Dự án sân bay Long Thành: Giảm 54 ngàn tỷ, không phải là đối phó

25/05/2015 09:25 AM |

Sau khi không được Quốc hội thông qua, dự án sân bay Long Thành đã điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư xuống tới hơn 54 ngàn tỷ đồng. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc điều chỉnh giảm này không nhằm để đối phó...

Nội dung nổi bật:

- Phó Thủ tướng cho rằng việc giảm mức đầu tư dự án xuống hơn 54 ngàn tỷ đồng là do:

+ Cập nhật và áp dụng đơn giá của các DA có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (trước đây tính đơn giá có thiên cao)

+ Điều chỉnh giảm quy mô đầu tư giai đoạn 1. Chỉ đầu tư 1 đường hạ, cất cánh.

+ Điều chỉnh giảm phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho phù hợp hơn.


Về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành ở Đồng Nai, nhiều chuyện gia, nhà quản lý đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ với công nghệ hiện đại, nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, tập trung vào tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư, cơ cấu, khả năng huy động nguồn vốn, tác động nợ công, việc sử dụng đất và đền bù, giải phóng mặt bằng, chức năng trung chuyển…

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với PV báo Tiền Phong nhằm giải tỏa những băn khoăn này.

* Thưa Phó Thủ tướng, có ý kiến đề nghị nghiên cứu tiếp để sau năm 2020 mới đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành và nên đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cho đỡ tốn kém và hiệu quả?

Thứ nhất, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải từ năm 2017. Chính vì vậy, cần phải, hoặc là đầu tư mở rộng, hoặc đầu tư mới sân bay Long Thành thì mới đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh về hành khách và hàng hóa hiện nay cũng như những năm tới. Ngay bây giờ, nếu nhà báo đi qua sân bay TSN chắc cũng đã thấy quá tải hệ thống giao thông tiếp cận, khu sân đỗ, đi, đến, khu hành khách, khu hàng hóa... Hay là khu bay, nhiều lần máy bay phải bay vòng hàng chục phút để chờ hạ cánh...

Cho nên, chắc là không thể dừng lại để nghiên cứu tiếp. Hơn nữa, tôi muốn nói là phương án này cũng đã được nghiên cứu quy hoạch với thời gian khá dài rồi. Còn phương án mở rộng sân bay TSN cũng đã được Bộ GTVT nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án và cho thấy không khả thi và không hiệu quả. Mà nếu có mở rộng thì cũng chỉ được một số năm và sau này vẫn phải xây dựng sân bay mới vì quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm thì TSN không đáp ứng được.

* Tại sao sau khi Quốc hội không thông qua thì Dự án (DA) lại giảm được hơn 54.619 tỷ đồng? Thực tế có giảm hay là cách đối phó?

Đúng là sau khi Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến góp ý và rà soát lại DA thì tổng mức đầu tư giảm như vậy. Lý do giảm bởi:

Nước ta là nước đông dân, lại đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập và phát triển, cho nên sân bay Long Thành với quy mô 100 triệu hành khách/năm hoàn toàn có tiềm năng trở thành một sân bay trung chuyển quốc tế.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

- Cập nhật và áp dụng đơn giá của các DA có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (trước đây tính đơn giá có thiên cao).

`- Điều chỉnh giảm quy mô đầu tư giai đoạn 1. Chỉ đầu tư 1 đường hạ, cất cánh.

- Điều chỉnh giảm phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho phù hợp hơn.

Như vậy, việc điều chỉnh là cần thiết, hợp lý và không phải là đối phó.

* Đã có không ít ý kiến băn khoăn về cơ cấu nguồn vốn và tính khả thi huy động vốn cho DA? Xin Phó Thủ tướng cho biết cụ thể?

Vâng, tôi cho những ý kiến này là xác đáng. Đối với những DA lớn như Cảng HKQT Long Thành, việc thu xếp vốn bao giờ cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất. Theo quy định, cơ cấu và nguồn vốn sẽ được xác định chi tiết và đảm bảo tính khả thi ở bước sau, là bước nghiên cứu khả thi. Ở bước này, bước nghiên cứu tiền khả thi thì nội dung này được xác định sơ bộ như sau.

Cụ thể, cho giai đoạn 1 gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước ước chiếm 11,1% tổng mức đầu tư (TMĐT) của DA dùng cho công tác GPMB, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước; dự kiến phân bổ trong 3 năm.

- Vốn ODA ước chiếm 26,5% TMĐT của DA, và dự kiến dùng cho đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay...

- Vốn huy động từ xã hội ước chiếm 62,4%.

TMĐT của DA dùng để đầu tư xây dựng các công trình như nhà ga, các hạng mục thương mại... Khó khăn nhất chắc là huy động nguồn vốn từ xã hội. Tuy nhiên, hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.

* Hiệu quả kinh tế - xã hội của DA Long Thành đã được tính kỹ chưa? Xin Phó Thủ tướng tóm tắt.

Với Cảng HKQT Long Thành, hiệu quả kinh tế của DA được tính toán dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế cơ bản theo quy định. Những tính toán này cũng đã được tư vấn, chủ đầu tư, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đánh giá là DA có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Còn về hiệu quả kinh tế-tài chính của DA mà nhiều người quan tâm thì sẽ phải được tính toán làm rõ ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Đây là những số liệu quan trọng vì nó quyết định tính khả thi của DA và liệu DA có khả năng vay vốn ngân hàng hay không, có trả được nợ hay không, kể cả trong điều kiện có biến động giá cả, lưu lượng...

* Thưa Phó Thủ tướng, nên hiểu thế nào cho đúng về chức năng trung chuyển của Cảng HKQT Long Thành?

Đúng là vừa rồi có nhiều ý kiến tranh luận về nội dung này. Tôi thấy ý kiến của ông Lương Hoài Nam (Tham luận của ông Lương Hoài Nam, Giám đốc Cty CP Hàng không Hải Âu tại Hội thảo về DA sân bay Long Thành, TPHCM, ngày 14/5 - PV) là đúng.

Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, nước ta là nước đông dân, lại đang trong quá trình chuyển đổi, hội nhập và phát triển, cho nên sân bay Long Thành với quy mô 100 triệu hành khách/năm hoàn toàn có tiềm năng trở thành một sân bay trung chuyển quốc tế. Chúng ta ai cũng mong muốn như vậy.

Tuy nhiên, có trở thành trung chuyển được hay không thì phải có quá trình phát triển từng bước và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện không chỉ liên quan đến sân bay Long Thành mà còn liên quan đến các điều kiện chính trị-kinh tế-xã hội nữa. Đặc biệt là chính phủ cũng phải có cơ chế quản lý, cơ chế, chính sách phù hợp và kiên trì thì mới có thể đạt mục tiêu trung chuyển.

* Có ý kiến cho rằng suất đầu tư quá cao so với thế giới, gấp 4 lần so với Thái Lan?

Hình ảnh trong Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành diễn ra tại huyện Long Thành (Đồng Nai) ngày 12/8/2011. Ảnh: TTXVN.

Hình ảnh trong Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành diễn ra tại huyện Long Thành (Đồng Nai) ngày 12/8/2011. Ảnh: TTXVN.

Sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) có TMĐT giai đoạn 1 là 155 tỷ baht, tương đương 5 tỷ USD, suất đầu tư là 111 USD/hành khách. Đưa vào khai thác năm 2006, đến nay đã 9 năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ trượt giá đồng USD hằng năm khoảng 4%, trượt giá vật liệu xây dựng và trang thiết bị hằng năm ước tính từ 6-10%. Như vậy, tỷ lệ trượt giá trong 9 năm khoảng 253%, do đó suất đầu tư của sân bay Suvarnabhumi trên đầu hành khách quy đổi ra thời điểm hiện tại khoảng 111 USD x 253% là 280 USD.

Với Cảng HKQT Long Thành, TMĐT giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD, công suất 25 triệu khách, nên suất đầu tư trên đầu hành khách là 208 USD. Như vậy, suất đầu tư trên đầu hành khách của dự án Cảng HKQT Long Thành là không cao hơn so với sân bay Suvarnabhumi.

* Có người đề nghị bán sân bay TSN để trả nợ, giảm nợ công?

Theo nghiên cứu của DA, sau khi đưa Cảng HKQT Long Thành vào khai thác, TSN vẫn tiếp tục được sử dụng để khai thác (TSN khai thác 10% khách quốc tế và 90% khách nội địa; Long Thành khai thác 90% khách quốc tế và 10% khách nội địa). Phương án này là hợp lý dựa trên kinh nghiệm khai thác các cảng hàng không có quy mô và vị trí tương tự tại các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

* Nhiều ý kiến cho rằng, do vướng sân golf bên cạnh sân bay TSN nên khó có chuyện cải tạo TSN?

Khu đất được sử dụng làm sân golf thuộc sân bay TSN là đất dự trữ quốc phòng; Đây là khu đất lưu không, nằm trong vùng đảm bảo tĩnh không sườn của sân bay. Đồng thời, việc xây dựng sân golf này đã tuân thủ quy định về an toàn tĩnh không của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) và quy định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, còn nhiều khía cạnh khác của DA cũng được soi chiếu kỹ càng. Về công tác GPMB, đền bù, giải tỏa, tái định cư của DA.  Về quỹ đất dự phòng cho quốc phòng. Về công nghệ, kỹ thuật của DA. Phải lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Phải tính đến xu hướng phát triển trong tương lai và đáp ứng lâu dài tiến trình hội nhập của đất nước. Rồi vấn đề xã hội hóa cảng hàng không, cái nào xã hội hóa, cái nào không. Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đã tiến hành giải trình, trả lời cụ thể.

* Thưa Phó Thủ tướng, Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM (HASCON) có một tập hợp băn khoăn, thắc mắc về DA Cảng HKQT Long Thành?

Chính phủ đã nhận được những kiến nghị, nói đúng hơn là những băn khoăn ấy của HASCON. Băn khoăn từ cái tên Báo cáo đầu tư DA đến nội dung DA. Rằng kết cấu hạ tầng của DA không có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Rồi xác định sai vai trò vị trí của Cảng HKQT Long Thành trong mục tiêu phát triển đất nước hiện nay. Rồi những bất cập về việc tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội và về giải pháp huy động vốn DA, về những rủi ro này khác khi thực hiện DA...

Ban cán sự Đảng, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ, cụ thể là Bộ GTVT đã nghiêm túc, cẩn trọng nghiên cứu và có những giải trình công phu, khoa học, thỏa đáng từng điểm cụ thể.

Không riêng với những băn khoăn của HASCON, mà đối với những băn khoăn, vướng mắc khác đối với DA Long Thành, Chính phủ sẵn sàng có những hình thức thông tin giải trình thỏa đáng nhằm đạt sự đồng thuận cao đối với một DA kinh tế- xã hội quan trọng, nhạy cảm đang được đông đảo cử tri hết sức quan tâm.

* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

>> Xây dựng sân bay Long Thành: “Không thể tìm ra phương án nào tốt hơn”

Theo Xuân Ba

Cùng chuyên mục
XEM