Đoạn trường chính sách: Truân chuyên vay vốn

28/04/2015 16:33 PM |

Không ít vướng mắc, bất cập trong triển khai Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đến nay chưa được tháo gỡ. Trong khi ngân hàng dư tiền thì người dân đói vốn. Đâu là căn nguyên của những tồn tại này?

Có 3 vướng mắc lớn nhất trong triển khai Nghị định 41. Một là, các hộ SXNN thuộc thành thị không được hưởng chính sách này. Hai là, thủ tục vay vốn còn quá rườm rà, nhiêu khê. Ba là, việc cấp quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất còn quá chậm, có nơi tỷ lệ chưa giải quyết được là 100%. Những vướng mắc đó khiến việc giải ngân vốn bị tắc nghẽn.

Quy định cứng nhắc

Ông Trịnh Ngọc Thanh – Giám đốc Agribank chi nhánh Thanh Hóa cho rằng: Khu vực thị thành, nông dân có kiến thức tốt. Việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận thông tin thị trường ở vùng này cũng nhanh và thuận hơn nhiều. Nếu những ràng buộc trong nghị định chưa giải quyết được thì vô hình trung đã bỏ ngỏ một lượng lớn khách hàng.

Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Hữu Hòa – GĐ Agribank Đông Anh (Hà Nội) và ông Bùi Cao Thơi – Phó GĐ Agribank Ninh Bình bày tỏ: Hiện mức trần cho vay còn quá thấp. Vì thế cần sớm điều chỉnh theo hướng nâng mức trần này. Cụ thể, hộ nông dân vay từ 200 – 300 triệu đồng không phải thế chấp (hiện tại đang ở mức 50 triệu). Còn kinh tế trang trại, HTX hoạt động SXKD thì nên mở rộng mức vay 2 tỷ đồng không phải thế chấp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng – GĐ Cty TNHH thương mại Minh Tâm có trụ sở ở Đông Anh (Hà Nội) chuyên kinh doanh hàng nông sản chia sẻ: “Đôi khi cơ hội làm ăn đến nhưng chỉ vì một chút vướng mắc về thủ tục vay vốn là có thể bỏ lỡ những hợp đồng hàng trăm tỷ. Thế là mất cơ hội và mất niềm tin với người dân”.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Giám đốc VP đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN – MT Hải Dương) cho biết: Hiện toàn tỉnh còn 30.549 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được cấp, trong đó đất ở nông thôn còn 22.878 giấy. Việc cấp giấy này cứ theo luật mà làm, sai sót khâu nào khâu đó chịu trách nhiệm. Người dân không tiếp cận được vốn là do lỗi bộ phận tín dụng. Ở đây có vấn đề là có người không đủ hồ sơ mà vẫn được vay vốn đấy thôi (?!).

Mới đây, Cty có đề án vay ngân hàng để mua gạo cho nông dân ĐBSCL và ngô ở các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đáp ứng được mức vay mà Cty cần. Lý do là trần cho vay quy định chỉ có thế.

Ông Nguyễn Hữu Hòa – GĐ Agribank Đông Anh cho hay nếu trần cho vay được điều chỉnh thì chi nhánh sẽ giải ngân thêm 40 tỷ đồng. Còn theo ông Thơi – Phó GĐ Agribank Ninh Bình, nếu điều chỉnh được thì Ninh Bình có khoảng 84% trong tổng số 821 trang trại sẽ nhảy vào vay vốn thêm.

Gian nan thủ tục

Thực trạng phổ biến và nan giải nhất hiện nay ở các địa phương chính là việc giao đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ nông dân, kể cả cấp đất cho các mô hình kinh tế trang trại còn quá chậm. Việc cấp và quản lý giấy xác nhận đất chưa có bìa đỏ (không có tranh chấp) tại một số xã chưa đúng quy định dẫn đến ngân hàng khó quản lý.

HTX thủy sản Đoàn Kết (Thanh Miện - Hải Dương) hoạt động từ năm 2009 với 140 gia đình tham gia nuôi cá. Hàng năm, HTX tiêu thụ khoảng 500 tấn cá đạt doanh thu 12 – 13 tỷ đồng. Trừ chi phí còn lãi 35%. Theo ông Nguyễn Tiến Ngự, tổ trưởng tổ vay vốn HTX thì đến nay dư nợ của các xã viên đạt 7 tỷ đồng, trong khi nhu cầu cần 15 – 16 tỷ. Song điều trở ngại là thủ tục vay vốn nhiêu khê.

Hỏi kỹ việc này, cả ông Ngự và ông Đặng Xuân Quyện – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Đoàn Kết cho hay: Có một số hộ đất ở chưa được cấp bìa đỏ. Còn nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa thể hiện trong bìa đỏ. Muốn có giấy xác nhận thì phải “vòng vo” trong việc xin đăng ký quyền sở hữu.

Ở xã Đoàn Kết có những hộ “vắt kiệt” sức mới hoàn tất được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có bìa đỏ rồi mà vốn vay cũng ít vì thiếu giấy đăng ký quyền sở hữu tài sản. Vì lẽ đó, người dân không muốn làm thêm thủ tục, chấp nhận vay nóng bên ngoài.

Trường hợp vợ chồng anh Phạm Văn Minh ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết là một ví dụ. Vừa rồi có gia đình hàng xóm làm thủ tục sang tên, đổi chủ cái bìa đỏ mà mất ròng 2 tháng trời. Thấy họ làm quá chật vật, tốn kém nên anh Minh đắn đo việc của mình.

11-27-49_nhieu-nong-dn-nuoi-c-nuoc-ngot-o-hi-duong-muon-duoc-don-gin-ho-thu-tuc-vy-von-de-tng-toc-pht-trien-kinh-te

Nhiều nông dân nuôi cá nước ngọt ở Hải Dương muốn được đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng tốc phát triển kinh tế

Khác với gia đình đó, bố mẹ anh Minh đều đã mất. Ông bà có 6 người con. Một người là liệt sỹ. Anh Minh là con út. Nay muốn sang quyền sử dụng mảnh đất của bố mẹ anh phải kêu gọi đông đủ anh em ruột đang làm ăn xa về nộp đơn từ chối nhận quyền sử dụng mảnh đất đó. Ngẫm cảnh anh em, vợ chồng lọc cọc lên xã, lên huyện hết lần này đến lượt khác để xác nhận thủ tục, anh Minh thấy khiếp đảm.

Anh Minh bảo: “Nếu có cái bìa đỏ để thế chấp thì tôi vay được 150 triệu đồng. Chứ như hiện nay, cứ mua chịu tiền cám nuôi cá, nuôi lợn lãi suất cao mất hàng chục triệu đồng mỗi năm, lẽ ra đó là khoản lợi nhuận tôi được hưởng thêm”.

Anh Minh là người dân thuần túy nên khó khăn thì đã đành. Đằng này ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết dẫu sao cũng là cán bộ. Nhờ “mác cán bộ” mà ông Bình có chút quan hệ trên huyện. Thế nhưng, ông Bình không khỏi bức xúc khi kể về “đoạn trường” thực thi chính sách của cơ quan hành chính.

Nghị định 41 quy định vay 50 triệu đồng thì không phải thế chấp nhưng khi giải ngân vốn, ngân hàng vẫn giữ bìa đỏ hoặc giấy xác nhận đất ở không có tranh chấp của người dân. Liên quan đến việc công chứng các loại giấy tờ khi vay vốn, người dân kiến nghị nên để chính quyền cấp xã thực hiện. Vì cán bộ xã trực tiếp quản lý địa bàn biết ngọn ngành hơn là công chứng viên ở huyện. Làm được như thế sẽ bớt đi sự chờ đợi và tốn kém cho người dân.

Bìa đỏ của ông Bình có 992 m2, trong đó 600 m2 đất thổ cư, 392 m2 đất nuôi trồng thủy sản. Theo Luật Đất đai năm 2013 thì 392 m2 đó sẽ được gia hạn đến năm 2063. Việc gia hạn này là để ngân hàng yên tâm khi hoàn tất thủ tục cho ông vay 100 triệu đồng. Để gia hạn được, ngoài đơn trình bày và các thủ tục tại xã, ông Bình đã đi hơn chục cây số lên phòng giao dịch một cửa UBND huyện. Lúc đó là 9 giờ sáng. Sau khi bốc thăm thứ tự vào làm, ông Bình được hẹn 14 giờ quay lại.

Có được 10 chữ ghi trong bìa đỏ “Gia hạn đất nuôi trồng thủy sản đến hết năm 2063”, ông Bình quay về xã thực hiện các thủ tục vay vốn theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng. Lần này không chỉ mỗi ông mà cả vợ cũng phải đi lên huyện để công chứng các loại giấy tờ: Hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và ông; sổ hộ khẩu, CMND vợ và chồng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do phòng công chứng chỉ làm việc thứ 3 và thứ 6 hàng tuần nên vợ chồng ông phải về chờ sang tuần sau đi tiếp. Mấy ngày sau, dù vợ bị ốm nhưng cũng phải gắng gượng ngồi sau xe cho ông chở lên huyện. Sau khi phòng công chứng tiếp nhận hồ sơ, ông bà được hẹn giờ quay lại lấy với hai loại phí. Một loại bị thu 1% tổng vốn vay ngân hàng (loại này có biên lai theo quy định của Bộ Tài chính). Một loại là 50.000 đồng không có biên lai nhưng khi ông Bình hỏi thì được trả lời là lệ phí giấy tờ.

Công chứng xong, ông Bình cầm hồ sơ sang nộp cho phòng giao dịch một cửa của UBND huyện. May mắn cho ông hôm đó được hẹn cuối giờ chiều quay lại. Bởi có không ít trường hợp được hẹn hôm sau. Hồ sơ chuyển sang phòng một cửa để UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là loại giấy tờ bắt buộc theo quy định của ngân hàng để xác nhận quyền đảm bảo tài sản tiền vay. Lệ phí này ông Bình nộp 70.000 đồng.

Đưa chuyện này ra kể, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết thở dài: “Không riêng gì ông Bình chịu hoàn cảnh đấy đâu? Cả xã này và tôi tin cả đất nước này, muốn vay được vốn qua kênh ngân hàng đều phải làm các bước như thế vì luật quy định vậy rồi”.

Có người ví von rằng, đất ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng và nhà ở xây dựng trên đất đó lại không có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì khác nào không đăng ký kết hôn mà vẫn ngủ chung?

>> Rủi ro lớn nhất các doanh nghiệp phải chịu là chính sách

Theo Văn Hùng

Cùng chuyên mục
XEM