Hàng chục tỷ USD đã bí mật chảy vào Triều Tiên như thế nào?

03/05/2013 14:19 PM |

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên rõ ràng là đồng minh. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong đó, thế giới vẫn còn rất mơ hồ với cung cách cư xử lẫn nhau giữa hai quốc gia này, nhất là thời gian gần đây và với vấn đề nhạy cảm: tài chính.

Thân tình ấm áp

Nằm trên tầng 16 của một tòa tháp ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc, Huiyou Gardens tưởng chừng chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà điều tra Mỹ, công ty gần 10 năm tuổi này chính là “một nút thắt tài chính quan trọng của bộ máy vận hành vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên”.

Sông Áp Lục và cây cầu kết nối Trung Quốc - Triều Tiên

Kể từ khi thành lập chi nhánh Trung Quốc vào năm 2004, Ngân hàng Kwangson, hay còn gọi là Ngân hàng Ngoại thương, đã tạo ra dòng chảy ngoại tệ trị giá hàng tỷ USD vào Bình Nhưỡng, những đồng tiền được cho là sử dụng để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân của và chương trình tên lửa đạn đạo.

Vì vậy, khi các nhà chức trách Trung Quốc cho đóng cửa chi nhánh này hồi tháng trước, 10 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, một dấu hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh cuối cùng đã hết kiên nhẫn với chế độ hiếu chiến của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Đó là một cú đánh lớn đối với Triều Tiên. Trung Quốc đang thực hiện nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", một tờ báo thân chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông nhận định.

Trong khi đó, ít nhất 2 trong số các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các tài khoản riêng của họ tại trụ sở Ngân hàng Kwangson, nằm ở bên cạnh quảng trường Kim Il-sung, thủ đô Bình Nhưỡng.

Cho đến nay, sợi dây liên kết kinh tế còn lại giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài – chủ yếu là Trung Quốc, chính là thành phố Đan Đông, một thành phố gần 800.000 dân nằm bên dòng sông Áp Lục. Thành phố này có đầy đủ những kẻ buôn lậu, gián điệp, sĩ quan quân đội, những quy định luật pháp thông thường dường như không tồn tại ở đây.

Khoảng 70% của số tiền 7 tỷ USD trong giao thương hàng năm giữa Triều Tiên và Trung Quốc chảy qua Đan Đông. Và đây cũng là nơi số tiền 10 tỷ USD thương mại chợ đen hòa chung dòng chảy. Đường ống dẫn dầu quan trọng cung cấp 80% nhu cầu nhiên liệu của Triều Tiên đi qua thành phố này. Để có được nó, Bình Nhưỡng đã phải trả giá rất cao bằng các đặc quyền dành cho đồng minh Trung Quốc của mình.

Theo truyền thống, Đan Đông cũng là kênh lưu thông dòng ngoại tệ của các nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn nhập khẩu “những cơn thèm khát cá nhân” của họ. Danh sách mua sắm của họ bao gồm thực phẩm cao cấp, rượu vang tốt và chiếc máy tính cao cấp iMac của Apple cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Và dĩ nhiên, các sản phẩm hạt nhân đóng mác Trung Quốc cũng du nhập tới Triều Tiên bằng chính cây cầu trên sông Áp Lục này.

Trung Quốc đã quay mặt với “Chí Phèo”?

Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây đang khiến cho mối quan hệ ấm cúng giữa Trung Quốc và Triều Tiên trở nên lạnh nhạt hơn. "Không ai có thể cho phép để ném một khu vực và thậm chí cả thế giới vào sự hỗn loạn cho những lợi ích ích kỷ", ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc nói trong một bình luận được xem là lời khiển trách mạnh đến Bình Nhưỡng.

Nếu Trung Quốc thực sự tỏ ra lạnh nhạt trong mối quan hệ với hàng xóm của mình, điều này có thể thay đổi đáng kể tình hình trên bán đảo. Thật vậy, không có hỗ trợ của Trung Quốc trong suốt toàn bộ sự tồn tại của mình, chế độ Triều Tiên có thể đã sụp đổ từ lâu.

"Thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã thay đổi chưa từng có kể từ tháng Hai", Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết. Ông nói thêm rằng quyết định hồi tuần trước ngăn chặn người du lịch Trung Quốc qua biên giới ở Đan Đông là một tín hiệu rõ ràng về sự không hài lòng với Bình Nhưỡng.

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, không giống như những kỳ vọng của Trung Quốc, các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên không đem lại được gì ngoài sự thách thức đối với khu vực. Bắc Kinh đã mong đợi Kim Jong-un, sau cái chết của cha ông Kim Jong-il vào cuối năm 2011, sẽ đi theo mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc trong khi vẫn giữ hệ thống chính trị dưới sự kiểm soát gia đình trị.

Nhưng các quan chức Triều Tiên vì sợ phiền lòng mà ôm lấy chủ nghĩa tư bản sẽ không chỉ làm suy yếu hệ tư tưởng đã giúp họ gìn giữ sức mạnh mà còn đẩy Trung Quốc vào một lợi thế quá lớn, gây nguy hại cho thị trường của họ.

Ở Đan Đông, sự thất vọng của Trung Quốc với Triều Tiên đang trở nên rõ ràng, các khoản tài trợ hàng trăm triệu đồng ngoại tệ đã bị đình trệ, các tòa nhà chọc trời vừa được xây dựng có nguy cơ sẽ chìm sâu xuống vùng trũng nước giữa hai miền biên giới.

Trò chơi ngữ nghĩa của "việc trừng phạt đồng minh"?

Đó là lý do tại sao, vẫn có những người đã không gặp khó khăn gì trong việc chuyển tiền từ bên trong Trung Quốc đến thủ đô của Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc.Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra ở Đan Đông của tờ báo London Sunday Telegraph tuần trước cho thấy Trung Quốc vẫn còn “rất yêu quý vị đồng minh ma mãnh” của mình. 

Triều Tiên, ngay cả với sự khoe khoang bất tận và các mối đe dọa chiến tranh, vẫn còn là một quốc gia mà Trung Quốc có thể bắt tay, và đại diện cho một bộ đệm rất quan trọng đối với những gì Trung Quốc coi là một nỗ lực của Mỹ để "bao vây" nó. Nếu chế độ sụp đổ, Trung Quốc lo sợ Triều Tiên sẽ được sát nhập vào Hàn Quốc, đẩy lực lượng thân phương Tây đến sát hơn với biên giới Trung Quốc.

Trong khi ngân hàng Kwangson có thể đã bị đóng cửa, các giao dịch ngoại tệ vẫn có thể diễn ra ở các chi nhánh ngân hàng nhà nước nhỏ hơn đóng tại địa phương. Các giao dịch vẫn có thể chuyển tiền từ ngân hàng khác trong thành phố, nhưng mà dòng tiền sẽ được đưa qua Ngân hàng Đan Đông.

Đối với người dân ở Đan Đông, việc đóng cửa ngân hàng Kwangson chỉ là “một sự bất tiện”, nhưng không có nghĩa là sự thay đổi đột ngột hay bước ngoặt bất ngờ nào trong mối quan hệ giao thương giữa hai miền biên giới.

Mặc dù Trung Quốc phản đối công khai, thương mại ở Đan Đông vẫn tiếp tục phát triển. Mỗi ngày, hàng chục xe tải xếp hàng bên ngoài biên giới để vận chuyển ngũ cốc, phân bón và các thùng chứa hàng hoá vào Triều Tiên. Và thành phố vẫn còn là một nam châm cho những người Triều Tiên giàu có.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất đặc biệt cấm việc bán cho người Triều Tiên các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức, đá quý và ngọc trai, hàng loạt cửa hàng ở Đan Đông vẫn kinh doanh như thường. "Chúng tôi bán dây chuyền như thế này", một nhân viên bán hàng tại một tiệm vàng Trung Quốc, chỉ vào một đồ trang sức nạm đá quý và có giá tương đương với 6.000 USD. "Người Triều Tiên đến đây thường là các quan chức chính phủ hoặc doanh nghiệp và họ thực sự giàu có".

Trung Quốc cũng bị cáo buộc làm ngơ, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đến bây giờ chỉ bởi những khoản tiền thu được từ một ngành xuất khẩu của Triều Tiên: vũ khí, và thường lờ đi trong việc kiểm tra thường xuyên các tàu chở hàng của Triều Tiên.

Trong thời gian bị giữ tại cảng Durban ở Nam Phi năm 2010, các quan chức tìm thấy bộ phận của xe tăng và một số thiết bị quân sự khác của Triều Tiên, rõ ràng có liên quan đến Congo, được cho vào sau các bao gạo tại một cảng ở phía đông bắc Trung Quốc. Các nhà ngoại giao cho biết họ nghi ngờ hải quan Trung Quốc đã không phát hiện ra các thiết bị, và tin rằng thương mại bất hợp pháp như vậy vẫn thường xuyên xảy ra.

"Một trong những tác động chính của các cơ chế trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho phép bắt giữ vũ khí, nhưng điều đó sẽ vẫn là một biện pháp không hiệu quả trừ phi Trung Quốc nghiêm túc thực hiện nó", một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.

Ở Đan Đông, ít người được nghe nói về các biện pháp trừng phạt, và rất ít người thực sự hiểu lệnh trừng phạt đó có ý nghĩa gì. Người dân ở đây cười nhạo ý kiến ​​cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể ngăn chặn dòng chảy của đồng tiền ở hai miền biên giới. Người ta sẽ bảo: "Thương mại vẫn đang diễn ra. Mỗi ngày, chúng tôi có rất nhiều khách". 

Theo Phan Sương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM