Doanh nghiệp 'rục rịch' giảm cước vận tải từ 3 - 5%

25/12/2014 10:52 AM |

Sau khi giá xăng giảm mạnh, các doanh nghiệp vận tải đang tính toán mức giảm giá cước từ 3 - 5%, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay.

Từ đầu năm 2014 đến nay, liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Với mức giảm mạnh, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, sau khi giá xăng giảm mạnh tới 2000 đồng/lít hôm 22/12, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội đang tính toán hạ giá cước từ 3-5%.

Tuy nhiên, “nói giảm nhưng không thể ngay lập tức được” bởi theo ông Liên, các doanh nghiệp vận tải cũng đang nghe ngóng vì lo vừa hôm kia giảm giá xăng, có thể 10 hôm nữa giá xăng dầu lại tiếp tục được điều chỉnh nữa.

“Bên cạnh đó, để điều chỉnh giá cước của hàng nghìn xe tại Hà Nội, muốn nhanh cũng khó vì còn hồ sơ thủ tục, cài đặt lại đồng hồ tính cước, dán tem giá cước lên xe... nên phải đợi”, ông Liên nói.

Ông Liên chia sẻ thêm, ngoài giá xăng dầu doanh nghiệp cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố cấu thành giá khác như giá điện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, rồi việc kiểm soát chặt trọng tải của các cơ quan chức năng...

Trong khi đó, nói về kế hoạch điều chỉnh cước vận tải ông Bộ, Giám đốc Công ty TNHH TM Thiên Phong cho biết, công ty đã điều chỉnh giảm tới 15% giá vận tải các tuyến xe khách hôm 21/12.

Theo đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai được giảm từ 250.000 đồng xuống còn 230.000 đồng, tuyến Hà Nội - Thái Bình từ 85.000 đồng chỉ còn 80.000 đồng. Đồng thời tăng chất lượng phục vụ hành khách.

“Doanh nghiệp giờ nhiều, cạnh tranh nhau khốc liệt. Xăng dầu giảm, không cần các cơ quan lên tiếng thì các doanh nghiệp cũng phải tính toán giảm giá để cạnh tranh. Không xuống là doanh nghiệp tự tìm đến cái chết”, ông Bộ nói.

Trước ý kiến về việc nhiều doanh nghiệp rất “thờ ơ” hạ giá cước, ông Bộ cho rằng: Nhiều nhà xe vận tải hàng hóa khi ký hợp đồng thường dài cả 1-2 năm, nên giá có thể điều chỉnh rất chậm. Còn với loại hình xe khách, các doanh nghiệp rất “nhạy”trong việc điều chỉnh giá, nâng cao cạnh tranh.

Ngoài ra, theo ông Bộ, nhiều doanh nghiệp vận tải họ phải chi nhiều tiền cho việc mua đầu xe mới hoặc đầu tư nâng cao chất lượng nên giá cũng có thể giảm, nhưng không giảm nhiều.

Ngay sau khi giá xăng giảm lần thứ 12 liên tiếp, Bộ Tài chính đã có công văn “thúc” các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước cho phù hợp với diễn biến giá xăng dầu. Trường hợp các doanh nghiệp cố tình không thực hiện việc giảm giá cước vận tải sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013.

Về phía Bộ GTVT, ngay sau khi giá xăng dầu chính thức giảm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn.

>> Xăng giảm sâu, Bộ Tài chính yêu cầu xử lý DN vận tải không giảm giá cước

Theo Mạnh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM