Gửi tiết kiệm vẫn hút khách dù lãi suất giảm

05/09/2014 10:08 AM |

Nếu so với mức lãi suất huy động trung bình của năm 2012 là trên 9%/năm thì người gửi tiết kiệm đang chịu thiệt thòi lớn.

Một số ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 0,1 – 0,5 điểm phần trăm trong những ngày cuối tháng 8 khiến người dân băn khoăn: gửi tiền tiết kiệm có lợi hay không và nên gửi bằng Việt Nam đồng hay ngoại tệ?

Ngày 25.8, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh giảm 0, 2 điểm lãi suất tiền gửi VNĐ cho tất cả các kỳ hạn trong biểu lãi suất công bố của ngân hàng này. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,8%/năm; kỳ hạn 2 tháng còn 5%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 5,5%/năm và kỳ hạn 6 - 9 tháng còn 5,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này cũng chỉ còn 6,5% và mức cao nhất - 6,8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24 - 60 tháng.

Việc Vietcombank giảm lãi suất huy động không gây ngạc nhiên cho thị trường, vì từ giữa tháng 8.2014, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã giảm nhẹ lãi suất huy động, thậm chí Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) đã áp dụng mặt bằng lãi suất huy động thấp từ lâu.

Đối với các ngân hàng, việc giảm lãi suất huy động nhằm giảm chi phí vốn đầu vào, giảm áp lực lợi nhuận và phải đẩy tín dụng ra. Hiện nay, các ngân hàng đều đang thừa tiền, nhất là các ngân hàng quốc doanh, như Vietcombank hiện tăng trưởng vốn huy động là 14,52%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,65% so với cuối năm 2013. Tức càng hút thêm tiền vào, ngân hàng càng chịu nhiều áp lực. Việc giảm lãi suất huy động sẽ giúp giảm lượng tiền gửi vào các đơn vị này.

Một yếu tố khác khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động là do lạm phát chỉ tăng 0,22% trong tháng 8.2014. So với cuối năm 2013, CPI được công bố chỉ tăng 1,84%. Tỷ lệ này rất thấp nên ngân hàng không có cớ gì neo lãi suất ở mức cao.

Các ngân hàng giảm lãi suất huy động để giảm áp lực cho mình và phù hợp với điều kiện lạm phát hiện nay. Nhưng người gửi tiền vào ngân hàng lại băn khoăn trước lãi suất huy động tiếp tục giảm. Bởi lãi suất huy động hiện nay mức thấp nhất là 5,4%/năm, trong khi năm 2013 vẫn ở mức 6,8%/năm. Nếu so với mức lãi suất huy động trung bình của năm 2012 là trên 9%/năm thì người gửi tiết kiệm đang chịu thiệt thòi lớn. Trong khi đó, với điều kiện sức mua thấp, lạm phát được dự báo ở mức thấp trong các tháng cuối năm... thì lãi suất huy động khó có thể tăng.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, giá vàng không ổn định nên chưa thể thu hút vốn đầu tư của người dân. Còn thị trường chứng khoán, dù đã có bứt phá mạnh mẽ trong những phiên gần đây, nhưng để đầu tư thành công đòi hỏi kỹ năng tốt, không phù hợp với điều kiện của nhiều người.

Hơn nữa, hiện lãi suất huy động của các kỳ hạn dài vẫn ở mức xấp xỉ 7%/năm và người gửi ở kỳ hạn ngắn đã đến ngày đáo hạn cũng được các ngân hàng tự động gia hạn thời gian gửi, với lãi suất tại thời điểm ban hành. Vì vậy, dù lãi suất có xu hướng giảm, song nếu gửi dài hạn thì người gửi tiết kiệm vẫn có lợi.

Đại diện một số ngân hàng cho biết, sau thời điểm giảm lãi suất huy động, lượng người gửi tiền không giảm mà chỉ thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có báo cáo tài chính thuận lợi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng... đang tạo lực đẩy cho đồng Việt Nam. Do đó, gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam là kênh đầu tư an toàn và có lợi hiện nay.

>> Tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng có còn lợi?

Theo Lê Bình

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM