Hoàn thiện khung pháp lý về bán hàng đa cấp

17/08/2012 07:50 AM |

Sở dĩ hoạt động BHĐC biến tướng là do các quy định pháp luật về BHĐC còn nhiều lỗ hổng. Từ khâu cấp giấy phép, nếu địa phương này không cấp phép thì DN vẫn có thể đăng ký ở địa phương khác.

Tại hội thảo “Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp” do Sở Công thương TPHCM tổ chức ngày 16-8, nhiều ý kiến cho rằng bán hàng đa cấp (BHĐC) đã có biến tướng, một số doanh nghiệp (DN) không lo bán hàng mà chỉ đi lôi kéo nhiều người tham gia để kiếm lời. Cách thức lừa đảo của một số DN BHĐC là đánh nhanh rút gọn, di chuyển địa bàn hoạt động liên tục, ôm tiền của mạng lưới rồi bỏ trốn…

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sở dĩ hoạt động BHĐC biến tướng là do các quy định pháp luật về BHĐC còn nhiều lỗ hổng. Từ khâu cấp giấy phép, nếu địa phương này không cấp phép thì DN vẫn có thể đăng ký ở địa phương khác. Khi có giấy phép rồi việc giám sát hoạt động của các DN này gần như không có. Đó là chưa kể phần lớn DN BHĐC thường đăng ký kinh doanh một tỉnh nhưng lại sang tỉnh khác hoạt động.

Trong khi đó, những văn bản liên quan đến quản lý BHĐC quy định DN chỉ có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần với Sở Công thương nơi đăng ký kinh doanh mà không cần báo cáo với nơi mở rộng hoạt động. Hậu quả là DN đang hoạt động tại địa phương mình nhưng cơ quan chức năng không có được thông tin để quản lý.

Để quản lý chặt hơn đối với hoạt động BHĐC, các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động BHĐC không gây thiệt hại cho cộng đồng. Các Sở Công thương kiến nghị, cần bổ sung quy định DN BHĐC phải báo cáo định kỳ 6 tháng một lần cho Sở Công thương nơi DN hoạt động; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương, nơi DN có trụ sở chính và nơi DN tổ chức BHĐC để quản lý. Cần tăng mức phạt nhằm đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Với mức phạt như hiện nay chỉ từ 20 - 30 triệu đồng là quá nhẹ dẫn đến tình trạng DN cố tình không đăng ký với cơ quan quản lý để hoạt động bất chính hoặc chấp nhận chịu phạt nếu bị phát hiện.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cả nước hiện có 76 DN đăng ký kinh doanh theo mô hình đa cấp. Hà Nội là địa phương có số lượng nhiều nhất với 38 DN BHĐC. Tiếp theo là TPHCM với 34 DN. Có hơn 4.400 mặt hàng đang được kinh doanh theo mô hình đa cấp, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật lý trị liệu, dụng cụ thể thao… Doanh thu BHĐC cũng tăng trưởng nhanh chóng qua các năm. Nếu năm 2006, doanh số bán hàng chỉ đạt hơn 614 tỷ đồng, năm 2010 gần 2.800 tỷ đồng thì năm 2011 con số này tăng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo Th.Hải

SGGP

thunm

Cùng chuyên mục
XEM