Formosa đòi lập đặc khu Vũng Áng

25/06/2014 14:04 PM |

Mới đây nhà đầu tư dự án "Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương" tiếp tục gửi nhiều kiến nghị mới đến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng

Đầu tháng 6, hàng loạt vấn đề liên quan tới quá trình triển khai xây dựng cơ bản tại siêu dự án 9,9 tỉ USD của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) như thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế nhà thầu... đã được Chính phủ xử lý, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng đặt ra trước đó.

Trong công văn số 1406022/CV-FHS mới đây gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (FHS) lại gửi thêm một số đề xuất mới, đáng chú ý là việc đề nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng.

Theo FHS, mục đích thiết lập đặc khu kinh tế là nhằm xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện... thúc đẩy phát triển công nghiệp.

FHS cũng dự thảo sẵn một bản Điều lệ quản lí thiết lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với 10 Điều gửi đến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Việc quản lí và thiết lập đặc khu theo quy định của bản điều lệ này.

Trong Bản điều lệ dự thảo này, Formosa đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi cho dự án đầu tư vào đặc khu. Cụ thể ngoài được hưởng những điều kiện ưu đãi có được từ Giấy chứng nhận đầu tư của dự án ra, còn được ưu đãi các hạng mục như: Được Chính phủ thiết lập bảo hộ cơ chế ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...

Formosa còn đề xuất trong đặc khu thành lập ban quản lí, trực thuộc Văn phòng Chính phủ.

Formosa cũng đề nghị không được lấy mục đích chung, phát triển kinh tế hoặc các mục đích khác thu hồi đất đặc khu. Nếu vì mục đích an toàn quốc phòng phải thu hồi đất đặc khu, Ban quản lí và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến.

Về vấn đề bảo đảm đầu tư, bản điều lệ dự thảo ghi rằng: Nếu không phải do các nhân tố của phía đầu tư dẫn đến bạo động và dân chúng quấy rối dẫn đến các tổn thất kinh doanh và tài sản của phía đầu tư, toàn bộ do Chính phủ chịu trách nhiệm bồi thường.

Đề nghị được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên

Theo FHS, dự án Formosa giai đoạn I dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 5.000 nhân viên, đồng thời quy hoạch phát triển tầm cỡ lâu dài trở thành nhà máy gang thép tầm cỡ quốc tế. Dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người. Nếu tính cả nhân viên và gia quyến sẽ lên đến 60.000 người. Căn cứ vào quy mô này sẽ hình thành nên một thị trấn gần khu vực xưởng.

Thế nên trong kiến nghị mới gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, FHS cho rằng: Tập đoàn Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh nếu nói về lâu dài sẽ nâng cao cơ hội việc làm, mức tiền lương. Hơn thế nữa sẽ đưa nền kinh tế địa phương phát triển. Để giữ được nhân tài khuyến khích nhân viên sinh sống tại địa phương, giúp đỡ nhân viên có thể phụng dưỡng bố mẹ và thành gia lập nghiệp, tập đoàn Formosa đề nghị được xây dựng nhà ở cho gia quyến bán cho nhân viên công ty là người Việt Nam.

Nhưng theo quy định hiện hành của pháp luật, Formosa chuyển đầu tư thành lập công ty phát triển đất đai thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua đất xây dựng chỉ có quyền sử dụng được 50 năm. Sau khi xây dựng xong nhà ở bán đi, nhân viên mua nhà ở cũng chỉ được quyền sử dụng đất 50 năm. Vì vậy tập đoàn Formosa đề nghị người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

>> 5 điều doanh nghiệp Đài Loan muốn Chính phủ Việt Nam làm sau sự kiện ở Vũng Áng

Theo Lương Bằng

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM