Hiệp định VKFTA: Đón "sóng Korea" 70 tỷ USD

14/05/2015 10:35 AM |

Sau hơn 2 năm đàm phán, Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết vào ngày 5/5 tại Hà Nội. Trước cơ hội này, các nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào đích ngắm 70 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Nội dung nổi bật:

- Trong quý I/2015, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.

- Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, lũy kế đến ngày 20/3, Hàn Quốc vượt Nhật Bản, vươn lên dẫn đầu 101 quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với 4.279 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38,1 tỷ USD, so với thống kê đến ngày 23/3/2011, số dự án tăng 1.540 và vốn tăng thêm 15,8 tỷ USD.

- VKFTA kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng cường thương mại song phương hai nước lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại ASEAN-Hàn Quốc (200 tỷ USD).


Ớt hiểm gặp kim chi

Hai ngày sau khi VKFTA được ký kết, ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade), Bộ Công Thương cho hay, tới đây, trong tháng 5/2015, sẽ có khoảng 16 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đến Việt Nam để tìm kiếm nhà cung ứng nguyên liệu.

Theo ông Linh, DN này quan tâm nhiều đến các lĩnh vực về nông sản. Đây được xem là động thái cho thấy sự quan tâm rất lớn của các DN Hàn Quốc đến thị trường, hàng hóa Việt Nam.

- Trong quý I/2015, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.

- Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 6,58 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,03 tỷ USD, tăng 17,3%, nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên mức 8,61 tỷ USD, tăng 18,1%.

Trước đó, cuối tháng 3/2015, trong khuôn khổ hội nghị thu hút đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận, đại diện Tập đoàn CJ Việt Nam (Hàn Quốc) cũng cho hay, ngoài dự án trang trại ớt tại Ninh Thuận, CJ Việt Nam đang tìm kiếm thêm địa điểm mở rộng diện tích trồng ớt, nhằm hướng đến thay thế nguyên liệu đang phụ thuộc từ Trung Quốc.

Theo kế hoạch, năm 2015, CJ Việt Nam sẽ gia tăng phát triển 100ha ớt, dự kiến 2016, sẽ tăng diện tích trồng ớt lên 200ha tại Ninh Thuận, đồng thời, tiến hành xây dựng nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu ớt khô xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngoài ra, tương ớt cũng sẽ được xuất khẩu phục vụ cho cả thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, đại diện CJ Việt Nam còn cho hay: "Chúng tôi cũng đầu tư nhà máy sản xuất kim chi tại Việt Nam. Nếu thành công về vùng nguyên liệu, mô hình sẽ được nhân rộng sang nhiều tỉnh, thành lân cận".

Dù chỉ mới được triển khai một năm, nhưng với những thông tin khả quan từ giai đoạn đầu, CJ Việt Nam cho biết bắt đầu thực hiện dự án xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Ninh Thuận.

Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 5/2014 đến tháng 5/2017) tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn với kinh phí riêng cho giai đoạn 1 là 1,7 triệu USD do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và CJ tài trợ. Các đơn vị tham gia dự án gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KOICA, CJ và tỉnh Ninh Thuận.

Sắp tới, tại Hội nghị Quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Food Vietnam 2015) diễn ra từ ngày 13-14/5, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2015), các Tập đoàn CJ, Lotte cũng sẽ tham gia các giao dịch thương mại với các DN thực phẩm Việt Nam nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng thực phẩm liên quan đến các lĩnh vực thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tươi sống...

Chia sẻ về VKFTA và những quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Park Sang Hyup, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc, thuộc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM (KOTRA), cho hay, Hàn Quốc đang rất quan tâm đến mặt hàng lúa gạo nhưng trên thực tế chưa có DN Việt Nam nào thành công tại thị trường Hàn Quốc.

"Có thể có nhiều DN Hàn Quốc sẽ đầu tư vào vùng trồng lúa. Với các loại rau củ quả, hiện nay cũng đã có nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vùng trồng tại Việt Nam, đơn cử như dâu, ớt... Tuy nhiên, các DN này cũng đang bị giới hạn ở một số địa phương", ông Park Sang Hyup nói.

Dệt mừng, gỗ vui, thủy sản vỗ tay

Thủy sản, dệt may và chế biến gỗ là những ngành đầu tiên nhanh chóng hưởng lợi từ FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), năm 2013, Antesco chỉ mới bước đầu tìm hiểu thị trường Hàn Quốc.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do những vấn đề về rào cản thuế quan từ trước đến nay đối với một số mặt hàng từ Việt Nam đã khiến các DN rau củ qua Việt Nam chưa mạnh bước vào thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau một năm tìm hiểu, năm 2014, thị trường Hàn Quốc đã đem về khoảng 7% doanh thu cho Antesco.

Theo ông Đấu, việc VKFTA được ký kết là tin vui, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành rau củ quả Việt Nam, khi rào cản thuế quan và một số rào cản kỹ thuật được gỡ bỏ. Vì thế, theo kế hoạch, Antesco đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc, dự kiến sẽ tăng từ 7% lên 20% về doanh thu từ thị trường này.

Hiện nay, các sản phẩm như: bắp non, đậu nành... Antesco đã quy hoạch được vùng trồng và hoàn toàn khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn. Vì điều này, ông Đấu cho rằng, sản phẩm thương hiệu Antesco hoàn toàn có thể chủ động và chịu trách nhiệm ở vị thế là một nhà cung ứng, chứ không còn vướng cảnh xuất khẩu nông sản "không tên" như nhiều mặt hàng của Việt Nam ở xứ người.

"Hiện, chúng tôi đang rất hứng thú được hợp tác với nhiều DN Hàn Quốc muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam. Vietnam Foodexpo 2015 diễn ra ngày 13/5 sẽ được xem là cơ hội để Antesco đẩy mạnh giao thương trong việc tìm kiếm thêm đối tác kinh doanh", ông Đấu chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, FTA Việt Nam - Hàn Quốc ký kết tạo cơ hội xuất khẩu rất lớn cho hàng thủy sản Việt Nam. Trong hiệp định cũng nói đến việc Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với hạn ngạch 10.000 tấn tôm/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế.

Nếu so sánh với 600.000 tấn sản lượng tôm của cả nước thì hạn ngạch 10.000 tấn Hàn Quốc dành cho Việt Nam chiếm tỷ trọng không lớn, tuy nhiên, đây là khởi đầu để Việt Nam tăng dần trong những năm sau theo đà hợp tác phát triển giữa hai nước.

Ở ngành dệt may, bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc Sơn Kim Fashion (SKF), đánh giá, VKFTA rất có lợi cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Vì Việt Nam có lợi thế nhân công nên khi VKFTA được ký kết, thuế suất nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ không còn là rào cản, nên dễ thu hút các nhà thiết kế hay các DN thời trang Hàn Quốc đến đặt hàng gia công".

Ở chiều ngược lại, để đưa hàng hóa từ Hàn Quốc vào Việt Nam cũng có những khó khăn, điều này liên quan đến văn hóa, thiết kế, hoặc chính sách giá. Không phải dễ để các DN Hàn Quốc, Nhật xây dựng chính sách giá rẻ hơn tại thị trường Việt Nam.

"Nhưng nếu như Nhà nước Việt Nam vẫn không bảo hộ được bản quyền từ các mặt hàng may mặc trong nước thì thị trường may mặc Việt Nam vẫn là thị trường rất bé để thu hút các nhà đầu tư”, bà Trang nói.

Điều này được minh chứng rõ nhất qua trường hợp của Công ty E-Land Asia Holdings (Singapore) thuộc Tập đoàn E-Land (Korea). E-Land có thế mạnh về may mặc, thời trang và bán lẻ, đơn vị sở hữu 43,2% cổ phần của Công ty CP Dệt may Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).

Theo những người trong ngành, rõ ràng, E-Land cũng rất cẩn trọng thăm dò khi mua lại TCM với kỳ vọng phát triển ngành thời trang. Nhưng sau đó, E-Land không đẩy mạnh kế hoạch này vì chưa thấy được tiềm năng thực sự mạnh tại thị trường Việt Nam.

Song ở thị trường Hàn Quốc, các DN Việt Nam lại rất hứng thú. Vì theo bà Trang, DN Việt Nam có thể chủ động về thương hiệu, và mở rộng hơn thị phần trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện, Sơn Kim Fashion đang cung cấp hàng nội y cho Lotte, sắp tới là Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Emart.

Ngoài ra, hai năm trở lại đây, Hàn Quốc đã dần nổi lên là thị trường xuất khẩu chính của Gỗ Đức Thành. Hiện tại, các khách hàng Hàn Quốc, trong đó có Lotte Mart, chiếm khoảng 30% lượng hàng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành. Doanh số xuất khẩu ở tất cả các thị trường của Gỗ Đức Thành mỗi năm đạt khoảng 10 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores), nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc như ván nhân tạo, gỗ dán trước khi FTA ký kết có thuế rất cao, từ 5 - 10%, nhưng khi thuế suất nhập khẩu về 0% thì mỗi mét khối gỗ nhập khẩu có thể giảm từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đầu tư các nhà máy sản xuất MDF quy mô triệu m3/năm nhưng nếu sản phẩm MDF Hàn Quốc rẻ hơn tràn vào Việt Nam thì chắc chắn sản phẩm của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, lũy kế đến ngày 20/3, Hàn Quốc vượt Nhật Bản, vươn lên dẫn đầu 101 quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với 4.279 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38,1 tỷ USD, so với thống kê đến ngày 23/3/2011, số dự án tăng 1.540 và vốn tăng thêm 15,8 tỷ USD. Ba lĩnh vực mà các DN Hàn Quốc đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và xây dựng.

Lực đẩy VKFTA

Hiện nay, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các DN vừa và nhỏ (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép...

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất hiện khối DN vệ tinh cho các TNCs (tập đoàn đa quốc gia) Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử...

- Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

- Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, sắt thép, dây cáp điện.

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ... như: Samsung, Doosan, LG, Posco, CJ, Taekwang, Hyosung...

Tính đến tháng 12/2014, Hàn Quốc đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2.471 dự án, tổng vốn đầu tư 23,649 tỷ USD, chiếm 60,81% tổng vốn đầu tư đăng ký và 63,93% số dự án).

Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (80 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,98 tỷ USD, chiếm 19,69% tổng vốn đầu tư đăng ký và chỉ 1,9% số dự án). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng (555 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,395 tỷ USD chiếm 13,66% tổng vốn đăng ký và 6,52 % số dự án).

VKFTA kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng cường thương mại song phương hai nước lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại ASEAN-Hàn Quốc (200 tỷ USD). Về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, quốc gia này đã vươn lên dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục giữ vững vị trí này trong năm 2014.

Đồng thời, quý I/2015, Hàn Quốc cũng vẫn là nhà đầu tư có vốn đăng ký cao nhất. Có thể thấy, nhiều DN của Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam, ngay như năm 2013, dự án của LG tại Hải Phòng với vốn đăng ký 1,5 tỷ USD đã đóng góp đáng kể vào kết quả đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong khi đó, năm 2014, các dự án tỷ đô của Samsung như tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, Samsung CE Complex (TP.HCM) và Samsung Display Bắc Ninh đã giúp Hàn Quốc cán đích 7,32 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, xét về thương mại hai chiều, từ năm 2009 đến nay, cán cân thương mại không cân bằng, Việt Nam nhập khẩu đáng kể hàng hóa từ Hàn Quốc. VKFTA có góp phần thay đổi cục diện hay không còn là vấn đề thời gian.

>> Việt Nam - Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do

Theo DUY KHUÊ - NGUYÊN BẢO

Cùng chuyên mục
XEM