Đồng nhân dân tệ rẻ đi: Điện thoại xuống, chuối lên

17/08/2015 18:10 PM |

Hôm 17/8, giá nhân dân tệ (CNY) đã có dấu hiệu bình ổn trở lại sau nhiều ngày sóng gió. Tuy nhiên những "hỉ, nộ" phát sinh từ sự lên xuống của nó vẫn đang tiếp diễn...

Rất nhiều tỷ phú, trong đó có Jack Ma hay Carlos Slim đã chứng kiến một lượng lớn giá trị tài sản của mình “bốc hơi”, còn các nước thì lo lắng về một “cuộc chiến tiền tệ” sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế của họ. Vậy, tác động của một đồng CNY giá rẻ đến nền kinh tế sẽ như thế nào?

Gồng mình kích thích chi tiêu

Các cửa hàng quần áo và thiết bị điện tử hay toàn bộ các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất sẽ tụt giá và kích thích chi tiêu. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng hưởng lợi từ việc đồng nhân dân tệ yếu đi, tuy nhiên chính Bắc Kinh cũng đối mặt mối lo.

Theo AP, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng chi phí lao động tăng cao do cũng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (nên phải tính bằng tiền USD, vốn đang mạnh hơn).

Những chiếc điện thoại giá rẻ

Xiaomi và Huawei, hai thương hiệu điện thoại thông minh đình đám của Trung Quốc đang hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ. Họ sẽ dễ dàng xuất khẩu hơn do có giá vốn đã rẻ, nay còn rẻ hơn.

Nhà phân tích Song Eun-jeong từ Công ty Hi Investment & Securities nói với AP rằng đây là thời cơ để các nhà phát triển di động tại Trung Quốc chiếm thị phần ở nước ngoài, đặt ra “mối đe dọa lâu dài” cho các công ty Hàn Quốc, đơn cử như Samsung.

Ở Trung Quốc, thứ đắt tiền hơn là… chuối

Stephen Antig, giám đốc điều hành của các công ty trồng và xuất khẩu chuối Pilipino Bananas cho biết sự mất giá của đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ có một số tác động đối với người tiêu dùng Trung Quốc và những người trồng chuối ở Philippines đã cung cấp cho họ.

Philippines xuất khẩu khoảng 60-70 triệu thùng chuối sang Trung Quốc mỗi năm, với mức giá bán ra từ 5-10 USD/thùng. Như vậy, theo ông Stephen Antig, Trung Quốc sẽ phải trả giá mua chuối đắt hơn từ Philippines, và đồng thời phải mua với mức giá cao hơn nữa khi nhập khẩu từ Ecuador.

Thái Lan mất khách du lịch Đại lục

Ba nước Thái Lan, Malaysia và Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc nhân dân tệ rớt giá, vì họ phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu nhập khẩu và dịch vụ của Trung Quốc, trong lúc vẫn phải cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác, AP dẫn lời các chuyên gia phân tích thuộc Credit Suisse cho biết.

Với Thái Lan, nước đặt mục tiêu tăng trưởng ¾ năm nay nhờ ngành du lịch, sẽ mất nhiều khách Trung Quốc vì nhân dân tệ rớt giá sẽ khiến dân Đại lục ít du lịch nước ngoài hơn.

Khó xử trong lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc

Tiền giảm giá mang lại lợi thế cho xuất khẩu, tuy nhiên nó cũng tạo áp lực cho các nhà sản xuất trong nước về chi phí cũng như nguy cơ về một “cuộc chiến tiền tệ” của những nước xem Trung Quốc là đối tác lớn nhất.

Malaysia là minh chứng cho việc các nước phản ứng với việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, vì Kuala Lumpur cũng làm suy yếu đồng ringgit của mình. Mặc dù vậy với động thái bình ổn nhân dân tệ của Trung Quốc hôm 17/8, nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” đã giảm thiểu, theo AP.

“Nỗi sợ ngành thép” cho Nhật Bản và Hàn Quốc

Cả Nhật và Hàn đều là những đối thủ cạnh tranh lớn với Trung Quốc trong ngành thép, và lúc này họ đang lo sợ Bắc Kinh sẽ phá giá và chiếm thị phần.

Theo đó, AP dẫn nhận xét từ công ty tư vấn Hàn Quốc Mirea Asset Securities cho rằng Trung Quốc sẽ thừa cơ hội này bán phá giá số lượng thép từ nguồn cung dư thừa của họ, tạo áp lực cho cuộc cạnh tranh giá cả toàn cầu.

Tương tự, công ty thép của Nhật Bản, Kobe Steel cũng nói rằng hàng giá rẻ của Trung Quốc có khả năng tràn ngập Tokyo trong khoảng 1 tháng, tuy nhiên sẽ để lại mối quan tâm lớn trong tương lai.

Theo Giang Lang

Cùng chuyên mục
XEM