EVN lo chuyên gia ốm, dân chịu giúp... giá điện cao?

02/04/2014 16:43 PM |

Bộ Công thương giải thích việc các dự án điện có sân tennis, bể bơi giúp chuyên gia có đủ sức khỏe, tinh thần để duy trì khả năng làm việc...

Có sân tennis, bể bơi vì thương... chuyên gia EVN?

Theo Bộ Công thương, đặc thù của các dự án nhiệt điện là do yêu cầu về môi trường và điều kiện vận chuyển, cung cấp các loại nhiên liệu (than, khí) cần phải có cảng lớn chuyên dùng, nên phần lớn các dự án đều được khảo sát, quyết định đầu tư tại các địa bàn khó khăn, xa khu dân cư, đô thị.

Vì vậy, để đảm bảo cho việc quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy, kịp thời và hiệu quả, thì việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc, nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời.

Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại khu quản lý vận hành nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ cao tới làm việc và giúp người công nhân vận hành đảm bảo có đủ sức khỏe và tinh thần để yên tâm duy trì khả năng làm việc... cũng là điều cần thiết.

Sở Điện lực thành phố Hà Giang được trang hoàng sẵn sàng cho tiệc cưới của con trai lãnh đạo sở.
Sở Điện lực thành phố Hà Giang được trang hoàng sẵn sàng cho tiệc cưới của con trai lãnh đạo sở.

Hơn nữa, tại một số dự án, do trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành thời gian đầu, có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên các công trình này đầu tiên là để phục vụ cho người nước ngoài, sau đó mới được chuyển giao cho Chủ đầu tư Việt Nam sử dụng.

Trong 6 Dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu là dự án Nghi Sơn 1, dự án Phú Mỹ 1, dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1, dự án nhiệt điện Hải Phòng 1, dự án nhiệt điện Phú Mỹ 4, dự án nhiệt điện Ô Môn 1, chỉ có 1 Dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis, nhưng đây là Dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm Dự án ở xa nội thành thành phố Cần Thơ.

Và trong 6 Dự án, đến nay mới duy nhất có Dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng một năm).

Vào ngày 28/3 vừa qua, trụ sở của Sở Điện lực Hà Giang còn được trang hoàng để làm đám cưới con trai độc nhất của Giám đốc Sở điện lực.

Trước đó, vào tối 27/3, tại khu vực sân trụ sở này đã thành một sảnh cưới hoành tráng. "Mấy hôm nay tôi tưởng họ làm để đón giờ trái đất hay đón nhận danh hiệu của ngành, không ngờ lại là tiệc cưới con giám đốc", một người dân cho biết.

Được biết, việc chuẩn bị trang hoàng cho nơi diễn ra đám cưới con trai Giám đốc Điện lực tỉnh Hà Giang diễn ra từ vài ngày nay. Trước ngày cưới ba hôm, cơ quan này đã giao mặt bằng gồm sân, tường trong toàn bộ khu nhà hình chữ U cho một công ty trang trí mỹ thuật được gia đình giám đốc ngành mời từ Hà Nội lên.

Tuy nhiên, dù tiệc cưới diễn ra ngay tại sân trụ sở nhưng cán bộ ngành điện lực Hà Giang vẫn khẳng định họ không bị chi phố và vẫn làm việc bình thường.

Giá cao thì... dân rángchịu?

Trong vòng 1 năm qua, giá điện đã tăng 2 lần với mức tăng thêm 5%. Lần gần nhất giá tăng là 1/8/2013, lên mức bình quân 1.508,85 đồng/kWh và tiếp tục hứa hẹn sẽ tăng tiếp.

Lý do của mỗi lần tăng giá điện đều được phía EVN và Bộ Công thương giải thích rằng, tăng giá điện để bù lỗ, do giá các yếu tố đầu vào tăng, do từng bước phải đưa giá điện về đúng giá thị trường để cắt lỗ cho nhà nước, thậm chí cả lý do trả nợ trong đó có cả những khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ của EVN.

Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra rằng, với việc đầu tư ra ngoài ngành hàng trăm nghìn tỷ đồng, vượt vốn điều lệ tới… 45.000 tỷ của EVN không chỉ khó thu hồi vốn mà còn lỗ trên hàng nghìn tỷ đồng.

Tính cả các doanh nghiệp “con”, “cháu” thì khoản lỗ còn khủng nữa. Với 7 doanh nghiệp 100% vốn của nhà đèn như các Tổng công ty điện lực ở các miền Bắc, Trung, Nam, các công ty nhiệt điện … số tiền lỗ đã lên tới hơn 3.600 tỷ đồng.

"Điện là ngành độc quyền nên mỗi lần giá điện tăng đều gây bức xúc. EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện, nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu đã hợp lý chưa, với những khoản chi và đầu tư bất hợp lý rồi lỗ mà bắt người tiêu dùng gánh thì quá phi lý"- TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bức xúc.

Trong hội thảo quốc tế về phát triển thị trường điện Việt Nam diễn ra vào ngày 28/3 vừa qua, ý kiến của đại diện EVN, đại diện Bộ Công thương tại hội thảo đã cho thấy, giá điện rất có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Dương Quang Thành, phó tổng giám đốc EVN, cho biết sau một năm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, EVN phải thanh toán tiền mua điện lên tới trên 54.000 tỉ đồng (khoảng 2,5 tỉ USD), cao hơn 827 tỉ đồng so với cơ chế cũ (thanh toán theo hợp đồng).

Theo ông Thành, là chỉ mới cạnh tranh khâu phát điện, nhưng giá đầu vào (than, khí) và giá bán lẻ điện đầu ra lại không theo thị trường, dù Chính phủ đã có lộ trình nâng giá bán lẻ đến năm 2015. Do đó, ông Thành cho rằng giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh ở mức tương ứng so với thị trường điện cạnh tranh.

Ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, cũng kêu chịu áp lực về giá do giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện liên tục tăng trong hai năm qua, đẩy mức chi phí nhiệt điện lên cao hơn. Cụ thể, mức giá trần (cao nhất) của thị truờng phát điện cạnh tranh đầu năm 2013 mới ở mức 846,3 đồng/kWh thì đến đầu năm 2014 đã lên mức 1.168 đồng/kWh.

Theo Hà Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM