Dẫu ngàn năm vẫn là phường Kẻ Chợ

10/02/2013 13:00 PM |

Trải qua nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội ngày nay đã rộng hơn 3328,9 km2 với hơn 7 triệu dân cư sinh sống.

Địa giới hành chính của thủ đô đã mở rộng gấp 3 lần diện tích cũ, nhưng hồn cốt của đất Kinh Kỳ xưa vẫn trụ vững nơi phố cổ lượn quanh bàn cờ sát cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm. 

Cái tên Kẻ Chợ thuở nào hẳn nhiên được khai sinh tại khu phố cổ này và cho đến cái Tết thứ 13 của thế kỷ 21 hiện đại này, hồn cốt Kẻ Chợ vẫn bám trụ tại đây thách thức bụi thời gian.

Sầm uất náo nhiệt quanh năm là thế, càng gần đến Tết, dòng người nườm nượp đổ về Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Mã… vẫn ngày một dài thêm. Đến nơi đây từ 20 tháng Chạp trở đi, người ta như thấy Tết đến hối hả hơn bao giờ hết, Xuân về dồn dập hơn bất cứ nơi đâu.

Hàng Đào – Hàng Ngang – Đồng Xuân: Phố quần áo - giày dép

Hàng Đào

Cái tên Hàng Đào có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố. Trong tác phẩm Dư địa chí (thế kỷ 15), Nguyễn Trãi ghi: :“Phường Hàng Đào nhuộm điều” là bởi xưa kia phố chuyên nhuộm và bán các loại vải nhuộm đỏ, màu hồng, màu hoa đào và rất nhiều các màu khác.

Phố Hàng Đào năm 1926

Ngày nay phố không còn bán vải nữa mà chủ yếu là kinh doanh quần áo, ngoài ra còn có thêm vàng bạc, thủ công mỹ nghệ, đồ xa xỉ. Phố mở đầu trong hành trình phố đi bộ nối từ đầu Hàng Đào, qua Hàng Ngang, Hàng Đường đến hết chợ Đồng Xuân.

Phố Hàng Đào chiều giáp Tết Quý Tỵ.

Phố Hàng Đào vào dịp giáp Tết năm nay rực rỡ sắc màu với dòng người mua sắm và khách du lịch theo trục đường nối từ bờ hồ vào khu phố cổ, chợ hoa, chợ Đồng Xuân sắm tết.

Hàng Ngang

Thế kỷ 18 đoạn đầu phố Hàng Ngang (ngày nay) giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam vì phố bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỷ 19 có tên là phố Việt Đông, phố những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.

Phố Hàng Ngang đầu thế kỷ 20.

Thời nhà Lê, người Hoa Kiều tập trung bán hàng chè, thuốc, nhà giàu có thì bán vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh. Về sau có thêm cửa hàng bán vải của người Ấn Độ. Thời Pháp thuộc tên phố là Rue des Cantonnais (phố người Quảng Đông), có đường tàu điện bánh sắt chạy qua giữa phố.

Phố Hàng Ngang chiều 27 Tết năm nay.

Hiện nay, phố Hàng Ngang nối với Hàng Đào là khu buôn bán sầm uất đặc trưng của Hà Nội, bán các mặt hàng quần áo, hàng tiêu dùng cao cấp, xa xỉ.

Cũng như phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang là một trong các tuyến phố buôn bán quan trọng và đặc trưng của Hà Nội, trở thành con phố đi bộ vào tối thứ 6, 7 và chủ nhật hàng tuần.

Hàng Đường - Phố ô mai, mứt tết

Phố Hàng Đường đầu thế kỷ 20.

Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn nên có tên gọi là Hàng Đường. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu.

Dãy cửa hàng bán ô mai trên phố Hàng Đường giáp tết năm nay.
Một cửa hàng ô mai có diện tích khá nhỏ nhưng lại rất đông khách nhất.

Ngày nay tại phố Hàng Đường vẫn còn nhiều cửa hàng bán mứt kẹo, đặc biệt là ô mai ngon có tiếng chuyên cung ứng mứt và ô mai truyền thống thu hút lượng khách mua tấp nập vào dịp giáp Tết.

Hàng Mã - Phố đèn lồng, đồ mã, đồ trang trí

Đây là con phố lớn trong những phố cổ ở Hà Nội, vốn có nghề thủ công truyền thống làm đồ mã dùng cho công việc cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy.

Thời Pháp phố Hàng Mã được đặt tên chung là Rue du Cuivre với phố Hàng Đồng bây giờ. Dân ở đây gồm một số gia đình người làng Tân Khai đến định cư mở cửa hàng bán giấy và đồ mã dùng cho công việc cúng lễ theo tập tục phương Đông, và đồ hàng giấy dùng trong trang trí.

Phố Hàng Mã dịp Tết năm nay lại đỏ rực với đèn lồng và đồ trang trí tết.

Thu hút nhiều khách quốc tế.

Ngày nay, phố Hàng Mã kinh doanh thêm đồ chơi, thiệp cưới và phông cưới trang trí bên cạnh hàng mã và đồ giấy trang trí như trước kia.

Một cửa hàng bán thiệp chúc năm mới và pháo giấy trên phố Hàng Mã.

Công việc buôn bán trên phố Hàng Mã thực sự đông đúc bắt đầu trước ngày Rằm tháng 7 Âm lịch khoảng một tháng, và từ ngày 24 tháng Chạp ngay sau lễ Tết Ông Công ông Táo đến tận trưa ngày 30 Tết Âm lịch.

Hàng Lược – Hàng Rươi: Chợ hoa xuân

Chợ Hoa phố Hàng Lược thời bao cấp.

Phố Hàng Lược xưa chạy dọc sông Tô Lịch cũ nên có tên là phố Sông Tô Lịch. Khi không còn bến sông, người dân sống phụ thuộc vào chợ Đồng Xuân. Họ làm nghề buôn bán nhỏ, thợ thủ công.

Sau này, phố tên là Hàng Lược bởi vì trước đây có nhiều cửa hàng bán lược.

Chợ hoa được họp trên phố cổ Hàng Lược và các ngõ phố phụ cận đã đi vào tiềm thức người Hà Nội. Dịp giáp Tết, phố Hàng Lược là nơi tập trung mua bán đủ loại cây cảnh và hoa quả phục vụ trưng bày, thờ cúng dịp Tết Nguyên Đán.

Phố Hàng Rươi thế kỷ 19.

Phố Hàng Rươi trước kia là bến sông Hồng, hằng năm cứ vào mùa rươi (khoảng từ tháng 9 âm lịch) thì có nhiều người mang rươi đến đây bán. Thời Pháp thuộc, phố đã mang tên là Hàng Rươi (Rue des Vers Blancs). Từ sau 1945, tên Hàng Rươi được đặt chính thức.

Phố này bán nhiều hoa giả làm bằng nhựa hoặc lụa.

Ngày nay, phố Hàng Rươi chuyên kinh doanh các loại hoa giả, bằng nhựa, nilon, lụa… Dịp giáp Tết, phố này cùng với phố Hàng Lược là nơi mua bán tấp nập của chợ hoa tết.

Hình ảnh tại chợ hoa xuân Hàng Lược - Hàng Rươi.

Người người đi chợ hoa bán mua, trả giá sắm tết.

Đỗ quyên, cúc vạn thọ, đào...
Mai trắng.
Hoa địa lan Hàn Quốc.

Ngã năm Hàng Mã – Hàng Cân – Hàng Lược – Hàng Đồng: Chợ đồ cổ độc nhất trong năm

Giáp Tết, phiên chợ bán đồ cổ, đồ đồng, đồ giả cổ… lại họp tại khu vực . Các mặt hàng bày bán tại đây rất phong phú nhưng phổ biến nhất là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng; vật gia dụng như đồng hồ cổ, ấm trà, bình phong, tẩu hút thuốc, đèn cổ, lư hương…

Vật trang trí bằng đồng.
Máy phát nhạc cổ.

Tranh sơn mài.
Đồ gốm giả đồng tinh xảo.

Ngoài ra, chợ còn bày bán nhiều sản phẩm khác như tranh sơn mài, gốm sứ, câu đối, tiền cổ... Phiên chợ “đặc biệt” này bắt đầu họp từ ngày 20 tháng chạp và kéo dài đến tận ngày 30 Tết mỗi năm.

Những ngày giáp Tết luôn khiến những con phố này vốn nhộn nhịp lại càng tất bật hơn, thu hút lượng khách ghé thăm đông đảo nhất ở Hà Nội mỗi dịp tết đến, xuân sang.

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM