Hiểu về cơ chế tỷ giá mới của Việt Nam chỉ sau 3 phút

05/01/2016 10:40 AM |

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi công bố chính thức về cách điều hành tỷ giá mới - Tỷ giá trung tâm.

Để hiểu rõ hơn về phương thức thực hiện cũng như các yếu tố tác động đến tỷ giá trung tâm được đưa ra hàng ngày, Cafebiz trân trọng giới thiệu đến bạn đọc thông tin dưới góc nhìn từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại cũng như chuyên gia kinh tế.

Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ: Điều hành tỷ giá mới giúp doanh nghiệp đỡ sốc hơn

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày vào trước phiên giao dịch dựa trên 3 chỉ số chính: Sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, chỉ số phản ánh cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô.

NHNN dựa vào 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Cụ thể là: USD, Euro, NDT, Yên Nhật, Dollar Singapore, Won, Dollar Taiwan và Bath Thái.

Việc lựa chọn được tính toán kỹ và so sánh với danh sách 9 hay 15 đồng tiền khác thì thấy không có sai lệch đáng kể, nên sử dụng 8 đồng tiền giúp cho việc tính toán dễ dàng hơn.

Cùng với biện pháp xác định tỷ giá trung tâm, NHNN cũng bổ sung thêm cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, thay cho hợp đồng giao ngay trước đây.

Về biên độ, NHNN tiếp tục áp dụng biên độ giao dịch +/-3% như đang thực hiện.

Cơ chế tỷ giá mới linh hoạt khiến cho cung cầu thị trường thông suốt nên việc mua bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho doanh nghiệp như trước đây.

Cuối cùng là khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 15 về giao dịch kỳ hạn, khuyến khích sử dụng sản phẩm phái sinh, ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ.

Thực tế khi triển khai đồng loạt các biện pháp, doanh số giao dịch kỳ hạn trên thị trường tăng rõ rệt từ dưới 10 triệu USD/ngày lên 100 triệu USD/ngày.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Cách điều hành cơ chế tỷ giá mới của NHNN là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu.

Tất nhiên, sẽ không có một cơ chế điều hành tỷ giá nào là hoàn hảo mà không có hiệu ứng khác. Một cơ chế linh hoạt và cần thiết khi đáp ứng được những yếu tố sau: Khả năng cạnh tranh ví dụ của xuất khẩu tốt hơn; Hấp thụ tốt hơn các cú sốc tự bên ngoài; Góp phần nhất định trong việc hạn chế đầu cơ. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chính sách tiền tệ có sự tự chủ cao hơn..

Doanh nghiệp thích được xác định với các biến cố cố định để dễ dàng tính toán hơn. Với cơ chế này, mức độ bất định tăng lên có thể gây khó cho doanh nghiệp.

Vì vậy, bên cạnh điều hành để tránh các cú sốc lớn thì NHNN sẽ có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo về cơ bản không biến động quá lớn.

NHNN phải gắn với thị trường ngoại tệ mà ở đó các NHTM tham gia và NHNN là 1 bên nhằm đưa ra tín hiệu cho thị trường ngoại hối và có một cơ chế giám sát.

Bên cạnh đó, NHTM cần phát triển công cụ thị trường phái sinh, thị trường quyền chọn, bảo hiểm và hướng dẫn các doanh nghiệp qua đó có các giao dịch gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa phải quá quen với công cụ thị trường phái sinh do vậy cần một quá trình tương tác giữa NHTM, các định chế tài chính và doanh nghiệp.

Đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta cần bước đi linh hoạt dần dần với học hỏi của thị trường và hội nhập của Việt Nam.

Với tất cả các biến số đặc biệt về tài chính của thế giới và Việt Nam có thể nói ngắn gọn việc hạ lãi suất cho vay trong năm 2016 là rất khó khăn.

Việc phối hợp các chính sách gắn với điều hành theo cơ chế mới này, làm thế nào để duy trì lãi suất giữ được như hiện nay hoặc tăng rất nhỏ đã là một thành công trong năm nay rồi.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc NHTM Công thương Việt Nam (Vietinbank): Vietinbank có khả năng giảm lãi suất

Việc NHNN đổi mới trong cơ chế điều hành tỷ giá là bước đi cần thiết và quan trọng, giúp phản ánh được thị trường, những yếu tố cung cầu của cả trong nước và quốc tế đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, liều lượng của nó được phản ánh vào đó như thế nào còn tùy thuộc vào yếu tố thứ 3 – mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ.

Nhà điều hành, ở đây là NHNN, phải quyết định liều lượng của từng yếu tố để đảm bảo được tỷ giá vẫn phản ánh được nhu cầu, cung cầu ngoại tệ cần thiết trên thị trường. Giúp cho hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn.

Đồng thời, tỷ giá cần cân đối các khoản vay nợ nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu không có ảnh hưởng và cú sốc quá lớn làm tăng việc trả nợ, vượt ra khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tất cả việc này là của NHNN.

Tôi cho rằng với cơ chế này, các sản phẩm phái sinh trong đó có sản phẩm kỳ hạn sẽ được đưa vào áp dụng phổ biến hơn và nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ được thỏa mãn bởi phương thức giao dịch giao ngay mà còn được thực hiện thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn.

Từ đó, chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể áp lực mua bán ngoại tệ, làm cho tỷ giá được phản ánh xác thực hơn cung cầu thị trường.

Trên thực tế, ngày hôm nay, ngày đầu tiên áp dụng cơ chế mới, ở góc độ NHTM, chúng tôi thấy rằng tâm lý thị trường đón nhận tích cực, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần quy định theo cơ chế mới này.

Chúng tôi đã triển khai cơ chế mới, khách hàng hết sức phấn khởi khi cơ chế này tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho các doanh nghiệp, tránh tâm lý ỷ lại của một số doanh nghiệp và TCTD.

Về lãi suất, lãi suất cho vay năm 2016 tùy thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp.

Vietinbank có khả năng thực hiện được việc giảm lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn tuy nhiên phải tùy thuộc vào từng dự án và khả năng của Vietinbak.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM