Điều hành giá xăng dầu: Bóng vào chân Bộ Công Thương

28/06/2014 20:00 PM |

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009.

Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi Nghị định số 84/2009 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu, việc khuyến khích sử dụng xăng sinh học…

Để hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định theo hướng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá; chủ trì hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về biên độ điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, thực hiện theo 3 mức: ≤3%, từ trên 3% đến ≤7%, từ trên 7%; trong đó xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh giá xăng dầu và hình thức quản lý tương ứng với từng mức điều chỉnh (thương nhân đầu mối được quyền quyết định tăng giá trong phạm vi ≤3%; từ trên 3% đến ≤7% báo cáo liên bộ; từ trên 7% báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu dự thảo nghị định hoàn thiện theo hướng thương nhân đầu mối được quyền chủ động giảm giá bán lẻ xăng dầu; đồng thời báo cáo việc thực hiện với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Về giá cơ sở, Thủ tướng yêu cầu không bổ sung mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá là yếu tố cấu thành giá cơ sở. Về chu kỳ tính giá cơ sở hoàn thiện theo hướng giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá cơ sở.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho hay bản thân cơ quan này cũng không muốn việc điều chỉnh này mà vẫn muốn để Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì công tác điều hành giá xăng dầu, còn Bộ Công Thương thì phối hợp.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng khẳng định, nếu Chính phủ phân công thì Bộ xin chấp hành, và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều chuyển quản lý giá xăng dầu sang Bộ Công Thương là chuyện bình thường, vì "Luật Giá quy định như thế. Bộ Tài chính quản lý giá, hướng dẫn thanh kiểm tra, còn các bộ quản lý ngành sẽ điều hành giá cụ thể theo phân công của Chính phủ".


Theo Song Hà

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM