Hà Lan - Thiên đường thuế quan trọng nhất của các công ty đa quốc gia

29/01/2013 11:13 AM |

(CafeBiz) Bị hấp dẫn bởi các chính sách hào phóng của Hà Lan cùng với hệ thống các ưu đãi về thuế, các công ty lớn như Yahoo, Google, Merck và Dell đã chuyển lợi nhuận sang đây để trốn thuế.

Bên trong căn nhà 3 tầng được xây từ thế kỷ 17 nằm cạnh kênh Zaan ở ngoại ô Amsterdam, gã khổng lồ công nghệ của thế kỷ 21 đang trốn thuế. Yahoo đã tận dụng các kẽ hở luật pháp để âm thầm chuyển hàng trăm triệu USD lợi nhuận ra các thiên đường thuế, khiến số thuế phải nộp giảm đi đáng kể.  

Vụ dàn xếp của Yahoo là minh chứng cho thấy Hà Lan – “trái tim” của lục địa được biết đến với các chương trình an sinh xã hội vượt trội hơn là trách nhiệm của doanh nghiệp – đã nổi lên với vai trò là 1 trong những thiên đường thuế quan trọng nhất đối với các công ty đa quốc gia. 

"Bánh sandwich Hà Lan"

Bị hấp dẫn bởi các chính sách hào phóng của Hà Lan cùng với hệ thống các ưu đãi về thuế, các công ty lớn như Yahoo, Google, Merck và Dell đã chuyển lợi nhuận sang đây để trốn thuế. Theo dữ liệu từ NHTW Hà Lan, sử dụng kỹ thuật được biết đến với tên gọi “Dutch Sandwich” (tạm dịch: bánh sandwich Hà Lan), các công ty đa quốc gia đã gửi đến Hà Lan khoảng 10.200 tỷ euro thông qua 14.300 "đơn vị tài chính đặc biệt". Các đơn vị này thường chỉ tồn tại trên giấy tờ và được pháp luật công nhận. 

Trước khi chuyển lợi nhuận đến các thiên đường tránh thuế như quần đảo Cayman hay Bermuda, các công ty này chuyển vòng qua Hà Lan và nhận được 1 lợi ích quan trọng: họ không phải trả thuế khi dịch chuyển thu nhập vào hoặc ra khỏi nước này. 

Trên thực tế, ở những nước phát triển khác, các công ty thường phải chịu thuế đánh vào các giao dịch này. Mức thuế có thể lên đến 33% khi các công ty chuyển lợi nhuận đến những vùng có mức thuế suất bằng 0 nhưng không có hiệp định ưu đãi về thuế như Bermuda và đảo Cayman. Ngược lại, Hà Lan không đánh thuế, bất chấp điểm đến là nơi nào đi chăng nữa. 

Vai trò thúc đẩy hoạt động trốn thuế của Hà Lan được khởi nguồn từ cuối những năm 1970, khi nước này bắt đầu thực hiện cơ chế thỏa thuận giá trước (advance- pricing agreements) nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Theo cơ chế này, các công ty đa quốc gia đồng ý để lại một phần thu nhập ở lại Hà Lan và phần thu nhập đó sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, đổi lại, họ được phép chuyển lợi nhuận ra nước khác mà không phải đóng thuế. 

Ví dụ, Yahoo đã đạt được thỏa thuận trả số thuế tương đương với 1,35% tổng doanh thu của chi nhánh tại Hà Lan. Dữ liệu cho thấy trong năm 2009, chi nhánh này nộp khoản thuế thu nhập trị giá 1,28 triệu euro cho chính phủ Hà Lan. Tuy nhiên, đổi lại, chi nhánh này đã giúp Yahoo chuyển 101,5 triệu euro lợi nhuận tới các thiên đường thuế. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy Yahoo chỉ phải trả chi phí rất nhỏ để trốn được lượng thuế lớn. 

Trốn thuế đã tạo ra và nuôi dưỡng 1 ngành công nghiệp có qui mô khá lớn: các công ty tín thác. Đây là những công ty cung cấp các dịch vụ như kế toán và quản lý tiền lương. Theo 1 nghiên cứu được thực hiện năm 2009 bởi SEO Economic Research, mỗi năm ngành này tạo ra 1 tỷ euro doanh thu thuế và 3.500 việc làm. 

Thậm chí, Jan Reint de Vos van Steenwijk, giám đốc điều hành của 1 công ty tín thác có tên TMF Holding BV, còn cho rằng chính phủ Hà Lan nên đợi kết quả của báo cáo mùa xuân nghiên cứu về các tác động kinh tế của ngành này trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào. 

Tháng 12/2012, Blackstone Group, tập đoàn đầu tư vốn tư nhân khổng lồ có trụ sở tại New York, thông báo họ sẽ mua lại Intertrust - một trong những công ty tín thác lớn nhất ở Hà Lan - với giá 833 tỷ USD. 

Merck, nhà sản xuất loại thuốc đặc trị tiểu đường Januvia, có tới 54 chi nhánh ở Hà Lan. Từ năm 2002 đến 2010, công ty này đã chuyển hơn 7 tỷ euro lợi nhuận (hầu hết thu được từ thị trường châu Âu) đến Bermuda thông qua Crosswinds BV - 1 chi nhánh ở Amsterdam. Thực chất, chi nhánh này không hề có bất kỳ nhân viên nào. 

Mánh khóe của Dell

Một trong những mục đích lớn nhất của các hiệp định thuế là tránh hiện tượng 1 công ty bị đánh thuế 2 lần ở 2 quốc gia khác nhau trên cùng 1 khoản lợi nhuận. Tuy nhiên, Dell lại sử dụng Hà Lan để không phải chịu thuế ở cả 2 nơi. Nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn thứ 3 thế giới đã trốn được khoảng 4 tỷ USD tiền thuế kể từ năm 2004, nhờ việc sử dụng 1 chi nhánh ở Hà Lan. 

Có tên gọi Dell Global BV, chi nhánh này chỉ trả thuế thu nhập ở mức 1/10 của 1% đối với khoản lợi nhuận 2 tỷ USD trong năm 2011. Theo các tài liệu, chi nhánh này không hề có nhân viên. 

Hoạt động kinh doanh của Dell được thực hiện thông qua 1 chi nhánh ở Singapore, nơi Dell thiết kế và bán laptop cùng với các thiết bị khác ra thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á. Với mục đích trốn thuế, Dell khẳng định lợi nhuận của chi nhánh ở Hà Lan được tạo ra ở Singapore. Và, mặc dù nhận được ưu đãi về thuế và gần như không phải trả thuế tại Singapore, chi nhánh ở Hà Lan cũng không bị áp thuế bởi qui định không đánh thuế 2 lần. 

Kết quả là, Dell có tới 14,2 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền ở các chi nhánh nước ngoài. Theo Jess Blackburn, người phát ngôn của Dell, hãng luôn có trách nhiệm nộp thuế 1 cách công bằng và tất cả hoạt động của Dell đều tuân thủ đúng luật pháp. Tuy nhiên, ông lại từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết xoay quanh các thỏa thuận về thuế của hãng. 

Tháng trước, Ủy ban châu Âu vừa đưa ra kiến nghị các thành viên của Liên minh châu Âu phải đảm bảo thu nhập đã được đánh thuế ở 1 nước trước khi được miễn trừ ở 1 nước khác. Điều này có thể ngăn chặn các công ty trốn thuế như Dell. Một kiến nghị khác cũng đã được đưa ra: lợi nhuận chịu thuế của các công ty đa quốc gia phải được phân bổ ở nhiều nước khác nhau dựa trên những yếu tố như doanh thu thực hoặc số nhân viên. 

Tuy nhiên, liệu EU có thể thực hiện được những chính sách này hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi cần có sự thông qua của 27 nước thành viên, trong đó có Hà Lan. Năm ngoái, các đại biểu đến từ Hà Lan đã phản đối ít nhất 2 kiến nghị có liên quan đến việc thắt chặt quản lý các thủ thuật né thuế.

Các thành viên còn lại cũng đang cạnh tranh gay gắt và liên tục giảm thuế để có thể thu hút các công ty đa quốc gia. Luxembourg đã áp dụng cơ chế thỏa thuận giá trước giống với Hà Lan trong khi Thụy Sĩ cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Năm 2009, Yahoo bắt đầu chuyển lợi nhuận qua 1 chi nhánh nhỏ ở Rolle, Thụy Sĩ. 

Thu Hương
Theo Bloomberg

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM