Giới chuyên gia: Việt Nam đi ngược với thế giới về tỷ trọng R&D

25/11/2014 12:41 PM |

Ở đa số các nước, đầu tư của khu vực tư nhân vào R&D là chủ yếu, đầu tư công rất ít. Ở Việt Nam thì ngược lại. “Các bạn cần thay đổi. Đầu tư khoa học công nghệ của khu vực tư nhân chính là đầu tư cho bản thân."

Việt Nam đi ngược với thế giới về tỷ trọng Nghiên cứu và Phát triển (R&D)

Hiện Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học nhưng không nhiều hàm lượng khoa học " – TS Micheal Braun – chuyên gia đến từ công ty tư vấn đổi mới sáng tạo của Đức, Proneos – đưa ra nhận định tại Hội thảo quốc tế về Hoàn thiện Hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tổ chức sáng ngày 24/11.

TS Braun cho biết, ở Đức, khoa học công nghệ chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu gắn kết với đổi mới sáng tạo và có khả năng chuyển dịch các tri thức đó thành định hướng cho nhu cầu thị trường. Ông cũng khuyến nghị rằng điều này chỉ có thể thực hiện được với sự tham gia của khu vực tư nhân.

“Ở Việt Nam, chuỗi gắn kết đó đang bị cản trở, chưa có sự kết nối giữa hàm lượng khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường”, ông Braun nhận xét.

Báo cáo Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố tại hội thảo cho thấy, nguồn đầu tư của khu vực tư nhân vào khoa học công nghệ rất thấp.

Ông Gang Zhang – Chánh văn phòng Ban Nghiên cứu và Thống kê Quốc gia, Vụ Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp của OECD – cho biết: Tỷ trọng đầu tư vào R&D của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ.

“Ở Trung Quốc, đầu tư của doanh nghiệp chiếm gần 80% vào đầu tư R&D trong khi đầu tư công rất ít. Điều này diễn ra tương tự tại đa số các nước nhưng ở Việt Nam thì ngược lại”, ông Zhang cho hay.

Số lượng các doanh nghiệp triển khai các chiến lược đổi mới sáng tạo. Nguồn: Báo cáo đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Số lượng các doanh nghiệp triển khai các chiến lược đổi mới sáng tạo. Nguồn: Báo cáo đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

“Ở Đức, hơn 2/3 đóng góp nghiên cứu về khoa học công nghệ là của khu vực tư nhân”, TS Braun cho biết.

“Các bạn cần thay đổi. Đầu tư khoa học công nghệ của khu vực tư nhân chính là đầu tư cho bản thân họ. Họ phải đầu tư theo cách thức mới, đấy là hàm lượng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nếu chúng ta không giải quyết ngay, các doanh nghiệp tất yếu sẽ nói: Ừ, chúng tôi thấy đó là quan trọng nhưng chúng tôi không có tiền”.

Vietnam 2.0 và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Việt Nam có thể tạo ra phiên bản thần kỳ Vietnam 2.0. Tôi rất chia sẻ tầm nhìn này của các bạn, nhưng cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần hiện đại hóa, hội nhập vào thị trường toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu” – TS Brau nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – cho rằng: “Tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc phải đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Ông Braun bày tỏ sự lạc quan về định hướng của Việt Nam vì “đang có những yếu tố rất tích cực hình thành nhờ chính sách của Chính phủ và thế hệ trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết, hoài bão, muốn đưa tri thức và công nghệ vào sản xuất”.

Mức độ uy tín trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam. Nguồn: Báo cáo đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Mức độ uy tín trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam. Nguồn: Báo cáo đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đến một thời điểm nào đó, Việt Nam sẽ có những ngạc nhiên nhất định.  Việc cải thiện khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam là hết sức quan trọng trên khía cạnh thương mại hóa các tri thức. Phải hiện đại hóa các nhà máy, xí nghiệp... nhưng không chỉ thuần túy nâng cao công nghệ, kỹ năng của người người lao động Việt Nam”.

“Nếu chúng ta nói rằng hết sức vui mừng vì cải thiện công nghệ, kỹ năng lao động hay năng suất lao động ở Việt Nam không thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới xem việc cải thiện đã đạt mức nào? Tuy nhiên, phải nói rằng tôi hết sức kỳ vọng và lạc quan về một tương lai tươi sáng của ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” – TS Braun tin tưởng.

>> Vì sao các tỷ phú công nghệ thường đầu tư có lãi hơn các tỷ phú tài chính?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM