Hiệp hội Mía đường: Nếu năng suất mía đường thực sự cao, sao HAGL cứ phải tiêu thụ ở Việt Nam?

04/03/2015 08:01 AM |

“Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn?” – Hiệp hội mía đường tỏ ra hoài nghi.

Nội dung nổi bật:

- Theo Hiệp hội mía đường, giá tiêu dùng đường tại Việt Nam cao là do quản lý thị trường, thuộc trách nhiệm của Bộ công thương.

- Ngành mía đường chưa được ưu đãi và tạo điều kiện đúng mức.

- Hoài nghi năng suất mía đường của Hoàng Anh Gia Lai.


Ngày 3/3/2015, Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có công văn phản hồi ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong bài viết “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam” cách đây 3 ngày.

Công văn dài gần 5.000 chữ với những lời lẽ đầy “cảm xúc” mà Hiệp hội Mía đường dành cho Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, chứa đựng những mâu thuẫn xung quanh ngành mía đường và việc nhập khẩu mía đường.

Giá đường Việt Nam không hề cao – hay “quả bóng trách nhiệm”

Hiệp hội Mía đường cho biết, giá tiêu thụ nội địa của Việt nam không hề cao, thậm chí thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chỉ cao hơn một số ít nước như Brazil, Ấn Độ. Vấn đề là phải so sánh giá bán sỉ giá bán sỉ, bán lẻ với bán lẻ, không thể so sánh chéo.

Một trong các con số mà Hiệp hội đưa ra là giá bán sỉ đường trắng ở Việt Nam hiện từ 530 – 580 USD/tấn (tức là từ 11.400 – 12.400 đồng/kg). Trong khi đó, giá bán sỉ nội địa của các quốc gia khác hầu hết đều cao hơn. Ví dụ Thái Lan (625,9 USD/tấn), Indonesia (716 USD/tấn – đường luyện, thường cao hơn đường trắng), Philippines (956 USD/tấn – đường luyện).

Tuy nhiên, nếu để ý, con số mà Hiệp hội đưa ra có phần “chênh lệch” khi giá đường Việt Nam được lấy trong thời gian 2014/2015. Trong khi các con số so sánh được lấy trong thời gian 2013/2014, thậm chí giá bán sỉ đường luyện của Philippines được lấy trong thời gian 2012/2013.

Mà mía đường, vốn không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, cây mía còn được coi là một cây năng lượng, có thể sản xuất cồn nhiên liệu để pha xăng, là một trong những sản phẩm thay thế dầu mỏ. Diễn biến giá dầu gần đây thì ai cũng biết, và ảnh hưởng trực tiếp là giá mía đường cũng có xu hướng giảm mạnh. Trong thời gian 2013/2014 đến 2014/2015, giá mía đường của các quốc gia ASEAN có đủ điều kiện để giảm cùng với giá dầu thế giới.

Quay lại việc so sánh giá bán sỉ, Hiệp hội cho rằng, giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam bắt đầu là giá bán sỉ cấp 1 từ nhà máy mía đường không cao (như đã phân tích), có cao chăng là giá lẻ, chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ có khi lên đến 50 – 60%. Đây là phạm vi của quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương – Hiệp hội mía đường “phản pháo”.

“Bộ Công thương nên có biện pháp quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá nếu có, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan” – Nguyên văn phản hồi của Hiệp hội mía đường.

Ưu đãi chưa đủ

Hiệp hội mía đường thừa nhận, hiện tại năng suất mía của Việt Nam đang thua kém Thái Lan, nhưng chỉ chênh lệch khoảng 10 tấn/ha chưa không đến 40 tấn/ha như số liệu mà Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đưa ra.

Thế nhưng, sự thua kém về năng suất đó, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để có thể tăng năng suất giống mía. Năng suất giống mía là vấn đề của ngành mía đường, đúng, nhưng cụ thể hơn là vấn đề của quốc gia. Hầu hết các nước đều quản bộ giống và có cơ chế, chính sách chứ không để như Việt Nam, Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh.

Thời gian qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự nâng cấp, mở rộng, đầu tư công nghệ và thiết bị mới, không thể đánh giá là lạc hậu như một số nhận định. Thậm chí, một số nhà máy đường có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn nhiều nhà máy đường của các nước trên thế giới, kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Lào.

Thế nhưng, hiện nay trồng mía đường Việt Nam gặp phải những khó khăn về đất đai, trong đó có những khó khăn xuất phát từ cơ chế: Đất đai manh mún (do trung bình 1 hộ nông dân Việt Nam được quyền sở hữu khoảng 0,4ha, nhiều hộ nông dân miền Trung, miền Bắc sử dụng mảnh đất chưa được một sào, một công đất) và đất chỉ được cấp quyền sử dụng 20 năm, hết hạn phải xin cấp lại chứ không được cấp quyền sử dụng lâu dài.

Những tranh cãi gay gắt xung quanh Hoàng Anh Gia Lai

Với những từ ngữ có phần gay gắt, Hiệp hội Mía đường cho rằng hiện nay đường chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc dưới dạng biên mậu, mà xuất khẩu tiểu ngạch thì chỉ duy nhất cửa khẩu Lào Cai mới thực hiện được – và phải xin phép Bộ Công thương. Chỉ có các doanh nghiệp biên giới mới đủ điều kiện xuất khẩu theo phương thức không đối đẳng, không chính quy mà thực hiện kể cả theo phương thức hàng đổi hàng, không thể thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng hợp đồng xuất khẩu đường nên rủi ro rất cao. Do đó, các nhà máy đường không tự tổ chức xuất khẩu là đương nhiên – Hiệp hội kết luận.

Liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai, Hiệp hội cho rằng nói đường của HAGL được xem như đường sản xuất của Việt Nam là không hợp lý. Tổ chức này ví von “Hiện nay chúng ta có hơn 4 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, họ cũng mở sản xuất, công nhân cũng là Việt kiều, vậy có xem đó là sản xuất như trong nước không?”

Ngoài ra, theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng 2020, tầm nhìn 2030 đều không cho phép xây dựng thêm nhà máy đường mới. Nếu coi Nhà máy đường của HAGL mới xây dựng ở Lào là nhà máy đường của Việt Nam thì liệu có đúng với quyết định của Thủ tướng Chính phủ hay không.

Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh, nếu năng suất mía đường của Hoàng Anh Gia Lai thực sự cao như báo cáo, thì có nhất thiết phải yêu cầu được đưa về tiêu thụ tại Việt Nam, mà không nhằm vào các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm gấp hàng trăm lần sản lượng của HAGL. “Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn?” – Hiệp hội mía đường tỏ ra hoài nghi.

>> [Q&A] 'Nội soi' cỗ máy kiếm tiền 'khủng' HAGL của bầu Đức

Theo Đan Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM