FDI 2015: “Họ bỏ ra hàng tỷ USD, đòi ưu đãi là chuyện bình thường”

17/12/2015 08:31 AM |

Trên đây là nhận định của GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) trong cuộc trao đổi với chúng tôi về việc nhiều doanh nghiệp FDI đòi hỏi có được những ưu đãi riêng.

* Giáo sư có đánh giá năm 2015 là một năm thành công trong việc thu hút FDI của Việt Nam không?

Đầu tiên, nói về vốn thực hiện, thì 2015 là năm có số vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước tới nay với 14 tỷ USD. So với làn sóng FDI đầu tiên trong giai đoạn 1991 – 1997 thì con số này cao hơn gấp rưỡi.

Quan trọng hơn là chất lượng dự án. Nhìn từ Bắc tới Nam, những công trường quy mô nhất đều có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể kể đến như nhà máy LG trị giá 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng; nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên; nhà máy Microsoft ở Bắc Ninh, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 9,5 tỷ USD; Khu liên hợp gang thép của Formosa trị giá 9,9 tỷ USD; nhà máy Samsung 1,4 tỷ USD tại TP.HCM... Những sản phẩm FDI sản xuất sẽ giúp Việt Nam giảm nhập siêu.

Thứ hai là chất lượng đối tác. Hiện nhiều công ty của các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ… đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba là môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, có tới 80% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết muốn tìm hiểu để đầu tư tại Việt Nam. 70% các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam thì muốn mở rộng đầu tư. Tương tự, các phản hồi từ những hiệp hội khác như AmCham, EuroCham cũng tích cực.

Nhìn chung, tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2015 có rất nhiều điểm sáng đáng trân trọng. Những địa phương thu hút thành công nhất vốn FDI cũng là những địa phương phát triển tốt nhất. Khu vực phía Nam có Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Phía Bắc có Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.

* Liệu xu hướng này có thay đổi trong năm 2016?

Không chỉ thay đổi, mà đây chính là những viên gạch đầu tiên cho làn sóng đầu tư thứ ba, trong đó chất lượng cũng như vốn đầu tư rất lớn.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chuyển nhà máy khỏi nước đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc đại lục cũng chạy đua với Hong Kong, Đài Loan để rót vốn vào dệt của Việt Nam để tận hưởng chi phí vận tải thấp, thuế suất bằng 0%.

Bản thân Việt Nam cũng có lợi vì giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Để nắm bắt được lợi ích này, Chính phủ phải hướng dẫn các địa phương lựa chọn đối tác đầu tư. Đưa công nghệ vào phải tính tới bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

* Có điều gì cần lưu ý khi tiếp tục thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực đang được ưu tiên hiện tại?

Nghị định của chính phủ ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển... Nhưng đó chỉ là những lĩnh vực chung chung.

Vấn đề quan trọng hiện nay là biết lựa chọn. Các địa phương và ban quản lý khu công nghiệp được cho phép lựa chọn và cấp giấy phép cho nhà đầu tư.

Có tình trạng quan chức địa phương "sưu tập" cardvisit đầy hộp, chỉ biết họ đến từ đâu, nhưng không biết họ có định đầu tư thực chất vào Việt Nam hay không.

Vì thế phải củng cố lại bộ tham mưu của các tỉnh, ban ngành, khu công nghiệp, làm thế nào để khi nhà đầu tư đặt chân đến, mình phải biết họ là ai, họ thực sự muốn gì.

Lựa chọn ít thì sai số ít. Nếu chọn sai nhiều thì hãy nhìn lại tấm gương của 2008, 72 tỷ USD vốn đăng ký đến giờ chỉ còn lại 40 tỷ USD, dự án chết quá nhiều.

* Năm 2016 là thời điểm Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiều cam kết quốc tế về hội nhập, ông dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tác động bởi các Hiệp định thương mại tự do như thế nào?

Đó là một cú hích lớn nữa. Bao giờ nhà đầu tư FDI cũng quan tâm tới thị trường của nước bản địa. Hiện nay chúng ta thấy một dòng vốn đầu tư vào khu vực bán lẻ đến từ các đại gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Lĩnh vực được quan tâm thứ hai là lĩnh vực xuất khẩu. Hàng hóa do doanh nghiệp FDI sản xuất chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Với bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào cũng vậy, không ai cho không ai cái gì. Việt Nam phải biết đánh đổi. Chúng ta hy sinh quyền lợi một phần thì các đốc tác mới chia sẻ quyền lợi của họ cho ta.

Giờ làm cách nào để Việt Nam bảo vệ được quyền lợi san sẻ đó. Nếu các cơ quan điều hành lỏng lẻo, thì ví dụ cho Trung Quốc vào làm cả dệt, nhuộm, may, Việt Nam chỉ đi xuất khẩu thuê cho Trung Quốc. Giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ rất thấp.

Trong khi nếu ta tự lực thì vừa giải quyết được vấn đề lao động, vừa gia tăng giá trị.

* Trong năm 2015, một số ý kiến cho rằng Việt Nam đã “nuông chiều” các doanh nghiệp FDI với các ưu đãi đặc biệt, từ đó ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế thu về?

Họ bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư, họ đòi ưu đãi là chuyện bình thường. Còn mình có đáp ứng không lại là chuyện khác.

Giờ đừng kêu ca họ đòi nhiều, mà phải xem xét xem mình giải quyết có đúng không. Hiện nay có hai loại ưu đãi, một là cho tất cả các doanh nghiệp như nhau, loại thứ hai là ưu đãi đặc biệt do Thủ tướng chính phủ quyết định, dành cho các dự án có tác động lớn đến nền kinh tế quốc dân.

Đây không phải là ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài, mà là ưu đãi chung cho các dự án quy mô lớn.

* Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận được phản hồi gì nhiều nhất từ thành viên trong năm qua?

Rất nhiều, nhưng không phải họ phàn nàn về phía Chính phủ. Các doanh nghiệp FDI thừa nhận Chính phủ Việt Nam đã cố gắng rất nhiều.

Phản hồi nhiều nhất liên quan đến các cơ quan thực thi. Ví dụ, hải quan điện tử muốn tăng tốc quá trình xử lý, nhưng trên thực tế, một số doanh nghiệp FDI than phiền họ làm hải quan điện tử còn lâu hơn hải quan thông thường.

Thứ hai là thuế. Một doanh nghiệp nhỏ cho biết họ muốn hoàn thuế giá trị gia tăng vỏn vẹn 1 tỷ đồng mà gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí còn bị sách nhiễu.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo LÊ HUYỀN

Cùng chuyên mục
XEM