Fed tăng lãi suất và những nghịch lý vĩ đại

18/12/2015 21:30 PM |

Như vậy là “Ông kẹ” của giới tài chính đã chính thức hiện hình. Thật lạ khi ông ấy xuất hiện lại chẳng mấy người sợ hãi: Dow Jones tăng “bùng nổ” 224.20 điểm tương ứng 1.26%, các thị trường lớn từ Âu sang Á cũng tăng điểm hưởng ứng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 16/12/2015 đã có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập niên. Chủ tịch FED Janet Yellen tuyên bố kể từ nay, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này sẽ được thắt chặt dần tùy theo tốc độ lạm phát.

Như vậy là “Ông kẹ” của giới tài chính đã chính thức hiện hình. Thật lạ khi ông ấy xuất hiện lại chẳng mấy người sợ hãi: Dow Jones tăng “bùng nổ” 224.20 điểm tương ứng 1.26%, các thị trường lớn từ Âu sang Á cũng tăng điểm hưởng ứng. Ở Việt Nam ngày 17/12/2015 mọi chuyện vẫn đi đúng lộ trình, Vn-Index vẫn lình xình trong biên độ hẹp, tăng nhẹ 4,56 điểm (0,8%). Nhiều nhà đầu tư Việt ngơ ngác với sự kiện trọng đại này.

Phải chăng “ông kẹ” này đã hết phép thuật? Tại sao lại có nghịch lý vĩ đại này? Tin xấu từ lâu làm thị trường sợ hãi, nay chính thức được đưa ra, thị trường lại tăng điểm “bùng nổ”. Bí ẩn đằng sau nghịch lý này là gì?

Từ cuối năm 2014, việc FED dự định tăng lãi suất đã được khẳng định nhiều lần một cách chính thống. Thời gian đầu, tin này chính xác là một “ Ông kẹ” của giới tài chính. Những giả định u ám phủ kín các mặt báo. Những phóng viên, những nhà phân tích ngoài việc nói về chuyên môn còn chuẩn bị sẵn những gương mặt sầu muội khi nói về việc FED sắp tăng lãi suất. Họ muốn rằng họ là những người đầu tiên chia buồn và đồng cảm với các nhà đầu tư tài chính.

Một trong những giả định u ám nhất mà các nhà phân tích ngẹn ngào khi nhắc đến là việc sụp đổ của thị trường tài chính tại các nước mới nổi. FED tăng lãi suất, dòng đô la sẽ chảy về Mỹ bỏ lại sau lưng nó là sự suy kiệt các dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi. Đồng nội tệ tại các nước này sẽ mất giá, thị trường có thể hoảng loạn… Trước mỗi kỳ họp của FED mọi người lại hồi hộp, lo lắng và đưa ra vô số những phỏng đoán, giả định khác nhau. Hết kỳ họp này đến kỳ họp khác, FED vẫn giữ nguyên lãi suất bất chấp những tín hiệu rất tốt của nền kinh tế Mỹ. Sự hồi hội, lo lắng cứ kéo dài mãi. Với nhiều người việc kéo dài gần như vô tận này là một cực hình khó bề chịu nổi. Những lời phàn nàn, cáu gắt xuất hiện ngày càng nhiều, nan tới trung tâm nội bộ của FED.

Về phía mình FED vẫn chưa hành động dù thời cơ vàng đã nắm trong tay. Hơn một năm trời, FED thử thách giới hạn chịu đựng, tính kiên nhẫn của giới đầu tư. Việc phàn nàn, cáu gắt của các nhà đầu tư ngày một nhiều và nhận được sự đồng cảm ngày một lớn. Dần dần mọi người chán ghét sự chờ đợi, hồi hộp, lo lắng. Tất cả muốn “nó” đến nhanh cho “xong chuyện”. Và khi “nó” đến mọi người thở phào vì câu chuyện đã có điểm kết.

Đó là sơ lược về tâm lý đầu tư. Còn về thực tế với các định chế tài chính lớn, các quỹ đầu tư xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chuyên nghiệp…, khi nhận được thông tin FED tăng lãi suất, chắc chắn họ phải xây dựng cho mình một kế hoạch ứng phó phù hợp nhất. Họ phải chuẩn bị để thích nghi trong điều kiện mới. Nghĩa là khép dần lại chiến lược đầu tư cũ, chuẩn bị cho chiến lược phù hợp với điều kiện mới ra đời.

Việc FED kéo dài thời gian hơn một năm kể từ ngày bắn tin, tạo điều kiện cho cả thế giới có thời gian chuẩn bị, thích nghi tốt hơn. Tuy nhiên khi đã chuẩn bị rồi, mọi người lại phải đợi quá lâu. Chính vì thế mọi người đã không còn quá sợ việc tăng lãi suất nữa vì nó đã chở thành mục đích mà họ mong đợi. Khi FED chính thức tăng lãi suất cơ bản lên khoảng 0,25 – 0,5% cũng đồng nghĩa với việc chờ đợi kéo dài kết thúc. Các nhà đầu tư, các định chế tài chính có thể triển khai kế hoạch đầu tư mới, đã được chuẩn bị từ lâu. Thế giới đầu tư thở phào đón nhận tin từ FED. Các thị trường tài chính lớn đáp lại nỗi sợ hãi bấy lâu bằng một phiên tăng “bùng nổ”. “Ông kẹ” biến thành ông già Noel tặng quà giáng sinh cho những ai biết chờ đợi.

Xuôi dòng lịch sử tài chính để hiểu thêm về những nghịch lý vĩ đại: Tin xấu, thị trường tốt; Tin tốt, thị trường xấu.

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, ngày 01/6/2009, GM tuyên bố phá sản. Một vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một đế chế lẫy lừng trong ngành công nghiệp ô tô sụp đổ. Phố Wall chào đó sự kiện này bằng một phiên tăng điểm.

Ở bên này bờ Thái Bình Dương phía Việt Nam, năm 2009 cả giới đầu tư mong ngóng gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ. Chiều ngày 30/10/2009, gói kích cầu thứ 2 chính thức được công bố. Sau 02 ngày nghỉ, ngày 02/11/2009 thị trường mở của trở lại. Vn-index giảm 25,41 điểm (tương đương -4,33%) một trong những phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam tính tới thời điểm đó.

Tại sao thị trường chứng khoán lại có cách ứng xử lạ lùng đến vậy. Tin xấu, thị trường tăng điểm. Tin tốt, thị trường giảm điểm. Thực ra bí mật ở đây nằm ở chỗ tin chính thức công bố là tin cũ hay tin mới.

Một tin đã được thị trường dự đoán trước sẽ mất tác dụng hoặc tầm ảnh hưởng của nó khi chính thức được xác nhận không còn mạnh mẽ như kỳ vọng của nhiều người. Bởi nhiều người, nhiều tổ chức đã nhận ra nó và đã có những giải pháp đối phó lại nó từ trước.

Trở lại trường hợp của GM, trước khi GM đệ trình đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11, luật phá sản mới của Mỹ lên các nhà chức trách, thì cả mấy tháng trước đó tin này đã được thị trường chứng khoán Mỹ thảo luận. Người ta còn xây dựng rất nhiều phương an để tái cơ cấu GM sau khi tập đoàn chính thức phá sản. Nhiều nhà máy thuộc GM tại châu Âu và Bắc Mỹ được bán đi…Tin GM phá sản đã được thị trường xử lý, hấp thụ trong nhiều tháng, và thị trường cũng đã đủ đau đơn vì nó rồi. Nên khi nó chính thức nộp đơn cũng đồng nghĩa tin xấu đó chấm dứt ảnh hưởng. Thậm chí nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp còn lợi dụng lúc tin xấu được chính thức tung ra để thu gom cổ phiếu với giá rẻ nhằm đón đầu sự phát triển của một GM mới sau khi tái cấu trúc.

Còn với gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ Việt Nam năm 2009, trước khi chính thức thông qua, nó đã được Quốc hội và Chính phủ tranh luận sôi nổi tại nghị trường. Rất nhiều ý kiến phản đối, cũng rất nhiều ý kiến đồng tình. Rất nhiều những lời khẳng định, và cũng rất nhiều những lời phủ định gói kích cầu được lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Nhiều tới mức các nhà đầu tư phát ngán. Tâm lý họ chuyển từ trạng thái mong ngóng sang hoài nghi, mất phương hướng và cuối cùng là bỏ mặc cho thông tin đó tự đến. Và quả thật như vậy. Thị trường đã bước qua thông tin tốt đẹp đó để lao xuống dốc như đúng những gì nó cần làm.

Trên thị trường chứng khoán: Những tin cũ, những tin dễ dự đoán là những tin gần như vô nghĩa. Tin xấu nhưng là tin cũ, “tính xấu” của nó cũng mất đi tác dụng rất nhiều. Tin tốt nhưng là tin cũ, “tính tốt” cũng không hẳn còn là tốt nữa. Những nghịch lý vĩ đại này là một trong những bài học cơ bản nhất khi bước chân vào thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Bài học cơ bản này sẽ giúp chúng ta không bối rối và mất phương hướng ở nhiều thời điểm mang tính quyết định. Và dĩ nhiên giúp chúng ta đỡ thiệt hại về mặt tài chính.

Cám ơn FED đã cho chúng ta thêm một dẫn chứng mới, sinh động về sự nghịch lý vĩ đại trên thị trường tài chính. Chúng ta cũng nên cảm ơn Janet Yellen vì bà đã biết cách để nâng lãi suất một cách rất nhẹ nhàng và không khiến thị trường rúng động.

Theo Quang Hóa

Cùng chuyên mục
XEM