Điểm nhấn kinh tế 2015: Việt Nam đã sẵn sàng

28/12/2015 14:09 PM |

GDP tăng trưởng nhanh nhất 5 năm, lạm phát thấp cùng nhiều thành tựu đạt được trong hội nhập đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn về nền kinh tế khi hội nhập cùng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi bước vào sân chơi toàn cầu.

Bức tranh kinh tế năm 2015 đã sáng trở lại khi nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt được, đặc biệt là tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra với 6,68%. Năm qua cũng là năm có ý nghĩa quan trọng khi khép lại một chặng đường của kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015, mở ra giai đoạn mới 2016 - 2020.

Với nền tảng ổn định vĩ mô vững chắc, những động thái cải cách quyết liệt trong môi trường kinh doanh, kinh tế Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế năng động và hội nhập sâu vào toàn cầu.

Tăng trưởng GDP năm 2015 vượt chỉ tiêu và cao nhất 5 năm

Những khó khăn của nền kinh tế đã bắt đầu qua đi khi mà tăng trưởng GDP năm 2015 đã vượt chỉ tiêu đề ra với 6,68% - là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhiều chỉ số đã được cải thiện tích cực như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, vốn đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao...

Bứ tranh kinh tế sáng trở lại là minh chứng cho thấy điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã đi đúng hướng. Với nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, cùng thông điệp điều hành quan trọng của Chính phủ trong năm 2015 là đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh thì sự tăng trưởng vượt chỉ tiêu của GDP được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong năm tới.

Lạm phát thấp nhất trong 14 năm tạo đà cho tăng trưởng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014; bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ năm 2001. Thông thường, CPI tăng thấp là dấu hiệu cho thấy tổng cầu suy giảm, tuy nhiên mức tăng thấp của CPI năm nay lại là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.

Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm

Sau ba năm liên tiếp xuất siêu, nhập siêu đã chính thức quay trở lại trong năm 2015 khi cán cân thương mại cả nước thâm hụt 3,2 tỷ USD. Theo các chuyên gia, việc nhập siêu quay trở lại cho thấy xuất siêu trong những năm qua là không bền vững và Việt Nam vẫn bị phụ thuộc nhập khẩu ở một số thị trường lớn.

Đáng chú ý là mức nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN vẫn tăng khá cao do nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, việc nhập siêu quay trở lại cũng thể hiện nền kinh tế đang có những khởi sắc khi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp tăng lên.

Ứng phó thành công với giá dầu giảm sâu

Giá dầu thô vẫn tiếp tục lao dốc trong năm 2015 và cuối năm ở quanh mốc 35 USD/thùng, đã tác động trực tiếp tới thu ngân sách và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ thì nền kinh tế đã không phải chịu nhiều tác động tiêu cực khi giá dầu giảm, mà thậm chí còn tận dụng được nhiều thuận lợi.

Thay vì chiếm tỷ trọng khoảng 20% như trước đây, thu từ dầu thô hiện chỉ còn chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thu ngân sách. Trong khi đó, giá dầu giảm đã giúp cho giá xăng dầu nhập khẩu giảm, tác động tích cực đến nền kinh tế khi đây là nguyên liệu đầu vào cơ bản. Hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% chi phí sản xuất nên xét về lợi ích cho nền kinh tế, việc giá xăng dầu giảm có thể giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

Một năm thắng lợi với các hiệp định thương mại thế hệ mới

Việc chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan và Hiệp định với Hàn Quốc là hai dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong hội nhập. Tuy nhiên, hai sự kiện cũng quan trọng không kém đó là việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán và đạt được các thỏa thuận trong Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, vào cuối năm nay 2015 việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn trong khu vực.

Theo Bộ Công Thương, những FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với 4 FTA kể trên, Việt Nam có quan hệ sâu rộng với 45 nước đối tác, chiếm tới 65% GDP và 50% thương mại của thế giới.

Nhiều cơ hội sẽ được mở ra cả về đầu tư và thương mại. Song theo nhận định của các chuyên gia và nhà chuyên môn, những cơ hội của các FTA nếu không được tận dụng tốt thì có thể sẽ trở thành những thách thức. Do đó, điều quan trọng lúc này là các DN cần chủ động nắm bắt thông tin, phân tích những mặt mạnh và mặt yếu của mình để có thể nắm bắt cơ hội từ hội nhập.

Tranh cãi lớn về tăng lương giữa giới chủ và người lao động

Sau nhiều tranh cãi giữa đại diện giới chủ và người lao động, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chính thức “chốt" đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Đây là phương án đã được các thành viên của hội đồng đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua. Với mức tăng này, lương tối thiểu sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và đã được Chính phủ thông qua vào tháng 11/2015.

Cùng với việc chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng, việc Quốc hội đồng ý thông qua chủ trương tăng 5% lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1/5/2016 sau ba năm liên tục không tăng lương cơ sở. Thông tin này được đánh giá là sự nỗ lực và cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay.

Đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp

Ngày 13/10 Chính phủ đã đưa ra thông báo sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là trong số các doanh nghiệp được thoái vốn, có những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh…

Tổng số vốn Nhà nước có thể thu về qua thoái vốn tại 10 doanh nghiệp này khoảng 3 tỷ USD, riêng Vinamilk khoảng 2,4 tỷ USD. Việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đang được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho Nhà nước được các chuyên gia nhìn nhận như một động thái tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, khi bình luận về nguyên nhân thoái vốn nhiều chuyên gia cho rằng do ngân sách khó khăn nên việc thoái vốn này sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn để chi tiêu, trong đó tập trung cho chi đầu tư phát triển.

Mặc dù Chính phủ khẳng định rằng việc thoái vốn Nhà nước không phải là do ngân sách khó khăn mà nhằm thực hiện theo chủ trương thoái vốn Nhà nước ở những lĩnh vực không cần thiết. Tuy nhiên, trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã đề xuất dùng 10.000 tỷ đồng tiền thoái vốn để xử lý hụt thu ngân sách và Quốc hội đã nhất trí với đề xuất này.

Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành

Chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua sáng 25/6 với tỷ lệ tán thành 86,64%, với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD.Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu quả đầu tư, Dự án Sân bay Long Thành đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Do đó, Quốc hội cho phép dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Ngoài ra là các nguồn vốn khác như vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Theo Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM