Doanh nghiệp “dụ” trẻ con đến với các chương trình giáo dục bằng phim hoạt hình

05/08/2015 08:30 AM |

Không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng giáo dục ở Tanzania, nhưng chương trình có thể dạy cho họ những khái niệm cơ bản và tạo nguồn cảm hứng cho họ để học thêm.

Khi Doreen Kessy còn bé, cô không mấy quan tâm đến chương trình truyền hình ở quê nhà Tanzania vì khi ấy họ toàn chiếu những bộ phim hoặc sự kiện về phương Tây, một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với cô.

Giờ đây, Kessy đã là COO của Ubongo, một doanh nghiệp xã hội chuyên cung cấp những chương trình giáo dục dưới hình thức phim hoạt hình. Và đáng chú ý là, toàn bộ nội dung của họ đều được “địa phương hóa” cho phù hợp với châu Phi, ngay cả những họa sĩ tạo hình và diễn viên lồng tiếng cũng là người Tanzania để người xem có thể cảm thấy sự gần gũi ở nhân vật và các hoạt cảnh.

Đầu năm ngoái, Ubongo bắt đầu một chương trình truyền hình tập trung vào việc dạy toán thông qua những câu chuyện hoạt hình và các bài hát dễ thuộc ở Dar es Salaam, Tanzania. Tổ chức này ước tính rằng chương trình này hiện đang được 1/4 số hộ gia đình có ti vi ở Tanzania xem và trên khắp Tanzania, Kenya, và Rwanda, tổng cộng có 1,2 triệu hộ xem chương trình này hàng tuần. Hiện Ubongo đang thực hiện chương trình thứ hai của họ để dạy ngôn ngữ và tập đọc, tập viết cho các trẻ em từ 3 đến 6 tuổi ở châu Phi.

Vậy một chương trình như thế có thể góp phần thay đổi nền giáo dục ở châu Phi như thế nào? “Đội ngũ tại Ubongo biết rằng chỉ riêng chương trình như thế sẽ không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng giáo dục ở Tanzania, nhưng chương trình có thể dạy cho họ những khái niệm cơ bản và tạo nguồn cảm hứng cho họ để học thêm. Nó cũng hỗ trợ rất nhiều cho công việc của các giáo viên đang làm hàng ngày. Bằng chứng là thầy cô và các trường học ở đó đã yêu cầu Ubongo mang chương trình vào lớp học của họ,” Stacey Wong, một người từng tốt nghiệp đại học Stanford và hiện đang làm việc tại Ubongo, cho biết.

Phóng viên của tạp chí Forbes đã có cuộc phỏng vấn với 3 thành viên chủ chốt của Ubongo để biết rõ thêm về chương trình khá thú vị này:

Các bạn có thể cho chúng tôi biết một tập của chương trình Ubongo Kids được làm như thế nào không?

Đầu mỗi mùa, chúng tôi tập hợp các thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục lại để thiết kế chương trình cho 13 tập sắp tới. Sau khi chọn đề tài - ví dụ như phép chia, cách nói giờ, hay tính diện tích – cả nhóm chúng tôi sẽ tìm ý tưởng để tạo ra “cái sườn” cho chương trình. Sau đó, chúng tôi viết kịch bản bằng tiếng Kiswahili và dịch nó sang tiếng Anh. Những họa sĩ của chúng tôi phác thảo những gì sẽ diễn ra và đội ngũ sản xuất âm nhạc sẽ viết giai điệu cho các bài hát. Chúng tôi cũng làm việc với các trẻ em từ cộng đồng yêu thích chương trình Ubongo Kids, bạn bè và những người lồng tiếng khác.

Sau khi bản nháp đầu tiên của một tập được tạo ra, tất cả chúng tôi ngồi lại và xem nó trên màn ảnh để xem có cần cải tiến gì không. Chúng tôi cho ý kiến về mọi chi tiết nhỏ nhất trong đó, chẳng hạn như “Cánh tay của nhân vật Kibena cử động có tự nhiên không?”, “Giai điệu bài hát nghe có ổn không khi lời của nó được dịch sang tiếng Anh?” .v.v.

Các nhân vật hoạt hình chính của Ubongo Kids là ai? Các bạn có nhân vật yêu thích nào không?

Các nghiên cứu từ hai chương trình “Sesame Street” và “Teletubbies” cho thấy rằng trẻ con phản ứng rất mạnh đối với những nhân vật thú vật quen thuộc.

Các nhân vật chính của chúng tôi là Mama Ndege (chú chim màu xanh to lớn), Ngedere (chú khỉ giáo sư), Da Chura (chú ếch biết khiêu vũ), và Uncle T (chú hươu cao cổ biết đọc rap). Chúng tôi cũng có Kibena, Kiduchu, và Baraka – 3 chú bé học với các con thú trên.

Chú chim xanh Mama Ndege là nhân vật được yêu thích nhất của chương trình. Hàng ngày cứ tầm 3 giờ chiều là có khoảng 15-30 đứa trẻ hàng xóm tới xếp hàng bên ngoài văn phòng chúng tôi và yêu cầu được xem Ubongo Kids. “Cháu nói với mẹ là cháu đi học toán với Mama Ndege,” một chú bé 7 tuổi tự hào cho chúng tôi biết.

Làm sao các bạn định hình được nội dung giáo dục của những video này? Đặc biệt là phải tập trung vào nội dung gì và làm cách nào để trình bày nó một cách hiệu quả?

Khi chương trình đầu tiên bắt đầu, chúng tôi có tổ chức những buổi đóng góp ý tưởng với các giáo viên tiểu học địa phương. Họ đã mang đến cho chúng tôi những đề tài và giúp chúng tôi đưa ra những mục tiêu cần đạt được trong video đó. Vì tổ chức chúng tôi đang lớn mạnh nên hiện giờ chúng tôi cũng có những chương trình kiểm tra ý thích người dùng để phát triển nội dung theo cách tốt hơn.

Chúng tôi hiểu rằng người xem có thể tương tác trực tiếp với chương trình thông qua tin nhắn. Cách thức hoạt động của điều đó như thế nào?

Chúng tôi hợp tác với EduMe để tạo ra những câu hỏi dạng tin nhắn và giao cho công ty viễn thông Tigo ở Tanzania phân phối. Bất kì người nào sở hữu một chiếc điện thoại cơ bản nhất (chỉ cần có chức năng nhắn tin và gọi) cũng có thể sử dụng Ubongo Mobile để trả lời một câu hỏi miễn phí mỗi ngày hoặc mua những gói sử dụng không giới hạn với các mức phí 25 cent/tuần hoặc 75 cent/tháng.

Trẻ em có thể sử dụng hệ thống này bất kì lúc nào, bất kì đâu để học. Cách trả lời câu hỏi rất đơn giản, chỉ cần nhắn “Yes,” “A,” hoặc “4”. Dựa trên câu trả lời của đứa trẻ, hệ thống này sẽ gửi phản hồi và câu hỏi tiếp theo. Chương trình đã được “game hóa” sao cho mỗi lần có 5 câu trả lời đúng, chúng sẽ nhận được một cuộc gọi miễn phí từ Mama Ndege, cùng với những lời chúc mừng và một bài hát tặng từ chính nhân vật này. Chúng tôi cũng có một bảng danh sách những người dẫn đầu cuộc chơi trên chương trình truyền hình này và bảng này sẽ vinh danh những người chơi nào trả lời nhiều câu hỏi nhất, chính xác nhất và người mới tham gia cuộc chơi xuất sắc nhất.

Một trong những người chiến thắng của chúng tôi là cậu bé 8 tuổi đến từ Mbezi Kimara, một vùng ngoại ô của Dar es Salaam. Sau khi thấy tên mình trên “bảng vàng”, cậu rất háo hức đến gặp trực tiếp với Mama Ndege. Cậu bé đã đi xe buýt suốt 2 giờ để đến văn phòng chúng tôi. Tất cả những phím số trên điện thoại cậu ấy đều bị bay mất màu vì cậu ấy đã nhắn rất nhiều câu trả lời. Khi gặp được Cleng’a, người lồng tiếng cho nhân vật Mama Ndege, cậu bé rất hạnh phúc. Những ngày sau đó, ngày nào cậu cũng gọi đến văn phòng chúng tôi để xin được nói chuyện với Mama Ndege.

Chương trình này bắt đầu ở Tanzania và kể từ đó đã lan rộng đến nhiều nước khác ở Đông Phi. Điều đó đã diễn ra như thế nào?

Chúng tôi bắt đầu ở Tanzania, vì đó là quê hương chúng tôi và có một nhu cầu rất lớn về mảng giải trí giáo dục, nhưng chúng tôi luôn lên kế hoạch tạo ra những nội dung có thể đến được với tất cả bọn trẻ trên khắp châu Phi. Với chương trình Ubongo Kids bằng tiếng Kiswahili, chúng tôi giới thiệu nó trên đài truyền hình quốc gia Tanzania. Sau 6 tháng, chúng tôi hợp tác với Star Times để mang Ubongo Kids bằng tiếng Kiswahili đến các đài truyền hình trên khắp khu vực, ở Tanzania, Kenya, Uganda, Rwanda, và Burundi.

Chúng tôi cũng tiến hành một chiến dịch mang tên Kickstarter nhằm gây quỹ để dịch chương trình Ubongo Kids sang tiếng Anh. Phiên bản tiếng Anh giờ đây đang được phát trên các đài truyền hình quốc gia ở Rwanda và Kenya, và chúng tôi sẽ sớm phát hành nó ở Uganda và Ghana.

Các bạn thấy chương trình này và tổ chức của các bạn đang đi đến đâu? Một số chất liệu mang tính giáo dục khác mà các bạn đang mong muốn tạo ra là gì?

Tầm nhìn của chúng tôi là mang giải trí giáo dục có tính tương tác đến các quốc gia trên khắp châu Phi trên bất kì công nghệ nào mà lũ trẻ có thể tiếp cận: ti vi, điện thoại di động, Internet, radio, sách và những thứ khác. Vì thế chúng tôi đang phát triển một bộ sưu tập sách điện tử (eBook), sách nói, cũng như là một ứng dụng chạy trên Android. Chúng tôi cũng sẽ phát triển những loạt chương trình mới cho các nhóm tuổi và đề tài khác nhau.

Giấc mơ của chúng tôi là tạo niềm cảm hứng yêu thích học tập trên khắp lục địa này. Chúng tôi muốn thay đổi việc học cho 450 triệu đứa trẻ ở châu Phi bằng cách mang đến cho chúng những cách học thú vị. Ubongo nhắm đến mục tiêu cung cấp những chương trình giải trí có mức phí cực thấp, có thể có tác động lâu dài đến những thế hệ tiếp theo, và có thể mở ra cánh cửa cho tương lai của việc học tập bằng kĩ thuật số.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM