Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nâng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm

05/06/2014 21:15 PM |

Quy định giới hạn “giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm” trong Luật lao động hiện tại có nhiều bất cập.

Ngày 05/06/2014, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại diễn đàn này, Hiệp hội doanh nghiệp của các nước đầu tư tại Việt Nam đã thảo luận và kiến nghị những đề xuất lên Chính phủ Việt Nam nhằm cải tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nâng giới hạn làm thêm giờ của người lao động lên 300 giờ/năm

Ông Kim Jung In – chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất:

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam nên có một công bố chính thức với các nhà đầu tư trên toàn thế giới rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đưa ra những giải pháp cụ thể để ổn định môi trường kinh doanh cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ nên đề xuất và xem xét bù đắp thiệt hại hoặc có một kế hoạch bồi thường cụ thể.

Thứ ba, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất Chính phủ Việt Nam đưa ra những khoản vay với lãi suất thấp bằng những quy định pháp lý cụ thể và miễn thuế cho các công ty bị thiệt hạiđể đẩy nhanh các thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên vật liệu nhằm khôi phục mạng lưới cung ứng bị thiệt hại.

Thứ tư, Hiệp hội này đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các giải pháp phù hợp cho người lao động bị mất việc do sự cố này.

Bên cạnh đó, ông Kim Jung In hy vọng Chính phủ cung cấp những thông tin về tình hình đàm phán FTA cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài để họ có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh tổng thể và đầu tư đúng thời điểm.

“KorCham luôn có cách nhìn tích cực về các chính sách đầu tư của Việt Nam nhưng những chính sách đó vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện hơn nữa” – trên cơ sở những suy nghĩ về chính sách đầu tư của Việt Nam, ông Kim Jung In có 4 kiến nghị lên Chính phủViệt Nam.

Về ưu đãi trong luật đầu tư, ông Kim cho rằng “thật không công bằng cho những công ty phải chịu những bất lợi rõ ràng về thuế so với những công ty khác đầu tư trong khoảng thời gian từ 2004 – 2008 và sau 2014 chỉ vì họ đã đầu tư trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013 mà chẳng vì thay đổi hợp lý nào khác”. Vì vậy, ông Kim kiến nghị, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư theo quy định tại điều 32 Luật đầu tư thì hướng dẫn thi hành của một số thông tư như Phần I, mục 6 của thông tư 130/2008/TT-BTCvà Điều 23.5 của Thông tư 123/2012/TT-BTC năm 2008 cần xem xét lại.

Ông Kim cũng đề xuất thành lập cơ quan Thanh tra đầu tư nước ngoài để tạo môi trường bền vững.

Về vấn đề liên quan đến việc làm thêm giờ của người lao động, ông Kim nêu lên những bất cập của quy định giới hạn “giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm” và đề xuất nâng giới hạn này lên 300 giờ/năm hoặc bỏ hẳn quy địnhđó miễn là có sự đồng thuận của công ty và người lao động về việc làm thêm giờ.

Về vấn đề chuyển giá, Chính phủ Việt Nam đã ban hành thông tư 201/2013/TT-BTC liên quan tới thỏa thuận xác định giá trước (APA) mà vấn đề quan trọng nhất liên quan đến thông tư này là không đưa ra cơ chế hồi tố. Trong khi đó, một trong những lợi ích hấp dẫn nhất mà người nọp thuế tìm kiếm ở APA là áp dụng hồi thuế APA để điều chỉnh những năm tính thuế trước đó. Korcham kiến nghị Chính phủ sửa đổi thông tư 201 về cơ chế hồi tố và giảm thời gian cũng như số lượng hồ sơ phải nộp trong thủ tục tham vấn trước khi nộp.

Doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy chưa hài lòng với môi trường kinh doanh ở Việt Nam

Tính đến tháng 5/2014, số lượng các DN thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã đạt mốc 1.319 khiến Việt Nam trở thành nước có Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lớn thứ 2 tại ASEAN (sau Thái Lan). Tuy nhiên, các DN ngày càng cảm thấy không hài lòng với môi trường kinh doanh ở đây với những vấn đề như chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách nhà nước thiếu minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện, thiếu minh bạch trong thực thi luật.

Trước những vấn đề đi, ông Yoshihisa Maruta - chủ tịch Hiệp hội JBAV đề xuất:

Thứ nhất, điều chỉnh quy định về giấy phép lao động. Tại thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ tháng 03/2014, quy định những lao động đã từng đến Việt Nam nếu lưu trú dù chỉ 1 ngày cũng phải xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong khi nếu xin cấp phiếu này trong thời gian lưu trú 1 ngày thì nhiều khi lại bị cơ quan chức năng từ chối cấp.

Thứ hai, đề nghị làm rõ các thủ tục cần thực hiện theo quy định về “tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm sắt thép” tại Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, làm rõ các điều kiện về ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, JBAV đề nghị nâng tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với những dự án lớn lên 100% thay vì 30% như hiện tại.

“Nếu chính phủ không có định hướng rõ ràng về phát triển công nghiệp cũng như xử lý triệt để vấn đề tiền lương đã tăng nhanhvà quy định về làm ngoài giờ chặt chẽ hơn các nước phát triển thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về những ngành có hàm lượng lao động cao có thể sẽ không còn. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm cho các nước láng giềng” – Ông Yoshihisa Maruta phát biểu.

>> Bao nhiêu giờ làm việc là đủ?

Theo Hà Phương

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM