Dệt may Việt Nam chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang ASEAN, Ấn Độ

05/12/2014 22:10 PM |

Ngoài nguồn cung nguyên liệu chủ lực từ Trung Quốc, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ, Bộ Công thương cho biết.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tháng 11 so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 28,7 triệu m2, tăng 14,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 60 triệu m2, tăng 11,9%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 272,9 triệu cái, tăng 15,0%.

Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 299,2 triệu m2, tăng 15,8%. Sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 665,8 triệu m2, tăng 5,6%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 2,73 tỷ cái, tăng 10,3%.

Xuất khẩu của ngành dệt may cũng tiếp tục đà tăng trưởng khá. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 18,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,2%.

Về thị trường nhập khẩu nguyên liệu, ngoài nguồn cung chủ lực từ Trung Quốc, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ.

Trước đó, bên lề buổi giới thiệu Hội chợ thời trang và Da quốc tế Bangkok (BIFF&BIL) lần thứ 33, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó chánh văn phòng Hiệp hội Dệt May Việt Nam từng cho biết, xuất khẩu 11 tháng năm 2014 của ngành dệt may đạt 21,548 tỷ USD (chưa kể đến số liệu vải không dệt và phụ liệu xuất khẩu), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính, năm 2014, toàn ngành sẽ xuất khẩu từ 24-24,5 tỷ USD, tăng 18-19% so với năm 2013.

Kế hoạch cho năm 2015, toàn ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 27-28 tỷ USD (tăng 15-16% so với 2014). Trong đó, tỉ lệ nội địa hóa sẽ ở mức 51%.

>> Dệt may Việt Nam có tận dụng được TPP để trở thành nhà máy của Thế giới?

Thanh Thảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM