mua 13,1% cổ phần của công ty Đại Dương Thăng Long – một doanh nghiệp thành viên của Ocean Group.

Trong năm 2014, Vingroup đã góp vốn thành lập một số doanh nghiệp thành viên mới. Trong số các doanh nghiệp thành lập mới, đáng chú ý nhất là công ty thương mại điện tử VinEcom, do Vingroup giữ 70% cổ phần. Tính đến hết năm 2014, Vingroup đã góp 318 tỷ đồng vào công ty này.

Kỳ vọng nhiều thương vụ lớn trong năm 2015

Trong tiến trình IPO và thoái vốn đầu tư của nhà nước, Vingroup là một ứng cử viên sáng giá cho việc mua lại những doanh nghiệp tiềm năng. Tập đoàn này đã đề xuất mua cổ phần tại 2 cảng biển lớn là Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn.

Hiện Vingroup đã được chấp thuận mua 35% cổ phần của Cảng Nha Trang và 80% của Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) – đơn vị đang quản lý khu đất rộng 7ha tại Trung tâm Hà Nội.

Lợi nhuận của Vingroup qua các năm
Lợi nhuận của Vingroup qua các năm

>> Vì sao tỷ phú Forbes Phạm Nhật Vượng 'quyết' trồng rau sạch?

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM