Dân Sài Gòn ngán xe buýt

04/12/2015 23:54 PM |

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM tại Hội thảo "Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM" cho thấy, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2015 ước đạt hơn 564 triệu lượt hành khách, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, khối lượng xe buýt đạt 323,89 triệu lượt hành khách, giảm 11,7%; xe buýt có trợ giá đạt 270,21 triệu lượt hành khách giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lí giải nguyên nhân loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không hấp dẫn hành khách, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện nên hoạt động của xe buýt chưa thuận lợi, không có làn đường ưu tiên cho xe buýt, luồng tuyến xe buýt chưa hợp lý vì thiếu bến bãi dẫn đến sự trùng lắp tuyến trên các trục đường chính.

Người dân chê xe buýt còn do tình hình phân luồng giao thông phục vụ thi công làm cho lộ trình xe buýt bị kéo dài hơn, thời gian hành trình của chuyến xe tăng lên ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của hành khách. Việc điều chỉnh lộ trình của các tuyến bị ảnh hưởng do thi công này cũng đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển tuyến của hành khách sang các tuyến khác hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Xe khách Sài Gòn nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân như chất lượng xe buýt bị xuống cấp, thái độ phục vụ của lái xe, tiếp viên chưa tốt, hạ tầng giao thông chưa khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là thời gian chuyến đi của hành khách ngày càng bị kéo dài.

Chẳng hạn như, với tuyến xe buýt số 45, thời gian chuyến đi năm 2014 từ Bến xe Miền Đông đến Bến xe quận 8 là 60 phút. Nhưng năm 2015 tuyến xe này đi với thời gian 70 phút, trong khi thời gian đi xe gắn máy khoảng 45 phút.

Đối với hành khách chuyển tuyến, thời gian chuyến đi càng bị kéo dài so với xe gắn máy do mạng lưới xe buýt chưa phủ khắp và trạm dừng nhà chờ chưa phù hợp.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích hơn 7.000 phản ảnh của hành khách đi xe buýt cho thấy, các lỗi chủ yếu của phương tiện này là phân biệt đối xử với hành khách (chiếm 8,5%), bỏ trạm không đón khách (23,9%), không cho hành khách xuống trạm (7,86%), văn hóa ứng xử kém (19,4%); còn lại là các phản ảnh liên quan đến vé, mức độ an toàn, lộ trình, thời gian...

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, TP.HCM cần phải điều chỉnh phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng khác trong đô thị. Trong thời gian tới, TP.HCM nên tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Nghiên cứu thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT).

“Lâu nay hành khách chủ yếu của xe buýt là sinh viên và những người lao động tự do nghèo. Chúng tôi sẽ thay đổi điều này. Phải thuyết phục được cán bộ công chức, nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đi xe buýt”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ khi nói về hướng hoạt động mới của hệ thống xe buýt TPHCM.

Chi phí đi lại sẽ là khâu đột phá tiếp theo. Hiện nay, nếu đi từ nhà đến cơ quan phải qua 3 chặng xe buýt, hành khách sẽ phải trả ba lần vé xe buýt. Lấy giá vé trung bình 6.000 đồng/vé, thì với 3 chặng đi, hành khách phải trả 18.000 đồng. Số tiền này, người sử dụng xe buýt có thể mua xăng, đi xe gắn máy 2 bánh cho cả hai lượt đi và về.

Giải pháp theo ông Lê Hoàng Minh là: “Sở GTVT, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đang nghiên cứu làm thẻ đi xe buýt thông minh. Với thẻ này, người dân có thể đi tất cả các tuyến xe buýt với giá hấp dẫn”.

Ngoài ra, theo các đại biểu, để góp phần khai thông cho xe buýt hoạt động, quy hoạch thành phố cần tạo điều kiện cho vỉa hè thông thoáng, giúp người đi bộ đón xe buýt thuận tiện. Giải pháp là tăng dần phí sử dụng vỉa hè để đậu xe, thu phí đỗ xe dưới lòng đường lũy tiến theo thời gian, thu phí xe ô tô vào trung tâm và các đường thường ùn tắc.

Ở TPHCM hiện nay giá vé xe buýt khá cao do việc bãi bỏ mua vé cố định theo tháng của Sở Giao thông Vận tải. Là người sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại 5 năm nay, tôi thấy chi phí đi xe buýt tăng trên 200% so với trước đó và chiếm tỉ trọng khá cao trong chi phí sinh hoạt. Ví dụ chi phí xe buýt của một sinh viên hiện ở mức trung bình là 240.000/tháng tăng gần 300% chiếm 20% chi phí sinh hoạt, bằng 32% tiền ăn.

Mâu thuẫn nảy sinh là: Làm sao cố định được chi phí vé xe buýt hàng tháng của người thường xuyên sử dụng và làm sao các chủ xe buýt có thể tính được doanh thu tháng?

Theo tôi cơ quan quản lý nên cho phát hành lại thẻ xe buýt để cố định chi phí tối đa của người sử dụng nhưng đổi phương pháp phân loại. Tuy nhiên thay vì phân loại theo số tuyến đi là một tuyến và liên tuyến hiện nay, có thể đổi thành phân loại theo số vé đi trung bình trong một tháng theo 3 mức:

Đi đơn tuyến: khoảng 50 vé/tháng, hạn mức cố định tối đa cho thẻ 50 vé khoảng 150.000đ, chia đều cho 50 vé tức khoảng 3.000đ/vé/lượt.

Đi từ 2 tuyến: khoảng 100 vé/tháng, hạn mức cố định tối đa cho thẻ 100 vé khoảng 250,000đ, chia đều là 2.500đ/vé/lượt.

Đi từ 3 tuyến: khoảng 150 vé/tháng, hạn mức cố định tối đa cho thẻ 150 vé khoảng 300.000đ, chia đều là 2.000đ/vé/lượt.

(Lê Thị Tú Uyên - giải nhì cuộc thi “Xe buýt – Tại sao không?” do Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2014)

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM