“Hội nhập, Việt Nam mở toang cửa nhưng không bảo vệ người nhà”

11/04/2015 09:00 AM |

“Trong khi nhà người ta cũng mở toang cửa nhưng có một loạt hàng rào, muốn làm việc tại Thái Lan cũng phải biết tiếng Thái..., thì nhà mình sẵn sàng mở toang cửa nhưng không bảo vệ cho người nhà” – bà Phạm Chi Lan.

Nội dung nổi bật:

- Trong khi Việt Nam rất “máu” hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang trực tiếp “hứng” một loạt hạn chế.

- “Trong khi nhà người ta cũng mở toang cửa nhưng có một loạt hàng rào, muốn làm việc tại Thái Lan cũng phải biết tiếng Thái... thì nhà mình sẵn sàng mở toang cửa nhưng không bảo vệ cho người nhà”

- “Doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi tư duy kinh doanh đi, không nên chỉ đầu tư vào “quan hệ”, ăn chênh lệch giá mà phải có chiến lược lâu dài”


"Trong tất cả nền kinh tế ASEAN, Việt Nam chỉ thua duy nhất Singapore về hội nhập. Còn xét về mặt ký kết hiệp định, Việt Nam là nhanh nhất” – chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho biết tại sự kiện CEO Network số 1 với chủ đề Cộng đồng ASEAN – Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam sáng 11/4.

Bên cạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam còn ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (FTA VN-EU) dự định ký kết trong 2 tháng tới. FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã kết thúc về mặt kỹ thuật, chỉ chờ ngày ký kết. Nếu cộng thêm một loạt hiệp định nữa như FTA Việt Nam – EFTA, FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga – Kazachstan-Belarus (VCUFTA)..., Việt Nam sẽ có thương mại tự do với 55 nước.

4 hạn chế của Việt Nam khi hội nhập

Trong khi Việt Nam rất “máu” hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang trực tiếp “hứng” một loạt hạn chế. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam đang gặp 4 hạn chế khi hội nhập.

Một là, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa với hàng nhập khẩu. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại Metro, 22% thị phần của Metro trên thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu là hàng Thái. Ngoài Thái Lan, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh rất gay gắt với các đại gia Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hai là, đã xuất hiện những nhóm bị tổn thương nhiều hơn. Nông sản Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên sân nhà với nông sản Thái Lan, Trung Quốc... Trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều sức ép hơn với Hiệp định TPP sắp tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa được chuẩn bị: Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh nhiều hơn là trang bị để tận dụng cơ hội. Điều chỉnh là cần thiết, nhưng phần nhiều ở tư thế thụ động đối phó. Còn muốn chủ động nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp Việt phải ở mức vượt lên rất nhiều.

Ba là, đã xuất hiện những rào cản ở thị trường các nước khác. Nước ngoài đang sử dụng một loạt các rào cản như các biện pháp kỹ thuật (TBT), biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SBS), các hàng rào phi thuế, thực phẩm; các biện pháp thương mại...

Ngay cả với điều khoản lao động tự do thuyên chuyển trong khu vực ASEAN theo thỏa thuận của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Thái Lan đã đặt ra yêu cầu phải biết tiếng Thái.

“Mỗi nước có quyền áp đặt những quy định của nước sở tại đối với sự dịch chuyển lao động vào nước họ. Thí dụ như lao động đến hành nghề ở Thái Lan sẽ phải trải qua kỳ thi viết về tiếng Thái để chứng tỏ trình độ ngôn ngữ. Kiểm toán viên thì phải trải qua kỳ thi bằng tiếng Thái về luật pháp về hệ thống thuế không đơn giản của Thái Lan” – TS. Lê Đăng Doanh kể.

Bốn là, trong khi các nước mở cửa và dựng lên một loạt rào cản, Việt Nam chưa sử dụng được công cụ để bảo vệ cho mình, chưa sử dụng các công cụ bảo về thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh.

“Trong khi nhà người ta cũng mở toang cửa nhưng có một loạt hàng rào, muốn làm việc tại Thái Lan cũng phải biết tiếng Thái..., thì nhà mình sẵn sàng mở toang cửa nhưng không bảo vệ cho người nhà” – bà Phạm Chi Lan nhận định.

Ngay cả với FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài – PV), chúng ta cho rất nhiều ưu đãi, mà không cho, nhất là cho doanh nghiệp tư nhân trong nước những cái tương tự để cạnh tranh được trên sân nhà”.

Doanh nghiệp phải tự thay đổi, đừng trông chờ vào thể chế

Doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để phát triển trong môi trường như vậy? “Việc trông chờ vào hệ thống, thể chế là rất lâu. Chúng ta thay đổi trước đi”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho biết.

Với Phú Thái, ông Đoàn đã chọn phương án “dựa vào thế kẻ mạnh”, liên doanh một phần với các đối tác ngoại để học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần liên kết thành consortium (chuỗi): Doanh nghiệp – Nông dân – Xuất-nhập khẩu trong nước và ngoài nước – Ngân hàng – Viên nghiên cứu. Cần biết mình, biết người, nghiên cứu thị trường, cạnh tranh và hợp tác theo phương thức “hai bên cùng thắng” (win-win).

Doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi tư duy kinh doanh đi, không nên chỉ đầu tư vào “quan hệ”, ăn chênh lệch giá, mà phải có chiến lược lâu dài” – TS. Doanh nhắn nhủ.

>> Việt Nam sẽ nán lại chạy đua với Châu Phi?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM