Đề nghị World Bank xem lại vì sao chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt 22 bậc

15/01/2015 15:35 PM |

Tổng Cục Thuế cho biết đang đề nghị đại diện Ngân hàng Thế giới xem lại cơ sở dữ liệu để tìm ra nguyên nhân vì sao chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt từ thứ hạng 149 xuống còn 171 trong Báo cáo môi trường kinh doanh.

Tại hội thảo “Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam” tổ chức sáng nay, 15/1, bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng Cục Thuế - cho biết: Dù thay đổi phương pháp tính, không có lý do gì cùng một cơ sở dữ liệu mà chỉ số nộp thuế của Việt Nam bị tụt tới 22 bậc.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 cập nhật của World Bank, sau khi thay đổi phương pháp tính toán, Việt Nam đã tụt 6 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong đó, chỉ số nộp thuế năm 2014 của Việt Nam giảm 22 bậc, xuống còn 171, chỉ số nộp thuế năm 2015 là 173, giảm thêm 2 bậc nữa.

Chỉ số nộp thuế đo lường 3 chỉ số: Thời gian, Số lần nộp thuế, và Tổng thuế suất đối với một doanh nghiệp cỡ vừa phải nộp tất cả loại thuế.

Theo phương pháp tính cũ, dữ liệu được tóm tắt theo từng phần. Căn cứ vào đó, các chuyên gia sẽ tính bách phân trung bình của từng chỉ số và xếp thứ tự các nền kinh tế theo bách phân trung bình.

Còn theo phương pháp tính mới, số liệu sau khi được tóm tắt sẽ được chuẩn hóa dữ liệu của từng thành phần. Các chuyên gia sẽ tính bình quân theo từng lĩnh vực, sau đó xếp thứ tự tất cả các nền kinh tế theo tổng điểm.

Bà Lan Anh cho biết, bà đang đề nghị phía World Bank xem lại cơ sở dữ liệu của mình. “Tất cả số giờ, số lần nộp thuế và tổng thuế suất của Việt Nam không thay đổi... Không có lý do gì Việt Nam bị tụt mất 22 bậc chỉ do thay đổi phương pháp tính toán. Đại diện World Bank cho biết sẽ về xem lại xem cách quy đổi từ phương pháp cũ sang phương pháp mới là gì” – bà Lan Anh nói.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 cập nhật của World Bank, thuế suất trung bình của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải mất 40,8% lợi nhuận để nộp thuế trong khi mức trung bình của ASEAN chỉ là 31,4%.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nước có số giờ nộp thuế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với 872 giờ nộp thuế (số liệu cập nhật giữa năm 2014) với 32 lần nộp thuế.

Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Thuế, với 3 văn bản chính sách của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính gồm Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, và mới đây nhất là Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, tổng số giờ nộp thuế dự kiến giảm được tới 370 giờ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng: Cần lưu ý vì các con số giảm giờ nộp thuế kia chỉ là lý thuyết. “Nếu chính sách chúng ta đưa ra rồi mà dưới chưa triển khai tốt thì chưa chắc thành công mà chỉ dừng lại trên giấy tờ” – bà Cúc lưu ý.

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM