Gia nhập AEC: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia sẽ hưởng lợi lớn nhất?

11/06/2015 09:08 AM |

Theo kết quả khảo sát của Deloitte, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là 3 quốc gia trong khu vực hưởng lợi lớn nhất từ AEC. Cụ thể, Indonesia và Thái Lan đứng đầu với 17% cơ hội; Việt Nam xếp thứ 2 với 15% cơ hội.

Phát biểu tại hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do BIDV tổ chức sáng 10/6, ông Jeffrey Pirie - Giám đốc điều hành Deloite Singapore khẳng định, điều quan trọng nhất với Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC hiện nay chính là câu hỏi "khi nào và ở đâu".

Đánh giá cao vai trò và những tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến nền kinh tế các quốc gia Đông Nam Á, ông Jeffrey cho rằng, những tác động đầu tiên sẽ bắt nguồn từ dòng dịch chuyển hàng hóa, đầu tư, các chính sách và hội nhập toàn cầu. Sau đó sẽ tác động đến vốn, dịch vụ, lao động có tay nghề và cơ sở hạ tầng.

AEC sẽ là một nền kinh tế kết nối tốt nhất hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á, là 1 thị trường duy nhất đối với hàng hóa, mở rộng việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mạng lưới sản xuất và tiếp thị phân phối được mở rộng với mức độ tập trung sâu và các mô hình kết nối nhiều hơn so với trước kia.

Bên cạnh đó, kinh tế nội khối sẽ có bước tăng trưởng tổng thể mạnh mẽ về khối lượng giao dịch thương mại. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sẽ diễn ra giữa các nước ASEAN mới nổi với các quốc gia phát triển hơn trong khối.

Theo khảo sát Ban giám đốc của các doanh nghiệp về của Deloitte, cứ 5 doanh nghiệp thì mới chỉ có 1 doanh nghiệp có kế hoạch hoặc những thay đổi để đo lường tác động của AEC.

Trong khi đó, 48% cho biết nhận thức của họ về AEC còn hạn chế; 62% cảm thấy những tác động của AEC còn hạn chế hoặc chưa hiệu quả; 51% cảm thấy những tác động tiềm năng là đáng kể.

Ngoài ra, 96% doanh nghiệp đã nhận thức được rằng AEC sẽ là cơ hội cho họ; bao gồm thị trường mới, thị trường lớn hơn và chi phí thấp hơn. Song cơ hội này mở đến đâu vẫn là điều băn khoăn khi có tới 63% doanh nghiệp nhận định mối đe dọa lớn nhất với họ là gia tăng cạnh tranh.

Cũng theo kết quả khảo sát của Deloitte, top 3 lĩnh vực có nhiều cơ hội nhất khi AEC được hình thành bao gồm: đầu tư, chuỗi cung ứng, bán hàng và tiếp thị.

Đồng thời, kết quả khảo sát của Deloitte cũng cho thấy, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là 3 quốc gia trong khu vực hưởng lợi lớn nhất từ AEC. Cụ thể, Indonesia và Thái Lan đứng đầu với 17% cơ hội; Việt Nam xếp thứ 2 với 15% cơ hội. Theo sau đó lần lượt là Singapore, Malaysia, Campuchia, Philipines, Myanmar, Lào và Brunei.

Những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ có lợi thế bao gồm: kinh doanh hàng tiêu dùng; khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe; sản xuất, bất động sản và công nghệ truyền thông.

“Liệu AEC có khiến cho các nước ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn? Câu trả lời là chúng ta có cơ hội, nhưng chúng ta có tận dụng được cơ hội đó hay không lại làvấn đề khác. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, 71% doanh nghiệp tin rằng AEC sẽ khiến cho các nước ASEAN trở thành điểm đầu tư hấp dẫn” – ông Jeffrey Pirie kết luận.

Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM