Đi tìm nguyên nhân khiến giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm
Giá nhiều loại hàng hóa giao dịch trên thị trường thế giới hiện đã rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, từng mặt hàng vẫn có những biến động giá cả riêng của nó.
Giá nhiều loại hàng hóa giao dịch trên thị trường thế giới hiện đã rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đây cũng là mức thấp nhất trong gần 100 năm qua do lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh sẽ kéo các nền kinh tế khác trong khu vực xuống dốc, theo đó làm giảm nhu cầu đối với năng lượng và các loại nguyên vật liệu. Tuy nhiên, từng mặt hàng vẫn có những biến động giá cả riêng của nó. Dưới đây là một vài phân tích nhanh về những gì đang xảy ra trên thị trường hàng hóa thế giới.
Những dấu hiệu cho thấy tình trạng nguồn cung dầu dư thừa sẽ còn tiếp diễn đang khiến các nhà giao dịch và các nhà đầu cơ hàng hóa đứng ngồi không yên. Nhưng Trung Quốc mới là nguyên nhân chính khiến nỗi sợ hãi lan truyền thực sự. Để thỏa mãn cơn khát năng lượng cho phát triển, Trung Quốc xem dầu là thứ hàng hóa ưu tiên hàng đầu trong danh mục nhập khẩu của mình. Đất nước này đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chưa từng có trong suốt một thập kỷ qua, vì vậy bất kỳ dấu hiệu ốm yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ đều là tin xấu cho sản lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Ngành công nghiệp dầu khí đá phiến của Mỹ nở rộ kể từ 2008 với đột phá trong công nghệ khai thác loại dầu khí, đóng góp thêm nguồn cung vào thị trường toàn cầu. Và bất chấp việc giá dầu giảm mạnh kể từ giữa năm ngoái tới này, ngành công nghiệp này vẫn đang duy trì mức cung khá ổn định. Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC như Ả-rập-xê-út và Iraq lại đang tăng sản lượng. Theo ước tính của Bloomberg và Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 7 đạt trên 32 triệu thùng/ngày với việc sản lượng dầu của Ả-rập-xê-út và Iraq đạt mức cao kỷ lục.
Bước vào tháng 9, các nhà máy lọc dầu sẽ tiến hành bảo dưỡng định kỳ như sửa chữa và nâng cấp hệ thống, việc này sẽ có xu hướng làm giảm cung dầu mỏ trong những tháng mùa thu tới đây.
Các nhà phân tích từ BMI Research cho biết, việc gia tăng mạnh các vị thế hợp đồng giao sau, tương lai đặt vào việc giá dầu sẽ tiếp tục giảm của các Quỹ phòng hộ - Hedge Fund với mục đích đầu cơ, đã càng tạo ra áp lực giảm giá đáng kể đối với cả dầu thô Brent Biển Bắc và dầu WTI (West Intermediate Texas) trong những tuần gần đây. Giá dầu thô trượt giá thảm hại kể từ tháng 6 năm 2014 tới nay vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Trong phiên giao dịch 24/8, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 10 giảm 1.29 USD xuống còn 39.16 USD/thùng, trong khi đó dầu Brent giảm 1.19 USD xuống còn 44.27 USD/thùng. Đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Giá dầu WTI hiện đã hồi phục về mức 44 USD/thùng vào ngày 28/8.
Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) còn được biết đến dưới tên dầu ngọt nhẹ Texas. Đây là hỗn hợp dầu nhẹ hơn, ngọt hơn so với dầu thô Brent Biển Bắc – khai thác ở Biển Bắc nước Anh. Dầu này được khai thác tại miền Trung Tây Hoa Kỳ, và khu vực vùng vịnh Gulf Coast do đây là nhiên liệu chất lượng cao và được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Dầu WTI là loại dầu thô có chất lượng rất cao, ngọt, nhẹ thường được đưa đến trung tâm lọc dầu Cushing, Oklahoma (Bắc Mỹ) để tinh lọc, tại đây mức giá dầu thô WTI sẽ được thiết lập mức giá hằng ngày. WIT và Brent Biển Bắc được quy định là 2 chỉ số chuẩn của giá dầu trên toàn cầu do có chất lượng dầu tốt.
Mặc dù nhu cầu đã tăng trở lại kể từ đầu năm nay, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, lượng cầu này vẫn không đủ lớn để hấp thụ hết các nguồn cung dầu bổ sung. Các nhà phân tích ước tính sản lượng dầu thô dư thừa trong nửa cuối năm 2015 sẽ lên đến 2 triệu thùng 1 ngày.
Các nhà phân tích tại Energy Aspects – một công ty tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn nhận định rằng: "Với tình hình kinh tế vĩ mô đang xấu đi trong những tuần gần đây, thị trường không thể chỉ dựa vào việc cải thiện lượng cầu để tái đạt được mức cân bằng cung – cầu. Mỗi nhà sản xuất cần phải tự điều tiết lại lượng cung của mình một cách hợp lý – đồng nghĩa với việc mỗi nhà sản xuất phải tự chịu mất đi một phần lợi ích để đạt được lợi ích chung cao hơn nếu như muốn giá dầu tăng trở lại".
ĐỒNG
Nhu cầu đối với kim loại Đồng ở Trung Quốc đã tăng khoảng 2% - 3% trong năm nay, con số này thấp hơn con số mà nhiều nhà phân tích đã dự báo trước đó. Những đồn đoán về sự dịch chuyển của đường cầu đã khiến các Quỹ phòng hộ ở Trung Quốc ép giá kim loại này giảm nhanh chóng trong tháng một thông qua các hợp đồng giao sau và tương lai trên thị trường hàng hóa. Trong tháng này, giá kim loại Đồng (được sử dụng rộng rãi trong việc xây dựng hệ thống dây điện và dây cáp) đã xác lập mức giá thấp kỷ lục trong 6 năm qua.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng hoạt động giao dịch Đồng tại Trung Quốc trong bối cảnh này là khá tích cực, với việc kim ngạch nhập khẩu đồng nguyên chất tăng 2% trong tháng 7, thì tổng nhu cầu với kim loại này vẫn còn tương đối thấp.
"Đại gia hàng hóa" Glencore cho biết, lượng Đồng tồn kho tuần qua đã rơi xuống mức thấp lịch sử. Doanh nghiệp này cũng cho rằng, các Quỹ phòng hộ phải chịu trách nhiệm vì đã khiến thị trường giao dịch kim loại này có một phen lao đao.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chững lại trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng - một trong lĩnh vực tiêu thụ lượng Đồng lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Hiện nay Đồng đang được giao dịch với mức giá thấp hơn cả chi phí sản xuất.Tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu Macquarie ước tính rằng với mức giá giao dịch như hiện tại, khoảng 17% các mỏ Đồng đang bị thua lỗ. Điều đó có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng, hệ quả cuối cùng là giá sẽ lại được đẩy lên. Trong dài hạn, các nhà phân tích cho rằng sẽ có rất ít các mỏ đồng mới được khai thác – với quy mô đủ lớn để có thể bù đắp lại sự cắt giảm sản lượng đó. Điều này sẽ giúp giá Đồng có thể tăng lên với tốc độ ổn định. Codelco – tập đoàn khai thác đồng của Chile (nước sản xuất và xuất khẩu Đồng lớn nhất thế giới), nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, đang chi hàng tỷ USD chỉ để duy trì mức sản lượng hiện tại.
NHÔM
Giá nhôm đã bị tác động không nhỏ bởi sự tăng mạnh trong kim ngạch xuất khẩu nhôm của Trung Quốc. Đầu tháng này, giá nhôm đã xuống mức thấp nhất trong 6 năm do nhu cầu tiêu thụ giảm, cộng với nguồn cung tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Nhưng khi mà các ưu đãi về xuất khẩu cho các công ty nhôm Trung Quốc đang dần hết, thì thị trường vẫn còn dư một lượng lớn nguồn cung nhôm vì không có nhà sản xuất nào có ý định cắt giảm sản lượng.
Nguồn cung nhôm toàn cầu đã tăng hơn 10,3% trong nửa đầu năm nay, theo Viện Nhôm quốc tế. Tại Trung Quốc, bên cạnh những nhà máy đã phải đóng cửa, nhiều nhà máy luyện Nhôm thậm chí đã tăng năng suất, theo Tập đoàn tư vấn CRU, sản lượng nhôm ở phía Tây tỉnh Tân Cương đã tăng 36.5% trong tháng 7 vừa qua.
Các nhà phân tích dự đoán rằng sự gia tăng sản lượng của Trung Quốc sẽ buộc nhiều nhà sản xuất phương Tây phải đóng cửa, khi quốc gia này chuyển mình từ một "khách hàng tiêu thụ lớn thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm".
Investec – Tập đoàn chuyên quản lý tài sản tại Anh cho rằng: "Đang hiện hữu rất rõ những khó khăn trên chặng đường phía trước đối với ngành sản xuất Nhôm của khu vực bởi năng lực sản xuất lúc này ở Trung Quốc là rất lớn. Các nhà máy luyện Nhôm mới xây dựng của Trung Quốc thực sự là những nhà máy với quy mô khổng lồ và có thể sản xuất Nhôm với chi phí cực thấp. Hệ quả của điều này sẽ là sự đóng cửa hàng loạt của các nhà máy phương Tây trong vài năm tới, khi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc chiếm một ưu thế tuyệt đối trên thị trường quốc tế".
QUẶNG SẮT
So với các kim loại cơ bản, giá quặng sắt đang có dấu hiệu hồi phục trong hai tháng qua, tăng khoảng 25% kể từ khi rớt xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng 7.
Sự phục hồi trở lại ở mức 56 USD/tấn có được là do kim ngạch xuất khẩu từ Brazil và Úc (2 nhà sản xuất và xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới) đã giảm. Tuy vậy, giá quặng sắt cũng vẫn giảm tổng cộng 22% trong năm nay theo Steel Index, khi nguồn cung tiếp tục vượt cầu.
Các hợp đồng giao dịch quặng sắt tương lai tại Trung Quốc đã giảm 4% vào hôm thứ 2 tuần này – cùng ngày với ngày thứ 2 đen tối trên thị trường chứng khoán, đây là mức giảm tối đa bằng với mức biên độ giao dịch được cho phép trên thị trường hàng hóa.
Trong khi các mỏ quặng sắt có ít lợi thế về chi phí sản xuất đang chịu nhiều áp lực, thì những nhà khai thác quặng lớn nhất thế giới lại rục rịch cắt giảm sản lượng. Trong một thông báo mới phát đi, các nhà khai thác đã lên kế hoặc tăng lượng quặng sắt xuất sang Trung Quốc lên 20% so với năm ngoái.
VÀNG
Giá vàng đang được hưởng lợi trong tháng này từ những kỳ vọng rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm hoãn việc nâng lãi suất chuẩn vào tháng tới. Việc FED hoãn nâng lãi suất chuẩn sẽ tác động tới giá trị của đồng USD – làm giảm giá đồng tiền này do nhu cầu mua lại USD để trả cho các khoản vay với lãi suất thấp trước khi FED nâng lãi suất, cộng với yếu tố đầu cơ sẽ giảm áp lực tăng giá của USD. Trong khi đó giá vàng được xác định bằng USD do vậy USD giảm đồng nghĩa với việc giá vàng tăng lên. Bên cạnh đó giá vàng cũng được đẩy lên bởi đây được coi là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang rơi vào bất ổn, giá vàng đã nhích lên 6% trong tháng này.
Giá vàng cũng đã phải đối mặt với một số áp lực bán vào đầu tuần trước, tuy nhiên, đây chỉ là do một nhóm nhỏ các nhà đầu tư buộc phải bán vàng ra để cắt lỗ do họ đã đầu cơ vào việc giá giảm giảm nhưng khi bất ổn tài chính tăng cao hôm thứ 2 đầu tuần đã đẩy nhu cầu với tài sản trú ẩn là vàng tăng lên.
Nhà phân tích tại Commerzbank cho rằng: “Vàng vẫn đang giữ giá khá ổn định bất chấp những tổn thất nặng nề của các loại hàng hóa còn lại. Tuy nhiên, giá vàng sẽ không thể tiếp tục duy trì mức tăng dù cho đồng USD đã yếu hơn đáng kể khi mà sớm muộn gì FED cũng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Những người mua gần đây chủ yếu là ở các nước phương Tây và Mỹ, chứ không phải là các trung tâm tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc, do đó yếu tố nhu cầu cơ bản của vàng là không mạnh. Điều đó có nghĩa là giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào đồng USD và những dấu hiệu từ Fed.