Đầu tư công ở Việt Nam: Những ưu tiên trong 5 năm tới

02/07/2015 08:25 AM |

Kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn rất hạn chế, tuy nhiên trong những năm gần đây chúng ta có thể thấy hệ thống hạ tầng của chúng ta đã có những kết quả. Trong đó lĩnh vực đầu tư công đóng góp một phần rất quan trọng trong quản lý đầu tư các hệ thống hạ tầng này.

Luật đầu tư công có hiệu lực từ 01/01/2015 là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức quản lý đầy đủ và hoàn thiện chế định toàn bộ quá trình đầu tư công, góp phần tái cơ cấu đầu tư công, gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Viện Tài Chính và Phát triển Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Tài Chính Trung Quốc, ngày 01/07/2015 Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính – Bộ Tài Chính tổ chức hội thảo “Quản lý đầu tư công: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Thống nhất khuôn khổ pháp lý để quản lý đầu tư công

TS Nguyễn Thị Phú Hà - Vụ trưởng vụ tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ KH&ĐT cho biết: Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam là rất lớn. Trong thời gian qua khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng của chúng ta còn có hạn. Làm sao để quản lý hiệu quả các dự án đầu tư công là yêu cầu của tất cả các cấp các ngành.

Kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn rất hạn chế, tuy nhiên trong những năm gần đây chúng ta có thể thấy hệ thống hạ tầng của chúng ta đã có những kết quả. Trong đó lĩnh vực đầu tư công đóng góp một phần rất quan trọng trong quản lý đầu tư các hệ thống hạ tầng này. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tập trung vào các chương trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Không chỉ đầu tư những dự án hạ tầng, chúng ta còn đầu tư các dự án về hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ dân tộc thiểu số. Trước đây việc triển khai các dự án đầu tư công chủ yếu được triển khai theo quy định luật ngân sách nhà nước, luật phòng chống lãng phí, luật phòng chống tham nhũng, luật xây dựng, luật đấu thầu.

Trước tình hình đó chính phủ đã quyết định trình Quốc hội nội dung về luật đầu tư công và được thông qua vào tháng 6 năm 2014. Trong những nội dung của luật đầu tư công thì nội dung về nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam bao gồm vốn NSNN, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, ODA, trái phiếu chính quyền địa phương, vay ưu đãi nước ngoài.

Việt Nam là một trong những nước có sự phân cấp rất mạnh mẽ trong quản lý đầu tư công. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công ở các địa phương sẽ được giao cho địa phương tự quyết định, khác với nhiều nước cơ quan quản lý Trung ương quản lý nguồn vốn này từ đầu đến cuối.

Thời gian vừa qua cũng do chúng ta phân cấp quá mạnh nên việc giám sát có những bất cập. Có rất nhiều dự án cho Trung ương phê duyệt chuyển về cho địa phương thì địa phương lại sử dụng nguồn lực cho những mục tiêu khác, gây thất thoát lãng phí.

Một vấn đề khác là nguyên tắc Trung ương sẽ hỗ trợ địa phương dẫn tới hàng loạt dự án được phê duyệt nhưng không thể thu xếp được nguồn vốn.

Tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 Chính phủ sẽ tập trung 3 ưu tiên : bố trí vốn cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP, ưu tiên thúc đẩy giải ngân vốn ODA và thanh toán các khoản nợ dọng xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản ứng trước để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ không được yêu cầu doanh nghiệp phải ứng vốn ra thực hiện dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn. Luật đầu tư công quy định một trong các hành vi bị cấm là làm phát sinh ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu bộ, ngành, địa phương nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Một điểm mới nữa là trong kế hoạch sắp tới sẽ chỉ bố trí thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày luật đầu tư công có hiệu lực thi hành (01/01/2015). Các bộ ngành địa phương sẽ phải bố trí thanh toán hết các khoản này.

TS Hà cho biết thêm ưu tiên trong thời gian tới sẽ là bố trí hoàn thành các dự án dở dang từ 2014 trở về trước. Đối với các dự án khởi công mới từ nay đến 2020 dự kiến số dự án sẽ ít và Trung ương sẽ chỉ hỗ trợ các dự án lớn và có tính liên tỉnh, liên vùng và các dự án từ nhóm B trở lên.

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM