GDP năm 2015 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%

31/12/2014 11:04 AM |

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013, bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013, bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.

Theo Bộ trưởng Vinh, chỉ số CPI năm 2014 tăng thấp không đồng nghĩa với giảm phát mà chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas giảm mạnh theo giá thế giới, tác động đến chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, y tế được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý, thấp hơn so với những năm trước...

Các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 được Quốc hội thông qua, gồm:

- GDP tăng trưởng 6,2%

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, nhập siêu tăng khoảng 5%

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30-32% GDP

* Với đầu tàu kinh tế TP.HCM, một số chỉ tiêu quan trọng trong 2015 gồm:

- Tăng trưởng GDP 9,5% trở lên

- Tốc độ tăng chỉ số CPI thấp hơn cả nước

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10%

- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30% GDP

Trong số 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch (chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt thấp hơn so với kế hoạch).

Cụ thể, năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước, bằng 31% GDP.

Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013 và xuất siêu khoảng 2 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,7 tỷ USD, trong khi nhập siêu từ thị trường này đạt gần 30 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế từng quý có nhiều chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước, để đạt mức 5,98% cả năm. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn phải cố gắng hơn nhiều; thu nội địa tăng chậm...

Sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn, số DN ngừng hoạt động vẫn ở mức cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu...

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối của kế hoạch 5 năm, có ý nghĩa quan trọng, với nhiều sự kiện lớn, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp và thời điểm nền kinh tế hội nhập sâu rộng nên trong số 4 nhiệm vụ quan trọng đề ra cho năm 2015, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nỗ lực đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM