Hà Nội là thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam

26/06/2015 17:30 PM |

Chỉ có 2 năm 2010 và 2011, Hà Nội “chịu” đứng sau TPHCM về chỉ số giá sinh hoạt. Còn trong vòng 3 năm trở lại đây, Hà Nội luôn duy trì vị trí thành phố đắt đỏ nhất cả nước.

Nội dung nổi bật:

- Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Hà Nội đã duy trì vị trí thành phố đắt đỏ nhất cả nước từ năm 2012 đến nay.

- TPHCM là thành phố có chi phí giáo dục tốn kém nhất cả nước, cao gần gấp rưỡi so với Hà Nội

- Bến Tre là tỉnh gây shock khi tăng chi phí giáo dục tới 5 lần. Hà Tĩnh cũng ghi dấu ấn với dịch vụ y tế khi tăng giá dịch vụ này hơn 3 lần


Chiều 26/6, Tổng cục Thống kê công bố kết quả điều tra chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (chỉ số SCOLI) trên cả nước.

Theo đó, khi chọn Hà Nội là địa phương gốc để so sánh, kết quả thống kê cho thấy: Giai đoạn 2010-2011, TPHCM là địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất nước (cao hơn Hà Nội từ 1,2 - 0,8%). Trong đó, nhóm học phí luôn cao hơn Hà Nội 40%.

Tuy nhiên, giai đoạn 2012 tới nay, Hà Nội là địa phương có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất nước.

Chi phí giáo dục tại TPHCM vẫn tốn kém nhất

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.

Trong năm 2013, TPHCM đứng thứ 4 và năm 2014 đứng thứ 6 cả nước về mức độ “đắt đỏ”. Do trong những năm này, TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá nên giá lương thực, thực phẩm, may mặc, dồ uống, thuốc lá của thành phố không có mức tăng đột biến.

Tuy nhiên, nhóm giáo dục tại TPHCM năm 2014 vẫn cao nhất cả nước và bằng 168,59% so với Hà Nội. Giá 2 nhóm hàng là “Thiết bị và đồ dùng gia đình” và nhóm “Hàng hóa và dịch vụ khác” cũng cao hơn Hà Nội từ 4 – 7%.

Trong khi đó, các nhóm hàng khác đều thấp hơn Hà Nội từ 6 – 22%.

Từ năm 2012 – 2014, các tỉnh trong vùng Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) có mức giá cao ở các nhóm lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông. Do vậy, chỉ số SCOLI của các tỉnh này thường đứng ở vị trí thứ 2, 3, 4 trong cả nước khi so với Hà Nội.

Tuy nhiên, mức giá bình quân của các tỉnh này chỉ bằng 94% so với mức giá bình quân của Hà Nội. Riêng nhóm “Giao thông” của các tỉnh này luôn cao hơn Hà Nộ từ 2 – 8%.

Trà Vinh, Thái Bình có mức giá thấp nhất

Theo báo cáo, Trà Vinh là tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước, nhóm hàng có giá thấp nhất là hàng hóa và dịch vụ ăn uống.

Thái Bình là tỉnh có mức giá thấp thứ 2 sau Trà Vinh. Chỉ số SCOLI của Thái Bình năm 2014 chỉ bằng 79,4% so với mức giá chung của Hà Nội. Trong đó, nhóm hàng có tác động lớn nhất đến mức giá chung của Thái Bình là nhóm hàng hóa và dịch vụ ăn uống.

Giá các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn thấp hơn Hà Nội do nhóm hàng lương thực, thực phẩm của các tỉnh trong vùng này giá chỉ bằng 75 – 85% mức giá của Hà Nội.

Bến Tre gây shock khi tăng học phí tới 5 lần

Cũng theo báo cáo, Bến Tre là tỉnh có chỉ số SCOLI thay đổi biên độ khá mạnh theo hướng đắt đỏ hơn. Năm 2010, Bến Tre đứng vị trí thứ 51 và được nâng lên tỉnh thành đắt đỏ thứ 17 cả nước vào năm 2011.

Nguyên nhân là do năm 2011, tỉnh Bến Tre tăng giá dịch vụ giáo dục với mức tăng cao nhất cả nước. Cụ thể: Học phí mẫu giáo tăng 68,2%; học phí phổ thông cơ sở tăng 508,2%; học phí học nghề kỹ thuật tăng 16,61% và học phí đại học tăng 17,39%.

Đến năm 2013, Hà Tĩnh thay Bến Tre trở thành tỉnh có mức tăng học phí cao nhất nước. Tháng 9/2013, tỉnh này tăng 47,54% học phí đại học; tăng 57,59% học phí trung cấp; và tăng 23,21% học phí học nghề kỹ thuật.

Mặc dù chưa đạt được mức tăng học phí “khủng” như Bến Tre, Hà Tĩnh vẫn ghi dấu ấn trong việc tăng giá dịch vụ y tế tới 305,85% vào năm 2012.

Chỉ số SCOLI (Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian) cho các năm 2010 – 2014 được tính toán theo phương pháp do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giới thiệu. Chỉ số SCOLI của Việt Nam qua các năm 2010 – 2014 được tính dựa trên giá của 1.581 mặt hàng từ điều tra giá tiêu dùng 3 kỳ/tháng của 12 tháng trong năm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM