“Điều kiện kinh doanh của ta rối như mạng dây diện”

02/05/2015 11:03 AM |

Trong một bài nghiên cứu với tựa đề “Ba mươi năm xây dựng và hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh ở Việt nam”, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) đã có ví von khá hình ảnh khi cho rằng các điều kiện kinh doanh của Việt Nam còn nhiều và cồng kềnh.

Đánh giá về những thành tựu của công cuộc cải cách kinh tế trong thời gian qua, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, các loại hình doanh nghiệp ở nước ta về cơ bản tương tự như ở tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại với sự ra đời của Luật doanh nghiệp, luật đầu tư và nhiều văn bản luật có liên quan.

Năm 1990:  Từ bất hợp pháp thành hợp pháp, doanh nghiệp được kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép; thủ tục rất phức tạp và tốn kém;

Năm 2000: Chuyển từ được kinh doanh những gì nhà nước cho phép sang được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng phải đăng ký; thủ tục liên tục được cải cách theo hướng đơn giản, rõ ràng và minh bạch.

Năm 2014: Thực sự được tự do kinh doanh tất cả những gì luật không cấm; và chỉ có 6 ngành nghề cấm kinh doanh; đồng thời, xác định 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đây được coi như một điểm nổi bật nhất của Luật đầu tư sửa đổi 2014; góp phần giảm rủi ro, giảm chi phí, tăng tự chủ và chủ động phát huy tiểm năng và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung, tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở nước ta không có cải thiện đáng kể trong hơn thập kỷ qua. Đồng thời, so với các nước trong khu vực và thế giới, mức độ phát triển kinh tế thị trường ở nước ta còn rất thấp.

Xếp hạng mức độ phát triển kinh tế thị trưởng Việt Nam so với các nước trên thế giới (Nguồn: CIEM).

Xếp hạng mức độ phát triển kinh tế thị trưởng Việt Nam so với các nước trên thế giới (Nguồn: CIEM).

Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng chỉ ra đặc điểm “tám không” trong quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam: không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu quả, không hiệu lực. Thủ tục xin phép rất phức tạp; hạn chế tận dụng cơ hội kinh doanh và phát triển.

Ông Cung cho rằng, các điều kiện kinh doanh về bản chất là các rào cản gia nhập thị trường các ngành, nghề kinh doanh cụ thể. Các điều kiện kinh doanh còn quá nhiều và không kiểm soát được; được quy định phân tán, dàn trải trong rất nhiều các văn bản khác nhau.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã lên đến gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh.

Những quy định này, cùng với hàng ngàn công văn điều hành hàng năm gây rủi ro pháp lý, hay thay đổi và không tiên liệu trước được; không công bằng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cho doanh nghiệp tư nhân trong nước; tạo ra bất bình đẳng giữa các vùng, nhất là thành thị và nông thôn.

Điều kiện kinh doanh của ta rối như mạng dây điện, cồng kềnh và khó kiểm soát. Do vậy, để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp phát triển, Nhà nước cần loại bỏ những thủ tục cồng kềnh này” – TS Nguyễn Đình Cung kiến nghị.

Cùng chung nhận định với TS Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh của Việt Nam trên giấy tờ còn nhiều và chưa hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo bà Lan, Việt Nam cần có luật về cổ phần hóa để vận hành tốt hơn, không để mất tài sản nhà nước quá nhiều, không để cổ phần hóa danh nghĩa nhiều nhưng thực chất không làm được bao nhiêu. Thước đo cuối cùng là làm cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

>> TS Lê Đăng Doanh: Môi trường kinh doanh Việt Nam đang xấu đi vì tham nhũng

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM