EU tham vọng tiến tới một nền kinh tế kỹ thuật số chung

27/03/2015 14:39 PM |

Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đổi mới nền kinh tế kỹ thuật số vốn thiếu sự liên kết của châu lục này.

Theo đó cho phép người dân châu Âu có thể xem truyền hình và phim hoặc sử dụng ứng dụng BBC iPlayer khi đi lại ở bất kỳ đâu trong EU, thậm chí ở ngoài khu vực.

Việc thúc đẩy truyền thông trực tuyến, dù là âm nhạc, phim hay truyền hình để mọi người có thể xem ở bất cứ đâu trên khắp châu Âu là một trong số những ưu tiên trong một gói chính sách thương mại điện tử mà EU dự kiến công bố vào ngày 6/5 tới.

Theo ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về thị trường kỹ thuật số chung của EU, liên minh này phải xóa bỏ những rào cản gây trở ngại cho qua trình kết nối trực tuyến.

Ông Ansip nhấn mạnh rằng một thái độ "hiện đại hơn" đối với vấn đề bản quyền có thể giúp người sử dụng tránh tải dữ liệu bất hợp pháp. Ngoài ra, ông cũng đưa ra các biện pháp nhằm khuyến khích việc mua sắm trực tuyến xuyên biên giới.

Tuy nhiên, ông Ansip cảnh báo rằng con đường thực hiện kế hoạch này sẽ khó khăn, mặc dù đây là tham vọng hàng đầu của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, người từng tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số chung của toàn EU trong nhiệm kỳ của mình.

Theo các chuyên gia, vấn đề gai góc nhất cần được giải quyết đó là luật bản quyền và thương hiệu vốn luôn gây bất đồng giữa các nước thành viên của EU và là rào cản chính hạn chế các ấn phẩm truyền hình, phim và âm nhạc lưu hành trên khắp khu vực này.

EU là khu vực kinh tế lớn nhất thế giới với khoảng 500 triệu khách hàng tiềm năng, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt và chênh lệch giữa các nền kinh tế thành viên, đặc biệt liên quan đến các vấn đề truyền thông và mạng Internet. Hiện chỉ có 15% khách hàng EU mua sắm qua mạng từ quốc gia khác.

Trong EU, một số dịch vụ kỹ thuật số như trang web âm nhạc Spotify hay mua sắm Amazon trực tuyến, thường chỉ tồn tại trong nội bộ từng quốc gia và việc thanh toán đòi hỏi khách hàng phải mở tài khoản riêng ở từng nước.

>> TMĐT Việt Nam: Những tay chơi cứng cựa

Cùng chuyên mục
XEM