Doanh nghiệp FDI: Mảng sáng và nỗi lo ngại nhập siêu

07/05/2015 14:20 PM |

Sức bật của nền kinh tế dường như không đồng đều và có phần tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nội dung nổi bật:

- Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ (đạt mức tăng 9,51% so với mức tăng 5,97% của cùng kỳ năm 2014) và đây cũng là nhân tố góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

- Tuy nhiên, theo HSBC, sản lượng, lượng đơn đặt hàng tăng chủ yếu đến từ những doanh nghiệp FDI đầu tư mới tại Việt Nam.

- Bên cạnh điểm sáng về sản xuất công nghiệp, thống kê về số liệu nhập siêu hơn 3 tỷ USD đã dấy lên lo ngại về cán cân thương mại trong những tháng đầu năm 2015.


Nhìn toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm bên cạnh những mảng sáng nổi bật như niềm tin tiêu dùng, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, sức bật của nền kinh tế dường như không đồng đều và có phần tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo phân tích mới nhất của công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết.

FDI- điểm sáng nhất ngành sản xuất công nghiệp

Theo số liệu thống kê quý 1 năm 2015 do công ty chứng khoán này thực hiện, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ (đạt mức tăng 9,51% so với mức tăng 5,97% của cùng kỳ năm 2014) và đây cũng là nhân tố góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Tiếp nối đà tăng trưởng của quý 1, lĩnh vực này tiếp tục ghi nhận mức tăng khá trong tháng 4 với mức tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Điều này cũng khá tương đồng với kết quả khảo sát mới nhất của HSBC khi chỉ số PMI ghi nhận được mức tăng cao nhất trong vòng 20 tháng qua, đạt 53,5 điểm. Tuy nhiên, theo HSBC, sản lượng, lượng đơn đặt hàng tăng chủ yếu đến từ những doanh nghiệp FDI đầu tư mới tại Việt Nam. Với lý do đó, sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nói riêng dẫn đến tăng trưởng tích cực của GDP nói chung đặt ra một quan ngại về mức độ lan tỏa của lĩnh vực này đối với toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Trong tổng số 256 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký lũy kế đến tháng 4/2015 của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì hơn 56% dòng vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp gia công, lắp ráp với quy mô nhỏ. Kết quả điều tra đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 67% số doanh nghiệp đánh giá SXKD quý 1 năm 2015 khả quan hơn và giữ ổn định so với quý 4 năm 2014 (trong đó có 28,8% cho rằng tình hình tốt hơn và 38,2% cho rằng tình hình ổn định).

Xét theo từng khối doanh nghiệp, có thể thấy khối doanh nghiệp FDI có tình hình kinh doanh khả quan nhất trong quý 1. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp nhà nước cho rằng họ gặp khó khăn hơn quý trước và khối doanh nghiệp ngoài nhà nước phần lớn đánh giá tình hình kinh doanh ổn định.

Các doanh nghiệp FDI tăng cường nhập khẩu máy móc

Bên cạnh điểm sáng về sản xuất công nghiệp, thống kê về số liệu nhập siêu hơn 3 tỷ USD đã dấy lên lo ngại về cán cân thương mại trong những tháng đầu năm 2015. Theo ước tính của GSO, lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 50 tỷ USD và tăng trưởng khoảng 8,1% so với cùng kỳ - là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 20,6% so với cùng kỳ, đạt 53,4 tỷ USD.

Xét riêng từng khu vực, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của khối FDI vẫn rất tích cực, tăng trưởng khoảng 18,3% so với cùng kỳ, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của khối này cũng đạt mức tăng 27,4%. Dù vậy, khối doanh nghiệp này vẫn đảm bảo được mức thặng dư 1,9 tỷ USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên khu vực doanh nghiệp trong nước, tình hình xuất khẩu khá tiêu cực khi kim ngạch xuất khẩu giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%, ghi nhận mức thâm hụt thương mại 5,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.

Sự suy yếu của hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm đáng quan ngại nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và dầu thô. Ở chiều nhập khẩu, máy móc thiết bị và phương tiện ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ, trong đó các thị trường nhập khẩu mạnh đối với nhóm hàng này là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Nguyên nhân khiến nhập khẩu của nhóm hàng này tăng cao có thể do tiến độ giải ngân của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm 2015, vốn FDI giải ngân đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ trong khi vốn đăng ký mới và tăng thêm giảm khá mạnh, chỉ đạt 3,7 tỷ USD, giảm 23,3%.

Hiện tượng nhập siêu trong 4 tháng đầu năm cũng khiến cho niềm tin đối với sự ổn định của tiền đồng dao động mạnh, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Tuy nhiên theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, trong trường hợp nhập khẩu tăng cao xuất phát từ khối doanh nghiệp FDI thì rủi ro cân đối cung-cầu ngoại tệ không quá đáng ngại. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng thấp và việc đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác (tiền tệ của có cạnh tranh trực tiếp về thịtrường xuất khẩu với Việt Nam) sẽ là một trong những nhân tố tác động đến thời điểm và mức độ phá giá của VND trong thời gian tới.

>> Doanh nghiệp FDI “kết” ngành bán lẻ: Cuộc đấu của những gã khổng lồ

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM