Gạo Việt ‘mò mẫm’ tìm lợi thế!

08/11/2015 08:25 AM |

Câu chuyện hội nhập sau giai đoạn hào hứng đã dần chuyển sangnhững lo ngại khi có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng mỗi năm người nông dân làm ra 3 tỉ USD cũng chỉ đủ tiền uống bia của người Việt tương đương 3 tỉ USD.

Tham gia TPP, VN thuộc nước đứng thấp nhất nên sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

“Trên thế giới có người giàu và người nghèo. Có người chỉ bỏ ra một giờ kiếm được cả 1.000 USD, bằng cả vài tháng một người lao động chân tay tạo ra. Nói như vậy không có nghĩa Việt Nam (VN) trước thềm hội nhập thì không có thế mạnh gì. Thế mạnh là ở chỗ chúng ta có lao động rẻ, điều kiện thiên nhiên ưu đãi… Bởi vậy chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm ở phân khúc đó mà các quốc gia phát triển không tạo ra được” - TS Lê Xuân Nghĩa, cố vấn Chính phủ, đã tâm sự như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh những lo ngại trước ngưỡng cửa hội nhập.

Chuỗi giá trị của Việt Nam ở khúc trung bình

Thưa ông, có ý kiến cho rằng trong những năm qua, chúng ta luôn tự hào với thứ hạng cao về xuất khẩu gạo... nhưng trên thực tế, thứ hạng cao này mang lại những gì cho VN, hay chúng ta chỉ mải miết đuổi theo số lượng mà quên đi chất lượng và giá trị?

TS Lê Xuân Nghĩa: Nâng cao chất lượng và giá trị là điều đúng và ai cũng mong mỏi. Tuy nhiên, làm được điều này cần rất nhiều thời gian. Như chúng ta biết, VN có trình độ công nghệ còn yếu, kỹ thuật yếu, năng suất lao động thấp, lao động rẻ… nên mình phải chấp nhận tham gia chuỗi giá trị thấp và tạo ra chuỗi giá trị thấp cũng là điều dễ hiểu.

Cụ thể như thế nào, thưa ông?

VN là quốc gia mới phát triển, càng ngày theo quy luật phát triển mình càng nâng dần giá trị đó lên. Nói ngay trên thị trường nội địa VN trước đây dệt may tập trung toàn ở các đô thị lớn. Nhưng nền kinh tế ngày càng phát triển, ở những nơi TP lớn trình độ kỹ thuật phát triển hơn, lao động đắt đỏ hơn… dệt may dần dần chuyển sang vùng ven hoặc các vùng lân cận có lao động, đất rẻ hơn.

Và thay vào đó các TP lớn chuyển qua kinh doanh những thứ tạo ra chuỗi giá trị cao hơn như đồ điện tử chẳng hạn. Đó là sự phân công lao động trong xã hội, trong khu vực. Vì thế nên mới có tình trạng giá một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ bé như ngón tay có giá trị 100 tấn gạo là dễ hiểu.

Việt Nam có thế mạnh gạo ở phân khúc trung bình. Ảnh minh họa: QH
Việt Nam có thế mạnh gạo ở phân khúc trung bình. Ảnh minh họa: QH

Gạo Việt Nam cạnh tranh ở phân khúc cấp trung bình

Gạo là thế mạnh của VN với thiên nhiên ưu đãi, lao động giá rẻ… nhưng với tình trạng này e rằng mình sẽ thua cả Thái Lan, Ấn Độ… vì chất lượng gạo của họ tốt hơn?

Tôi không nghĩ vậy, hiện nay gạo Thái Lan trên thị trường cũng đã đắt hơn gạo VN vì gạo ngon hơn. Nghĩa là ngay từ bây giờ gạo Thái Lan đã đi theo phân khúc thị trường cao cấp, bởi chi phí họ làm ra hạt gạo cũng cao hơn. Tôi cũng không tin ở phân khúc này Ấn Độ hay Campuchia có thể cạnh tranh được.

Vì VN cũng có thế mạnh của mình và phân khúc gạo Việt trung bình là chính. Mình cứ cạnh tranh ở phân khúc này mình cũng có thể có lợi thế như năng suất khá tốt, lao động rẻ hơn và chi phí thu hoạch cũng không quá lớn. Nghĩa là VN sẽ cạnh tranh phân khúc cấp trung bình.

Chúng ta cũng có nhiều loại gạo ngon, vậy tại sao không đẩy giá trị gạo Việt lên cao, thưa ông?

Muốn đi vào thị trường phân khúc cao cấp thì VN phải có các loại giống lúa phù hợp, kỹ nghệ canh tác mới, thứ ba phải phòng, chống sâu bệnh thật tốt, thứ tư là vấn đề công nghệ sau thu hoạch và chế biến ở trình độ cao. Nếu đem giống gạo Thái về VN trồng nhưng năng suất thấp, giá thành lại cao.

Chẳng hạn, ở miền Bắc khi trồng các loại gạo khác cho năng suất cao hơn gạo tám Hải Hậu. Còn muốn làm được các loại gạo như Thái Lan chúng ta cần có thời gian để nghiên cứu về giống. Trong chăn nuôi, nguồn giống là quan trọng nhất sau đó mới đến kỹ thuật công nghệ và các vấn đề khác.

Và muốn tạo ra chuỗi chất lượng giá thì phải có người đi tiên phong giống như việc trồng cà phê vậy. Có người đi trồng cà phê rubota loại đắt đỏ chứ không trồng các loại cà phê như Indonesia hay một số nước trồng.

Tăng 10% tạo ra “khối” việc làm!

VN sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc hội nhập, đặc biệt là gia nhập TPP. Nhưng quan điểm của ông thế nào về việc bản thân VN là nước nhỏ nhất trong TPP nên nếu 10% VN đạt được có khi không bằng 1% các nước thành viên TPP khác?

Theo tôi, VN là nước nhỏ nhất nên nếu tăng 10% so với bản thân VN với con người VN cũng rất đáng kể chứ không ít. Trong việc hội nhập mà hưởng lợi nhìn thấy rõ nhất là ngành dệt may. Chẳng hạn, ngành dệt may chỉ cần xuất khẩu đạt 1 tỉ USD nghĩa là đã tạo thêm việc làm cho 250.000 lao động. Nghĩa là ngành dệt may sắp tới sẽ thu hút nhiều lao động và có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Theo tính toán của các chuyên gia thì GDP VN tăng thêm khoảng 23,5 tỉ USD đến năm 2020 và tăng khoảng 33,5 tỉ USD năm 2025. Ngoài ra, xuất khẩu tăng thêm khoảng 68 tỉ USD vào năm 2025. Đây mới là điều quan trọng nhất.

Xin cám ơn ông.

Nông dân phải chuyên nghiệp

Người nông dân để hợp tác với DN, họ phải tiến tới chuyên nghiệp để sống được bằng nghề nông. Nông dân phải được tập hợp thành tổ hoặc HTX, có đại diện, tiếng nói để “chơi” sòng phẳng với DN khi liên kết làm ăn. Còn cứ làm nhỏ lẻ thì luôn phải chịu thiệt. Đại diện HTX sẽ tham gia vào hiệp hội ngành hàng để có tiếng nói, kiến nghị. Nhà nước có chính sách hỗ trợ các HTX.

Một giải pháp nữa là nông dân tham gia các chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng hợp tác đầu tư công-tư. Cụ thể, DN kết nối với các đối tác từ các cơ quan Chính phủ, các sở NN&PTNT, trường ĐH, nhà bán lẻ... Hiện nay đã có một số dự án chuỗi giá trị được triển khai thử nghiệm ở An Giang, Cần Thơ, Long An và Bến Tre. Kết quả thu được tích cực, nông dân tham gia dự án giảm được chi phí đầu vào, gia tăng năng suất, giúp tăng lợi nhuận đến 40%.

TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN, Viện Chính sách và Chiến lược

phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard)

Theo Yên Trang

Cùng chuyên mục
XEM