Davos 2015: Quên các thị trường mới nổi đi. Chủ đề nóng giờ là Mỹ

15/01/2015 22:27 PM |

Ở Davos năm nay, bên ngoài các hội trường trong những quán café, bar và dọc theo hành lang – sẽ có nhiều cuộc trò chuyện về sức mạnh đáng chú ý của kinh tế Mỹ.

Lâu nay, Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos (Thụy Sĩ) vẫn được coi là một “bữa tiệc quảng bá” dành cho các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, năm nay, “nam châm” lớn nhất thu hút đầu tư sẽ là “tay chơi kỳ cựu” của kinh tế quốc tế: nước Mỹ.

Trong khi Brazil trì trệ, Nga bước vào suy thoái và Ấn Độ cố gắng triển khai các biện pháp cải cách kinh tế, nước Mỹ đang bùng nổ trong bối cảnh giá năng lượng lao dốc và thung lũng Silicon thống trị ngành công nghệ toàn cầu. Mặc dù báo cáo được công bố hôm qua cho thấy doanh số bán lẻ gây thất vọng, quý III/2014, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ, đạt mức 5%.

“Con lắc đã chuyển vị trí”, Jacob Frenkel – chuyên gia đến từ ngân hàng JPMorgan Chase và đã tham dự Davos từ thời kỳ giữa những năm 1980 – nhận định. “Mỹ đang lấy lại vị trí trong bức tranh kinh tế thế giới. Đây là nơi mà nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhất”.

Chương trình nghị sự của Davos vẫn tập trung vào các thị trường mới nổi nhiều hơn là Mỹ, nhưng nhìn chung thì hội nghị năm nay (diễn ra từ 21 – 24/1) có vẻ ít hứng khởi hơn về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển.

Bên ngoài những hội trường của trung tâm hội nghị - trong những quán café, bar và dọc theo hành lang – sẽ có nhiều cuộc trò chuyện về sức mạnh đáng chú ý của kinh tế Mỹ. “Các công ty hiện không có mặt ở Mỹ hoặc chưa chú trọng đến thị trường này đang nghĩ về giải pháp giải quyết vấn đề’, Martin Reitz, chuyên gia đến từ ngân hàng đầu tư Rothschild, nói.

Tụ họp ở một thị trấn bao quanh bởi tuyết, rừng rậm và những ngọn núi, các CEO hàng đầu thế giới sử dụng thời gian này để tạo mối quan hệ, và các cuộc trò chuyện thường dẫn đến những vụ thâu tóm sáp nhập. Năm 2014, các công ty nước ngoài đã bỏ ra 259 tỷ USD để thâu tóm các công ty Mỹ, cao gấp đôi năm 2013 và cao nhất kể từ 2007. Năm 2015, con số được dự báo sẽ cao hơn rất nhiều.

Đến từ Đức, Merck là công ty đã thực hiện thương vụ lớn nhất với lời đề nghị bỏ 17 tỷ USD mua lại Sigma-Aldrich, một công ty sản xuất các hóa chất được sử dụng trong phòng thí nghiệm.

“Nếu bạn muốn tham gia vào quá trình sáng tạo, bạn phải ở Mỹ”, CEO của Merck nói. “Trên thế giới không có nước nào đầu tư vào cải tiến công nghệ nhiều hơn Mỹ”.

Quay trở lại tháng 5, tập đoàn Suntory của Nhật hoàn thành thương vụ mua lại nhà sản xuất rượu 219 năm tuổi Jim Beam với giá 16 tỷ USD. Tháng 3, quỹ đầu tư quốc gia của Qatar đồng ý mua lại một nửa mảng kinh doanh của American Express với giá 800 triệu USD.

Trong mắt một số công ty, Mỹ chỉ là thị trường mới nổi. Franck Riboud, Chủ tịch của hãng sản xuất sữa chua đến từ nước Pháp Danone miêu tả Mỹ là một thị trường mới nổi đối với các sản phẩm bơ sữa, chỉ 6% các hộ gia đình Mỹ mua sữa chua hàng tháng.

Manuel Falco – chuyên gia đến từ Citigroup – thì cho rằng đối với các công ty lớn, Mỹ luôn là “bến cảng” an toàn nhất và tốt nhất.

Bất chấp những điều kể trên, Davos vẫn sẽ nói về châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Dựa trên phương pháp PPP, năm ngoái IMF tuyên bố Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang ráo riết cải cách sâu rộng để thúc đẩy tăng trưởng.

Dẫu vậy, không khí ở Davos sẽ khác hẳn so với năm 2006, khi chính phủ và các công ty của Ấn Độ thực hiện chiến dịch “India Everywhere” (tạm dịch: Ấn Độ ở mọi nơi) hay so với 3 năm sau, khi Tổng thống Nga Putin quảng bá Nga là một ốc đảo có nền kinh tế ổn định trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM