Hà Nội làm gì để hút khách Tây Âu?

04/08/2015 13:36 PM |

Là một trong 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước (cùng với TP HCM), tuy nhiên thủ đô Hà Nội đang tập trung vào việc để kích cầu và thu hút khách từ 6 thị trường vừa được Chính phủ miễn visa, đặc biệt là 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý).

Còn nhiều cái khó!

Hà Nội là một trong những địa phương vừa đi tiên phong trong việc triển khai kích cầu tới 5 thị trường Tây Âu và Belarus sau khi Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) công bố chương trình hành động đến các thị trường này.

Mặc dù đều ủng hộ chủ trương của Tổng cục Du lịch, VITA và Sở VHTTDL Hà Nội trong kế hoạch kích cầu thị trường 5 nước Tây Âu và Belarus, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn tỏ ra băn khoăn khi dẫn ra nhiều cái khó trong việc hút khách, nhất là khi sản phẩm du lịch thủ đô nhiều năm qua không có gì đổi mới.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Mai Hương - Giám đốc Công ty Đầu tư, Du lịch, Xuất nhập khẩu một thành viên Hồ Gươm cho biết, điều đáng buồn là thời gian lưu trú của khách quốc tế tại Hà Nội ngày càng ngắn do sản phẩm du lịch của Hà Nội nhiều năm qua không có gì đổi mới.

“Trước đây, chúng tôi có thể làm tour 2-3 đêm cho khách tại Hà Nội, song hiện nay việc làm tour 2 đêm cho khách cũng là khá khó khăn vì 20 năm nay khách đến Hà Nội chỉ đến loanh quanh vài điểm Hồ Gươm, Lăng Bác, Văn Miếu là hết. Ngày trước, chúng tôi cũng khai thác tour đưa khách đến tham quan các làng nghề truyền thống Hà Nội như lụa Vạn Phúc, làng Đồng Kị, nhưng nay làng lụa Vạn Phúc lại chủ yếu hàng Trung Quốc, làng Đồng Kị thì quá hiện đại, mất đi tính hấp dẫn…” – bà Hương bày tỏ.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thọ - Giám đốc Công ty Du lịch Phượng Hoàng lại cho rằng, một sản phẩm tour du lịch thường liên quan đến nhiều vùng miền, do vậy nếu chỉ Hà Nội giảm giá mà các địa phương lân cận không giảm thì rất khó cho doanh nghiệp. Bà Thọ đề nghị Hà Nội và VITA làm việc với các địa phương lân cận như Lào Cai, Quảng Ninh… để cùng đưa ra những chính sách giảm giá phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng tour và thu hút khách.

Bên cạnh đó, bà Thọ cho biết, hiện nay doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng giảm giá để kích cầu, song phí thăm quan vẫn tăng, trong khi đó các khách sạn lại thờ ơ và không chịu giảm giá với lý do “khách vẫn đông”. Điều này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc triển khai kích cầu để thu hút khách.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lương Duy Ngân – Giám đốc Công ty New Star Tours cho biết, muốn kích cầu thị trường Tây Âu thì điều quan trọng nhất là các bên liên quan đều phải bắt tay với nhau để cùng hướng tới mục đích chung là xây dựng sản phẩm du lịch thật hấp dẫn và có mức giá giảm.

Ông Ngân cũng đề xuất, Sở VHTTDL Hà Nội cần đứng ra “cầm trịch” để đảm bảo các bên tham gia thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn phải giảm giá thì mới có thể đưa ra sản phẩm kích cầu có mức giá hấp dẫn. “Hà Nội có thể đưa ra yêu cầu các khách sạn dành 25% số lượng phòng để ưu tiên cho chương trình kích cầu. Còn các nhà hàng thì cần nâng cao chất lượng bữa ăn và chính sách giảm 15% cho khách trong tour kích cầu. Tôi cho rằng, chương trình kích cầu chỉ dành cho một số đối tượng khách nhất định nên mức giá giảm như vậy sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ” – ông Ngân bày tỏ.

Kích cầu nhất định phải giảm giá

Tại Hội nghị kích cầu du lịch từ 5 nước Tây Âu và Belarus do Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức mới đây, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đặt câu hỏi: trước đây lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh thì ngành du lịch có thể “đổ lỗi” cho visa, nhưng khi miễn rồi thì lượng khách liệu có tăng hơn không?

“Nếu lượng khách không tăng thì chúng ta chỉ có thể đổ lỗi cho nhau chứ không thể đổ lỗi cho những lý do nào khác nữa. Chính vì vậy, việc miễn visa này là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt Du lịch trước một thách thức lớn để buộc phải phấn đấu quyết liệt, để tất cả nhìn thấy rõ nỗ lực của ngành Du lịch”- ông Bình nhận định.

Vì lẽ đó, lãnh đạo VITA cho rằng, nhân cơ hội Chính phủ miễn visa cho 6 thị trường này, du lịch Hà Nội cần tìm mọi cách để bứt phá đi lên, bởi lẽ theo kinh nghiệm, khách của 5 thị trường Tây Âu trọng điểm này vẫn có xu hướng đến du lịch tại miền Bắc là chính. Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, một trong những “cái khó” của việc kích cầu những thị trường này là hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã phải giảm giá, hạn chế lợi nhuận trong suốt 5 năm triển khai kích cầu rồi, rất khó có thể giảm hơn được nữa nếu không nhận được sự hỗ trợ của các bên liên quan.

“Lần kích cầu này đặt ra yêu cầu nhất định phải giảm giá tiếp thì mới thu hút được khách. Tuy nhiên, đây là điều khó trong bối cảnh các địa phương thi nhau tăng giá vé thăm quan, “mạnh ai nấy làm”. Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu lần này phải cam kết rõ ràng là sẽ giảm bao nhiêu tiền vé thăm quan, giá tour, giá dịch vụ… Và việc giảm giá này chỉ áp dụng đối với tour kích cầu và chỉ dành cho doanh nghiệp tham gia kích cầu, như vậy chương trình mới có ý nghĩa” – ông Bình khẳng định.

Ông Bình cũng gợi ý, Hà Nội có thể tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc biệt miễn phí dành cho khách đến từ Tây Âu để tăng sức hấp dẫn, đồng thời cam kết đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn cho du khách đến với thủ đô. Ông khẳng định, có hai vấn đề cần phải làm ngay để thu hút khách đến từ Tây Âu, đó là xây dựng sản phẩm du lịch tốt và xúc tiến quảng bá đến những thị trường này.

Đối với sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp có thể giữ lại bí quyết riêng, song cũng cần có đóng góp ý kiến để xây dựng nên sản phẩm chung cho du lịch thủ đô phù hợp đối với từng thị trường. Về công tác xúc tiến, ông Bình cho rằng cần phải tổ chức ngay các đợt xúc tiến đến các thị trường nói trên. “Lẽ ra chúng ta phải xúc tiến ngay trong tháng 7, nhưng rất tiếc tháng 7-8 là thời gian nghỉ hè ở châu Âu nên không thể triển khai được. Sớm nhất là tháng 9, chúng ta mới có thể triển khai các đợt xúc tiến” – ông Bình cho biết.

Đồng tình với những gợi ý của lãnh đạo VITA, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định, tham gia chương trình kích cầu du lịch lần này là trách nhiệm chứ không phải là phong trào “làm cho có”, do vậy các bên liên quan cần cam kết rõ sẽ đóng góp gì cho chương trình kích cầu, giảm giá bao nhiêu, đồng thời đóng góp các sản phẩm mới để Sở VHTTDL Hà Nội tuyên truyền, quảng bá đến các thị trường Tây Âu.

Ông Tiến cũng gợi ý, ngoài việc nâng cao chất lượng, các khách sạn trên địa bàn cần lưu ý đến việc “tô đậm” và nâng cao giá trị của các món ăn đặc sắc của thủ đô để phục vụ du khách quốc tế nói chung và khách Tây Âu nói riêng, đồng thời góp phần quảng bá nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội.

Ngoài ra, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cũng khẳng định, đợt tới Sở sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập những nhóm kích cầu với các hoạt động cụ thể. Các nhóm này sẽ xây dựng và thực hiện các gói tour riêng biệt để phục vụ du khách Tây Âu và Belarus. Sở cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển cam kết giảm tối thiểu 10% giá cả để hút khách.

Mặc dù còn không ít khó khăn để có thể tạo ra thành tích có thể nhìn thấy rõ sau một năm được miễn visa đối với 5 thị trường Tây Âu, nhưng hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn, du lịch thủ đô sẽ tạo ra sự khởi sắc đáng kể, đặc biệt là đối với những vị khách đến từ Tây Âu.

Theo Hồng Dương

Cùng chuyên mục
XEM