Hiệu ứng tháng 5 và các bất thường phổ biến của thị trường tài chính

05/05/2015 16:15 PM |

Có nhiều chiến lược mang tính thời vụ để đầu tư trên thị trường chứng khoán. Một số dựa trên hành vi của nhà đầu tư, một số đã được chứng minh. Trong những giai đoạn gần đây, những chiến lược đầu tư này có còn đúng?

Ngày giao dịch đầu tháng 5 đã kết thúc với chỉ số VN-Index mất hơn 17 điểm, tâm lý bi quan lo lắng đang bao trùm toàn thị trường. Trong những ngày này, giới đầu tư chứng khoán lại bàn tán về Hiệu ứng tháng 5 (sell in May and go away - Tạm dịch: Hãy bán cổ phiếu vào tháng 5 rồi đi chơi).

Câu hỏi được đặt ra là: Hiệu ứng tháng 5 thật sự đáng sợ? Trên thế giới có những hiện tượng bất thường nào của thị trường tài chính mà giới đầu tư thường quan tâm.

Sara Silverstein, biên tập của tờ Business Insider đã tổng hợp và đưa ra những bình luận về những hiệu ứng này dựa trên quan sát hơn 50 năm tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Hiệu ứng tháng Giêng – the January effect

Hiệu ứng tháng Giêng mô tả hiện tượng cổ phiếu thường tăng giá trong tháng đầu tiên của năm. Thực tế là trong 50 năm qua, chỉ số S&P 500 đã tăng điểm vào tháng 1 trong 60% số lần quan sát. Tuy nhiên cổ phiếu vẫn có xu hướng tăng giá chung, nếu nhà đầu tư mua và nắm giữ trong cả năm, cổ phiếu cũng tăng giá tới 59% số quan sát, do vậy hiệu ứng tháng Giêng cũng không thật sự đặc biệt.

Trong 5 năm trở lại đây chỉ số S&P 500 chỉ tăng điểm vào tháng Giêng trong một nửa số lần quan sát, với mức sinh lợi trung bình là -0,88%.

Chỉ báo tháng Giêng – the January Barometer

Chỉ báo tháng Giêng cho rằng xu hướng của chỉ số S&P 500 trong tháng Giêng sẽ dự đoán xu hướng của cả năm. Trong 50 năm qua, chỉ số S&P 500 đã dự đoán chính xác 66% số lần, trong thời kỳ 25 năm qua con số này là 60% số lần và trong 10 năm qua, nó chỉ đúng trong 50% số quan sát.

Như vậy trong 10 năm trở lại đây, khả năng dự báo của hiệu ứng này không hơn gì tung đồng xu.

Sell in May and go away – hiệu ứng tháng 5

Nhà đầu tư đã nghe rất nhiều đến hiện tượng này. Hiệu ứng tháng 5 cho rằng lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 kém hơn lợi nhuận đầu tư trong 6 tháng trước đó. Có thể nói điều này chỉ đúng một nửa. Quả thực trong thời kỳ 25 năm trở lại đây, hơn 70% số lần quan sát cho thấy lợi việc đầu tư giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 cho kết quả kém hơn 6 tháng trước đó.

Tuy nhiên, trong tất cả các giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10, cổ phiếu vẫn tăng giá nhiều lần hơn giảm giá và bán cổ phiếu trong tháng 5 đồng nghĩa với bỏ qua lợi nhuận, trung bình 1,6% từ năm 1990.

Tháng 9 ế ẩm – the September slump

Sự thật là tháng 9 cho kết quả đầu tư kém nhất trong các tháng kể từ năm 1950. Nhưng trong những năm gần đây điều này có vẻ đã thay đổi.

50 năm trở lại đây tháng 9 cho kết quả tệ hại nhất, nhưng 25 năm gần đây tháng 8 mới là tháng có kết quả kém nhất, mặc dù tháng 9 vẫn cho kết quả thất vọng.

10 năm trở lại đây chỉ số S&P 500 đã tăng điểm 7 lần, với mức sinh lợi trung bình 0,67%.

Tránh nắm giữ cổ phiếu trong những ngày Tết Do Thái* – sell Rosh Hashanah buy Yom Kippur

Thực sự có chuyện cổ phiếu rớt giá trong những ngày lễ Do Thái hay không? Trong 50 năm qua cổ phiếu đã giảm giá trong 47% số lần. Nhưng nếu các nhà đầu tư ngẫu nhiên nắm giữ cổ phiếu trong mỗi chu kỳ 7 ngày giao dịch, cũng có tới 44% số lần cổ phiếu giảm giá, do đó hiện tượng này cũng không có gì đặc biệt cho lắm.

Hiệu ứng tháng 12 – the Santa Claus Rally

Hiệu ứng này nói đến việc cổ phiếu thường tăng giá vào Giáng Sinh trong giai đoạn 5 ngày giao dịch cuối năm và 2 ngày giao dịch đầu năm mới. Như chúng ta đã thấy trong 50 năm qua nếu đầu tư ngẫu nhiên vào mỗi chu kỳ 7 ngày giao dịch chúng ta có thể kỳ vọng chỉ số S&P 500 tăng điểm 56% số lần và giảm trong 44% số lần.

Đối với chu kỳ Giáng Sinh cố phiếu đã tăng giá 75% số lần, với mức sinh lợi trung bình 1,28%.

Nếu đây là cách các nhà đầu tư sử dụng để giao dịch cổ phiếu, lời khuyên của Sara Silverstein là “hãy trung thành với chiến lược mua và nắm giữ”.

*: ngày tết năm mới của người Do Thái, thường kéo dài khoảng 10 ngày

Sơn Đức

BIZ Đức Sơn

Cùng chuyên mục
XEM