Doanh nghiệp sợ nhất thanh tra thuế

29/06/2015 15:19 PM |

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Minh Thảo, phó trưởng Ban môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khi nhận định về nỗi khổ của doanh nghiệp (DN) liên quan đến lĩnh vực thuế.

Trao đổi với Pv, bà Thảo nói:

- Chuyện nhũng nhiễu của cán bộ thuế đối với các hộ kinh doanh và DN nhỏ rất phổ biến. Đã kinh doanh ai cũng rất ngại cán bộ thuế. Tuy nhiên, các DN lớn ít gặp chuyện bị cán bộ thuế vòi vĩnh, làm khó hơn bởi DN sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: N. Khánh

* Cán bộ thuế có quá nhiều quyền khi xác định mức nộp thuế của DN qua việc tăng doanh thu lên hoặc giảm xuống?

- Cán bộ thuế không có quyền áp dụng sai quy định. Song theo quy định, cán bộ thuế được phép đi kiểm tra xem mức doanh thu và mức thuế mà DN khai có đúng không. Cũng có những cán bộ thuế không liêm chính cố tìm những cái mà DN chưa hoàn thiện để gạt ra khỏi doanh thu hợp lý. Chẳng hạn như tiền khấu hao tài sản cố định, nếu gạt 50 triệu đồng ra khỏi chi phí đồng nghĩa với việc tiền thuế mà DN phải nộp sẽ tăng 10 triệu đồng. Do đó, DN và cán bộ thuế thỏa thuận để cả hai cùng có lợi. Đấy chính là cơ hội để cán bộ thuế móc nối với các DN quy mô 
nhỏ để tham nhũng tiền thuế.

* Ngành thuế cho biết cải cách rất nhiều nhưng DN nói là vẫn rất khó khăn. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?

- DN bức xúc và kêu ca rất nhiều về khâu hoàn thuế. Có hồ sơ hoàn thuế kéo dài hàng năm, thậm chí hai năm, DN nản và không muốn đi đòi tiền hoàn thuế nữa. Tôi từng chứng kiến có trường hợp chủ một DN ở TP.HCM vì quá bức xúc với cơ quan thuế về việc chậm hoàn thuế cho DN của ông mà ông này đã khóc hu hu như một đứa trẻ ngay giữa hội trường khi nói về việc này.

Nhưng điều bất công đối với DN là khi chậm nộp thuế thì bị phạt nặng, còn khi Nhà nước chậm hoàn thuế cho DN thì không bị xử lý gì, thậm chí cơ quan thuế không có trách nhiệm gì trong việc hoàn thuế chậm cả.

Để chấn chỉnh tình trạng này, nghị quyết 19 của Chính phủ nêu rất rõ ngành thuế phải đảm bảo 90% hồ sơ hoàn thuế đúng thời hạn. Tuy nhiên, việc thực thi có đúng theo quy định hay không lại là một chuyện khác.

Để thực thi hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết, Bộ Tài chính cần chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách ở các cục thuế. Đồng thời, có thể phối hợp với các cơ quan khác tiến hành các điều tra nhằm lượng hóa sự cải thiện trong cải cách thủ tục hành chính thuế và để đánh giá xem người nộp thuế có thực sự được hưởng lợi từ việc cải cách thủ tục hành chính thuế hay không?

* Theo bà, chỉ số nộp thuế năm tới của VN liệu có được cải thiện?

- Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), rất có thể chỉ số nộp thuế của VN trong năm 2016 sẽ thấp rất nhiều so với năm trước. Trong năm 2014 chỉ số nộp thuế của VN được WB đánh giá qua số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế và mức thuế phải nộp. Trên cơ sở ba chỉ tiêu này, theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 VN xếp thứ 149/189 nước.

Tuy nhiên, chỉ tiêu nộp thuế năm trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 sẽ được công bố vào tháng 10 tới thì WB có thêm ba chỉ tiêu nữa. Đó là hoàn thuế, thanh tra thuế và khiếu nại thuế. Đây là ba chỉ tiêu kém nhất của VN liên quan đến thuế. Bởi theo hầu hết DN, “hoàn thuế là nỗi đau và thanh tra thuế là nỗi sợ của DN”, nhưng DN có khiếu nại thuế cũng khó đạt được kết quả gì.

DN có xu hướng ngại thanh tra thuế bởi họ sợ DN của họ có sai sót. Vì thế bản thân doanh nghiệp luôn cố gắng không để bị thanh tra, hoặc nếu bị thanh tra thì DN thường hay chấp nhận chi những khoản chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.

Bởi nếu kết quả thanh tra thuế là doanh nghiệp vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, hoạt động kinh doanh của DN. Do đó, nếu ba chỉ số này được tính vào Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, không biết chỉ số thuế của VN sẽ đứng thứ hạng bao nhiêu trong số 189 nước nữa.

Chủ một tiệm vàng tại TP.HCM:

Chúng tôi không muốn sống trong sợ hãi

Tôi kinh doanh tiệm vàng, cơ quan thuế ấn định doanh thu một tháng là 1 tỉ đồng và khoán thuế là 15 triệu đồng/tháng. Theo tôi được biết, khoán thuế mỗi năm thực hiện một lần vào đầu năm nhưng tại địa bàn chúng tôi chỉ cho khoán thuế sáu tháng một lần. Đều đặn vào đầu tháng 1 và đầu tháng 7, đội trưởng gọi tôi lên đưa ra mức khoán thuế mới.

Kinh doanh vàng gần đây rất khó khăn do không được bán vàng miếng SJC, mua bán ngoại tệ cũng không được phép. Lần nào bị gọi lên ấn định doanh thu mới, chúng tôi cũng phải nói khó sau đó “biết điều” với cán bộ thuế. Nhưng thái độ của cán bộ thuế rất kẻ cả và lần nào cũng “hù” rằng “anh biết tiệm kia mỗi tháng nộp thuế bao nhiêu không, tôi nhận như vậy là giúp anh rồi”.

Do việc khoán thuế không công khai, chúng tôi không biết tiệm vàng khác cùng khu vực nộp thuế thế nào nên không có cơ sở để nói lại cán bộ thuế. Chưa hết, cán bộ thuế cũng yêu cầu chúng tôi phải ghi hóa đơn. Đây là yêu cầu không hợp lý vì chúng tôi không có đầu vô đầu ra, với lại đã khoán thuế rồi ghi hóa đơn để làm gì. Tuy nhiên dù có bức xúc chúng tôi vẫn phải làm theo yêu cầu của cán bộ thuế, nếu có ý kiến thể nào chúng tôi cũng bị kiểm tra.

Tôi ủng hộ đề xuất nên luân chuyển cán bộ thuế thường xuyên, tránh tình trạng “bám rễ” tại địa bàn 5 - 10 năm như hiện nay, đồng thời có cơ chế công khai mức thuế khoán để người dân có sự đối chiếu, so sánh. Cơ quan thuế phải tăng cường giám sát những cán bộ thuế phụ trách các hộ kinh doanh cá thể, tránh tình trạng gây khó dễ người nộp thuế như thời gian qua. Còn chúng tôi dù bức xúc cũng không dám phản ảnh vì sợ không thể yên ổn để làm ăn.

A.H.

Theo L.THANH - C.V.KÌNH

Cùng chuyên mục
XEM