Gian lận trong kinh doanh sữa

14/03/2013 08:37 AM |

Mặc dù cơ quan quản lý đã tăng cường các biện pháp kiểm soát giá sữa nhưng doanh nghiệp vẫn có nhiều chiêu gian lận để giảm thuế phải nộp và tận dụng mọi cơ hội tăng giá bán

Từ tháng 3-2012, các cục hải quan tỉnh, TP trong cả nước đã bổ sung mặt hàng sữa nhập khẩu vào danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu về giá, nhằm tăng cường quản lý giá mặt hàng này ngay từ khâu nhập khẩu. Mặc dù bị “soi” kỹ hơn nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục có các chiêu gian lận.

Đầu vào: Hạ giá để trốn thuế

Tháng 1-2013, Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện dấu hiệu nghi vấn khai thấp hơn giá nhập khẩu từ một DN nhập khẩu sữa mở 13 tờ khai nhập khẩu “Thực phẩm bổ sung sữa bột”. Mặt hàng “Thực phẩm bổ sung sữa bột dùng cho trẻ em IMPERIAL DREAM XO1”/XO2/XO3/XO4 đều được khai giá 4,9 USD/hộp (loại 400 g). Trong khi đó, giá trong dữ liệu của cơ quan hải quan đối với các mặt hàng này đều cao hơn từ 2,55 USD - 5,22 USD/hộp.

Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I cũng vừa phát hiện một trường hợp gian lận khai báo sữa bột thành sản phẩm dinh dưỡng. Đó là lô hàng khai báo trên tờ khai hải quan là sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật dùng cho trẻ em nhãn hiệu Pfizer trị giá gần 30.000 USD nhưng thực chất là sữa bột dành cho trẻ em S26 Gold có giá trị hơn 109.000 USD. Nếu vụ gian lận này trót lọt, số tiền ẩn lậu thuế lên tới khoảng 340 triệu đồng.

Cục Hải quan TPHCM còn phát hiện một DN nhập khẩu 33 lô hàng sữa bột khai báo giá thấp hơn giá trị thực tế từ 2-3 USD/kg nhằm ẩn lậu thuế hơn 1,2 tỉ đồng...

Đầu ra: Chỉ tăng không giảm

Không chỉ tìm cách gian lận thuế, nhiều DN nhập khẩu sữa còn tận dụng mọi cơ hội tăng giá bán trên thị trường để trục lợi.

Đối với mặt hàng sữa thuộc diện bình ổn giá (sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi), trong tháng 1- 2013 đã có 3 DN tăng giá bán lẻ từ 2,4%-9,5% do “công ty thay đổi mẫu mã, tăng lương cho cán bộ nhân viên”. Sang tháng 2, tiếp tục có thêm các DN gửi hồ sơ đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều chỉnh tăng giá. Đó là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam tăng giá từ 2%-9,5%, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam tăng giá khoảng 9%.

Chỉ hơn 2 tháng đầu năm, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường đã 2 lần tăng giá, mức tăng dày và mạnh hơn nhiều so với mức tăng giá sữa nguyên liệu. Theo Bộ Công Thương, giá sữa trên thị trường thế giới tháng 1 và tháng 2 chỉ tăng nhẹ.
 
Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy tăng 150 USD/tấn trong tháng 1, tăng 100 USD trong tháng 2; giá sữa nguyên kem tăng 50 USD và 50-150 USD/tấn. Tại thị trường châu Âu, giá sữa bột gầy tăng 75 USD/tấn trong tháng 1, tăng 25-75 USD/tấn trong tháng 2; giá sữa nguyên kem tăng tương ứng là 50-150 USD/tấn và 50 USD/tấn.

Một số DN cho rằng: Giá sữa nguyên liệu tăng nên giá sữa trong nước tăng theo. Tuy nhiên, trong suốt năm 2012, giá sữa nguyên liệu phần lớn trong xu hướng giảm, trong đó giảm liên tục suốt 6 tháng đầu năm song giá sữa trên thị trường trong nước không những không giảm mà còn tăng. Theo tính toán của Cục Quản lý giá, cả năm 2012 giá sữa trên thị trường thế giới đã giảm từ 550 - 1.000 USD/tấn, tùy loại và tùy thị trường nhưng các sản phẩm sữa trong nước đã tăng giá ngay từ quý I và không có lúc nào quay đầu giảm.

Khan hàng và tăng giá

Trên thị trường, các loại sữa xách tay không chỉ dồn dập tăng giá mà còn khan hàng. Chị Nhật Mai (phố Trần Phú, Hà Nội) kể: Cuối tháng 1, sữa NAN xách tay của Nga đột nhiên tăng giá từ 560.000 đồng/hộp (loại 800 g) lên 620.000 USD/hộp. Lúc đó chủ cửa hàng “dọa” sắp tới dân buôn không “đánh” về sẽ hiếm hàng nên chị đã mua luôn 10 hộp “để không phải đổi sữa cho em bé”.

Sữa Abbott School dành cho trẻ trên 6 tuổi cũng tăng giá khoảng 10%, sữa Ensure tăng 50.000 đồng/hộp.

 
The Tô Hà - Thu Hòa
Người lao động

duchai

Cùng chuyên mục
XEM