Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”?

22/03/2015 16:58 PM |

Đối với ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP là khó khăn, toàn ngành nông nghiệp nhìn chung sẽ gặp khó.

Tại toạ đàm FTA-Cơ hội nào cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết gia nhập bất cứ hiệp định nào VN cũng tính toán về những lợi ích và thách thức.

Khi được hỏi về việc gia nhập TPP sẽ tác động như thế nào tới ngành chăn nuôi, một chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.

"Chúng ta có những giải pháp như thế nào để đối diện được với thách thức trên, thưa ông?"

Ông Trần Quốc Khánh cho biết, đối với ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP là khó khăn, toàn ngành nông nghiệp nhìn chung sẽ gặp khó vì cơ cấu nông nghiệp không dễ dịch chuyển trong một sớm một chiều, đặc biệt khi năng suất vẫn thấp, giá thành cao.

Theo đó, khi quyết định hội nhập kinh tế quốc tế thì Chính phủ và Bộ NNPTNT đã có tính toán cụ thể. Khi khó khăn như vậy thì ta có thể có một số lao động dôi dư. Nếu phát triển được xuất khẩu và sản xuất thì sẽ có 2 hệ quả.

Phát triển xuất khẩu sẽ tạo ra thị trường mới cho nông sản, người dân có thể chuyển sang nuôi trồng những loại cây hoặc thủy sản sẽ có thị trường ổn định. Nếu phát triển sản xuất sẽ thu hút được lao động dôi dư trong nông nghiệp, giúp quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thành công.

"Chính Phủ cũng đã khẳng định nếu chấp nhận thách thức thì cũng phải đảm bảo được tiến độ, tức là nếu giảm thuế thì cũng phải theo lộ trình dài. Tôi hi vọng lộ trình đủ dài như vậy sẽ hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp”, ông Khánh phát biểu

Hơn nữa, ông Khánh nhận định việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt trong một sớm một chiều là không dễ. Bây giờ ngành chăn nuôi ta đang lo ngại thịt gà, thịt lợn của các nước TPP vào Việt Nam, đặc biệt của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, rất nhiều gia đình Việt Nam sẽ ưa gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp, thịt lợn cũng vậy, người Việt không quen sử dụng thịt đông lạnh... Tất nhiên, thói quen tiêu dùng có thể thay đổi trong tương lai, khi công nghiệp hóa ở mức độ cao nhưng ít nhất trong hiện tại thì thói quen đó sẽ rất khó thay đổi.

"Tôi đã nhiều lần báo cáo với Bộ NNPT&NT, chúng ta là nước nông nghiệp, ta hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu… không có có gì ta không cạnh tranh được thịt gà, thịt lợn của các nước TPP.

Trước đây, ta chưa có thế hệ nhà đầu tư lớn, sản xuất còn manh mún, giá thành cao, nhưng hiện ta đã có sữa tươi TH, hay cách làm của nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai và nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào nông nhiệp như anh Minh Him Lam đã đầu tư vào hạt Macca thì chúng ta có hi vọng Việt Nam sẽ thành công, kể cả trong khu vực chúng ta cho rằng chúng ta không có sức cạnh tranh như ở chăn nuôi”, ông Khánh khẳng định.

Thứ trưởng Khánh kể: Tôi nhớ có bài báo gần đây có nói về việc nuôi lợn giống ở Bình Phước có khoảng hơn 2.000 con lợn nái và 10.000 con dự bị. Chủ trại đã sang Thái Lan học hỏi người Thái làm và tôi rất thích câu anh ta nói rằng: “Trình độ của họ hơn mình, nhưng người Việt chưa làm chứ không phải là không làm được”.

Ai tin ta có sức cạnh tranh về đường đến khi Hoàng Anh Gia Lai chứng minh điều đó. Ai nghĩ chúng ta chăn nuôi được bò và có sữa tươi khi TH làm ở Nghệ An. Nếu có một đội ngũ doanh nhân mới, năng động như vậy thì chắc chắn Việt Nam sẽ làm được.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM