Hàng Việt liên tục dính “phốt” tại Ấn Độ

28/02/2016 20:00 PM |

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, đã có tới 4 vụ việc liên quan đến kiện chống bán phá giá hàng Việt Nam tại Ấn Độ.

Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam

Ngày 27/1/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) nhận được thông tin về việc Tổng vụ Chống bán phá giá và trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã đăng thông báo số 14/29/2015-DGAD về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ Viejt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Nguyên đơn là Công ty Indorama Industries Ltd, (theo nguyên đơn, họ là nhà sản xuất duy nhất sản phẩm bị điều tra tại Ấn Độ).

Sản phẩm bị điều tra là sợi spandex có mã HS: 5404 11 00 (bao gồm 5402 44 00 và 5402 60 90). Giai đoạn điều tra từ 1/10/2014 – 30/9/2015 (giai đoạn xem xét thiệt hại từ tháng 4/2011 – 3/2015 và giai đoạn điều tra).

Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm sợi spandex nhập khẩu nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ nói trên bán phá giá vào Ấn Độ với giá thấp hơn nhiều so với giá tại thị trường nội địa của các quốc gia/vùng lãnh thổ bị cáo buộc và điều này đang gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp trong nước bao gồm sự suy giảm về doanh số, lợi nhuận tiền mặt và lợi tức đầu tư âm.

DGAD thấy có dấu hiệu ban đầu về việc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả. Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ấn Độ thông báo tổ chức phiên điều trần rà soát hoàng hôn đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm đĩa ghi hình DVD nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan

Ngày 20/1/2016, Tổng Vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) thông báo sẽ tổ chức phiên điều trần rà soát hoàng hôn đối với vụ việc chống bán phá giá sản phẩm đĩa ghi hình DVD nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan..

Thông tin chi tiết vụ việc như sau: Ngày khởi xướng điều tra 5/5/2009; Sản phẩm bị điều tra là đĩa ghi hình DVD (Recordable Digital Versatile Disc) có mã HS: 8523.

Trước đó, ngày 2/7/2010, Ấn Độ ban hành kết luận cuối cùng, theo đó mức thuế suất cho bị đơn bắt buộc là 29,75 USD/1000 chiếc; mức thuế suất cho tất cả các doanh nghiệp khác là 50,51 USD/1000 chiếc. Thời gian áp dụng là 5 năm kể từ ngày 12/4/2010.

Đến ngày 31/12/2013, Ấn Độ sửa đổi kết luận cuối cùng, theo đó mức thuế áp dụng là 73,01 USD/1000 chiếc.

Ngày 7/4/2015, Ấn Độ thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn đối với vụ việc trên để xem xét liệu khả năng tiếp tục hoặc tái diễn việc bán phá giá hàng hóa bị điều tra và thiệt hại đối với ngành sản xuất của Ấn Độ và liệu có cần thiết phải tiếp tục lệnh áp thuế hay không.

Ấn Độ tiến hành thẩm tra tại chỗ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam

Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) thông báo đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về việc Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm gỗ tấm MDF (Plain Medium density Fibre Board) nhập khẩu từ Việt Nam dự kiến từ ngày 25/2/2016.

Nguyên đơn là Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd.; sản phẩm bị điều tra là gỗ tấm MDF mã HS 4411.

Ngày khởi xướng điều tra 7/5/2015, giai đoạn điều tra phá giá từ 1/10/2013 – 30/9/2014; giai đoạn xác định thiệt hại từ 1/4/2011 – 30/9/2013.

Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn (trị giá khoảng 13 triệu USD) – xếp thứ 2 trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ấn Độ thông báo tổ chức phiên điều trần về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm pin khô AA

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, trong thông báo số No.14/31/2014-DGAD ngày 11/2/2016, Tổng vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp Ấn Độ sẽ tổ chức phiên điều trần trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm pin khô AA (AA Dry Cell Batteries) nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyên đơn vụ việc là Association of Indian Dry Cell Manufacturers (hiệp hội các nhà sản xuất pin khô Ấn Độ) đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Eveready Industries India Ltd., Panasonic Energy India Co. Ltd., và Indo National Ltd.

Ngày khởi xướng điều tra 20/10/2015. Sản phẩm bị điều tra là pin AA – mã HS: 8506.10. Giai đoạn điều tra phá giá từ 1/4/2014 – 31/3/2015, giai đoạn điều tra thiệt hại từ 1/4/2011 – 31/3/2015.

Theo MINH VŨ

Cùng chuyên mục
XEM