Doanh nghiệp da giày “kêu cứu” vì quy định mới

05/12/2015 17:06 PM |

Quy định mới khiến hơn 600 doanh nghiệp da giày Việt Nam lâm vào cảnh gặp nhiều khó khăn trong thủ tục nhập khẩu khi nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hiệp hội da giày VN (Lefaso) vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan về quy định kiểm dịch mới đây sẽ mang lại nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực này.

Lefaso cho rằng, quyết định số 4758/QĐ-BNN-TY, ngày 18/11/2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, quy định mã số HS của danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.

Theo danh mục này, mọi sản phẩm da thuộc nhập khẩu vào trong nước buộc phải qua kiểm dịch. Lefaso cho rằng, quy định này sẽ khiến hơn 600 doanh nghiệp của ngành da giày Việt Nam lâm vào cảnh gặp nhiều khó khăn trong thủ tục nhập khẩu khi nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hiệp hội da giày giải thích rằng, da chưa qua quá trình thuộc được gọi là da nguyên liệu. Da đã trải qua quá trình thuộc da có sử dụng các hóa chất gọi là da thành phẩm. Do sử dụng các hóa chất để thuộc, nên da thành phẩm không còn vi khuẩn và mầm bệnh.

Chính vì vậy, da thuộc để sử dụng sản xuất giày dép, túi xách là da thành phẩm, liên quan nhiều đến các hóa chất thuộc da như formadehyde, crome… và đã được kiểm nghiệm trước khi xuất, không liên quan đến dịch bệnh và không có khả năng lây bệnh.

Vì thế, áp dụng việc kiểm dịch đối với da thuộc là không phù hợp đối với da thành phẩm.

Được biết da thành phẩm có các mã số sau: HS 4104, 4105, 4106, 4107, 4112; 4113, 4114, 4115. Tất cả các mả số này tại quyết định 4758/QĐ-BNN-TY đều thuộc diện phải kiểm dịch.

Hiện các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam nhập khẩu khoảng 40% nguyên liệu này cho sản xuất giày dép và trên 60% cho sản xuất túi xách xuất khẩu, với tổng lượng nhập khẩu hàng năm hơn 500 triệu squara feet.

Nhiều doanh nghiệp lo lắng, nếu quy định qua kiểm dịch toàn bộ số lượng da thuộc nhập khẩu này, sẽ tạo ra một sức ép rất lớn về thời gian và chi phí không cần thiết.

Trước đây, ngành da giày trong nước cũng đã từng phải thực hiện quy định trong thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT, ngày 15/8/2012, về việc ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; trong đó khoản 5, điều 1 của thông tư này quy định mặt hàng da (leather) phải kiểm dịch khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Ngày 11/3/2013, Lefaso đã gửi công văn số 30/CV-HHDG, lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị bãi bỏ việc kiểm dịch đối với da thuộc thành phẩm. Và sau đó, Lefaso đã nhận được công văn số 591/KDTV-KD của Cục bảo vệ thực vật của Bộ này đã đồng ý đưa da thuộc ra khỏi danh mục kiểm dịch tại các cửa khẩu.

Cùng với ngành dệt may, da giầy là một trong những ngành được dự báo là đón nhận được nhiều lợi thế khi các FTA có hiệu lực. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 55,7% doanh nghiệp ngành da giầy có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015.

Đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may, và da giày…

Theo đó, ngành da giày hưởng thuế suất 0%. Dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm…

Theo Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM