Giới trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”?

28/10/2015 14:16 PM |

Giới trẻ Việt Nam có đam mê, có nhiệt huyết, có năng lực nhưng vẫn chưa tạo nên khả năng bứt phá và ghi dấu mạnh mẽ vào bản đồ tri thức nhân loại. Phải chăng họ đang thiếu một chuẩn mực mới như một cú huých làm thay đổi toàn bộ nhận thức và suy nghĩ của mình, đưa họ tiến gần hơn với giới trẻ toàn cầu?

Các diễn giả của chương trình Tọa đàm Today's Voice lần thứ 2 với chủ đề "A new standard - Global citizenship" do Trung tâm UNESCO Văn hóa - Giáo dục tổ chức cuối tuần qua đã đưa ra quan điểm của mình.

TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng câu hỏi tại sao phải toàn cầu hóa là một câu hỏi đã quá cũ rồi. Khi thế giới ở ngay trong nhà chúng ta, rất nhiều người không phải là người Việt là hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè đang ở xung quanh ta.

Vì thế, câu hỏi thực sự cần có lời giải đáp nhất hiện nay, đó là: “Chuẩn mực của chúng ta đang ở đâu? Liệu xây dựng một chuẩn mực mới có cần thiết hay không? Trong chuẩn mực mới, có những điều gì không phải là của chính mình. Đi đôi với chuẩn mực, là một cách nhìn mới, cách nhìn thực tế về thế giới xung quanh, thực tế đó là toàn cầu.”

TS Trần Vinh Dự - CEO TNK Capital Partners, từng có nhiều năm du học tại Hoa Kì cho rằng muốn trở thành công dân toàn cầu, bạn phải chấp nhận sự đa dạng của mọi người và phá bỏ những rào cản cũ trong cách nghĩ của mình.

“Chấp nhận sự đa dạng đồng nghĩa đối trọng với khái niệm mang tính dân tộc chủ nghĩa, phân biệt vùng miền, phá bỏ rào cản cũ trong cách nghĩ của mình”, TS Trần Vinh Dự nói.

Bà Rena Bitter – Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho rằng mặc dù là một chính trị gia, có trách nhiệm bảo vệ, tuyên truyền văn hóa của đất nước mình ở các nơi khác nhưng bà vẫn tự tin mình là một công dân toàn cầu.

Vì khi dừng chân tại một quốc gia khác, bà Rena phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về phong tục tập quán, ngôn ngữ, tiếp xúc với con người ở đó. Từ đó, tư duy của bà được cởi mở, tầm nhìn cũng trở nên đa dạng, sâu sắc hơn.

Lời khuyên của bà Rena Bitter dành cho các bạn trẻ về những thói quen cần rèn luyện để trở thành một công dân toàn cầu đó là: “Chúng ta phải biết cởi mở, góp ý người khác chứ không chỉ trích, không phán xét. Đó cũng chính là cách thức rất tốt để ta nhanh chóng thích nghi khi làm việc ở nơi chốn mới, tiếp nhận nền văn hóa mới.”

Rena cho biết bà rất trân trọng những giá trị truyền thống của người Việt Nam, phẩm chất chăm chỉ làm việc, thật thà và có tư duy rất tiến bộ. Vì thế, chúng ta – những công dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, có quyền tự hào và hoàn toàn có thể tự tin tuyên truyền những điều tốt đẹp đó trong bất kì môi trường nào.

Là CEO của Grabtaxi, một trong những startup thành công tại Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về khó khăn của người Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài đó là các bạn chưa được rèn luyện nhiều những kỹ năng cần thiết và rào cản về ngôn ngữ văn hóa.

Nhưng, các bạn trẻ Việt có tín hiệu học hỏi rất cao, luôn biết cách đặt vấn đề của liên tục đặt câu hỏi để cải thiện công việc, hoàn thiện bản thân. Đó là ưu điểm lớn mà thế hệ trẻ cần phải tiếp tục duy trì và phát huy.

Bên cạnh đó, anh Tuấn Anh lưu ý rằng, hỏi quá nhiều câu hỏi vô ích, vô nghĩa đôi khi sẽ làm phiền người khác, thế nên “phải xác định mình muốn học được gì khi thắc mắc về một vấn đề nào đó và chúng ta cần trang bị cho mình kĩ năng giao tiếp, hãy tỏ ra thật chân thành.”

Mỗi chúng ta đều có thể trở thành một công dân toàn cầu, nếu chúng ta biết tận dụng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và tự hỏi, tự tìm cho mình câu trả lời “Làm thế nào để thu được kết quả tốt hơn nữa?”

“Bạn cần phải làm lãnh đạo của bản thân để giải quyết vấn đề” là một chia sẻ đầy tâm huyết của ông Roland Ruiz - Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát.

Ông Roland Ruiz cho rằng đất nước Việt Nam đang mở cửa đón nhận những du nhập mới từ nhiều quốc gia, trong bối cảnh đó, dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt về kĩ năng chuyên môn, kĩ thuật biết rõ, hiểu thấu vị trí và vai trò của mình để sẵn sàng sánh vai với bạn bè thế giới. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể trở thành một công dân toàn cầu thực thụ, không cần phải phụ thuộc vào bằng cấp, cấp bậc hay tín chỉ nào.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng: “Liên tục nhắc nhở chính mình: Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay.”

Được xem như một hình mẫu của một công dân toàn cầu, Nguyễn Phương Anh – Giám đốc Tiếp thị Google Việt Nam định nghĩa “Global citizenship” không phải là đi du lịch hay sinh sống, làm việc ở nhiều nước.

Để trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa, cần có tư duy về nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tư duy phản biện, dám nói lên suy nghĩ của mình với những người có cương vị lớn hơn, dám thắc mắc và can đảm, kiên trì đi tìm câu trả lời.

Theo Phương Anh, “If there is a will, there is a way” và các bạn trẻ phải có đầu óc phiêu lưu, chấp nhận ra khỏi vùng an toàn của mình. Khoảng cách không còn là vấn đề, cơ hội được làm việc như một công dân toàn cầu có thể ở bất cứ đâu, quan trọng là chúng ta có biết nắm bắt cơ hội đó hay không.

Thế giới này là một thế giới phẳng, không còn là hình tròn nữa cũng không còn rào cản hay giới hạn nhất định nào, vì vậy chúng ta hãy sẵn sàng để tiếp nhận và giao tiếp với thế giới của một chuẩn mực toàn cầu.

"Tôi không nhớ tại sao Google tuyển dụng tôi. Tôi lớn lên ở Đức, giống dân nhập cư ở Đức. Tôi là một công dân toàn cầu theo nghĩa đó, quan trọng hơn, phải thoát khỏi vỏ bọc của bản thân mình. Luôn nỗ lực để thích nghi với môi trường mới, bất kì môi trường nào tôi sống", Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM