Đại sứ EU: “Muốn biến châu Âu thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”

09/02/2016 11:00 AM |

"Tôi có một tham vọng, đó là sau khi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm, EU sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, và muốn giúp Việt Nam nhận được nhiều hơn từ nhà đầu tư".

Tiếp đón chúng tôi trong một ngày đông rét đậm gần Tết, ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam gây ấn tượng về một vị đại sứ thân thiện nhưng đầy nhiệt huyết.

Ánh mắt ông sáng lên, giọng nói hào sảng khi nhắc tới mục tiêu mình vạch ra trong bốn năm nhiệm kỳ, nhưng dịu xuống ấm áp khi đề cập tới Hà Nội, tới gia đình thân yêu của ông tại đây, nơi ông có nhiều chiêm nghiệm sau hơn 2 thập kỷ chứng kiến sự chuyển mình.

Thưa Ngài Đại sứ, năm 2015 chứng kiến nhiều bước khởi sắc trong mối quan hệ giữa EU và Việt Nam. Cuối năm nhìn lại, Ngài cho rằng những sự kiện nào có tác động mạnh nhất?

Sự kiện đầu tiên là chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Brussels. Đây là một chuyến thăm ý nghĩa và mang lại nhiều thành quả.

Sự kiện đáng chú ý thứ hai là trong chuyến thăm, chúng tôi đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Nếu bạn chú ý quan sát chính sách thương mại của EU với châu Á tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới ký kết FTA với Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam là nước thứ ba.

Rõ ràng, với thành công này, chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục được thêm nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cùng ký kết FTA.

Sự kiện thứ ba cần nhắc tới là Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) với Việt Nam. Mối quan hệ giữa EU và Việt Nam đã vượt trên lĩnh vực thương mại và viện trợ, vì PCA sẽ phát triển nhiều dự án hợp tác mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, công nghệ khoa học và luật.

Ông từng dự đoán FTA EU – Việt Nam sẽ khơi thông một làn sóng đầu tư lớn từ châu Âu vào Việt Nam. Xu hướng này diễn biến ra sao trong năm 2016?

So với năm 2014, đầu tư của châu Âu tại Việt Nam đã tăng 4 lần trong năm 2015, nhảy vọt từ vị trí thứ sáu lên vị trí thứ ba.

Tôi có một tham vọng, đó là sau khi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm, EU sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, và muốn giúp Việt Nam nhận được nhiều hơn từ nhà đầu tư.

Tôi có một tham vọng, đó là sau khi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm, EU sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Ảnh: Việt Khôi
"Tôi có một tham vọng, đó là sau khi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm, EU sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam". Ảnh: Việt Khôi

Kể cả trước khi FTA EU – Việt Nam kết thúc đàm phán và có hiệu lực, làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đã tăng. Tại sao ư? Cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu đã lùi xa một phần. Nền kinh tế châu Âu đã lấy lại phong độ, do đó chúng tôi muốn đầu tư trở lại.

Nếu nhà đầu tư châu Âu muốn đầu tư tại châu Á, họ rõ ràng sẽ chọn Việt Nam, vì Việt Nam là một quốc gia có khả năng cạnh tranh với những nước lớn khác như Indonesia. Nhưng hơn thế nữa, Việt Nam có nhiều thứ để chào mời hơn các nước khác, vì Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP và ký FTA với Liên minh kinh tế Á Âu, với Hàn Quốc.

Tôi dự đoán bộ máy lãnh đạo của Việt Nam đã có lộ trình triển khai FTA EU – Việt Nam. Trước khi thỏa thuận có hiệu lực, dự kiến vào năm 2018, chính phủ Việt Nam có thể nhanh chóng chuẩn bị.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Brussels, thỏa thuận chung có nêu rõ chúng ta sẽ thông qua Lộ trình thực hiện FTA.

Tôi cũng hy vọng Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hoặc người kế nhiệm sẽ cùng chúng tôi thông qua Lộ trình trong quý I. Đây sẽ là tín hiệu hợp tác rất mạnh mẽ vì lộ trình sẽ vạch ra những việc phải hoàn thành trước 2018.

Có thể thấy Ngài dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam – nơi Ngài đặt chân tới 20 năm về trước. Suy nghĩ đầu tiên trong Ngài khi nhắc đến Việt Nam là gì?

Tôi làm việc lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1994 – 1998, sau đó chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và EU. Tôi quay lại Việt Nam 4 năm về trước, như vậy tôi đã sống và làm việc tại Việt Nam tổng cộng 8 năm.

Khoảng 20 năm về trước khi mới đến đây, tôi thường lấy xe đạp đạp lên cầu Long Biên và tản bộ. Khi đó vào buổi sáng, cây cầu rất đông đúc với những nông dân dậy sớm chở rau vào trung tâm thành phố bán. Buổi chiều, cây cầu lại tấp nập dòng người từ nội thành trở ra ngoại ô.

Giờ mọi thứ đã khác xưa rất nhiều. Đầu tiên là cây cầu vẫn đông người qua lại, nhưng là xe máy. Nông dân cũng ít hơn, mà công nhân viên chức sống ở bên kia cầu thì nhiều.

Hà Nội là một thành phố có một không hai ở Đông Nam Á, vì trong lòng thành phố còn có một phố cổ. Năm ngoái, tôi mời đoàn các Đại sứ Bỉ tại Đông Nam Á đến thăm Việt Nam. Họ nói với tôi rằng: "Bruno ơi, Hà Nội quá tuyệt vời! Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur không có phố cổ như ở đây đâu", và họ nói chắc chắn sẽ quay lại.

Còn Tết thì sao, Ngài đã có nhiều dịp vui Tết tại đây chưa?

Tôi đã ăn Tết nhiều lần tại Việt Nam, vì bà xã tôi quê ở Hà Nội.

Tết là một dịp rất đặc biệt, điều tôi chưa "thấm" hết 20 năm về trước. Hồi đó, bạn bè tôi ở Việt Nam thường mời tôi đến nhà và nói mang theo những cành lộc xanh sau giao thừa, rồi cả âm thanh của pháo đỏ.

20 về trước, Đại sứ Bruno Angelet thường chạy bộ trên cầu Long Biên vào buổi sáng để luyện tập sức khỏe. Ảnh: Tùng Đinh
20 về trước, Đại sứ Bruno Angelet thường chạy bộ trên cầu Long Biên vào buổi sáng để luyện tập sức khỏe. Ảnh: Tùng Đinh

Điều khiến người phương Tây ngạc nhiên nhất là Tết cũng là dịp để tưởng nhớ gia tiên, thắp hương và cúng cơm tổ tiên trước khi phá cỗ.

Trước đây, gia đình tôi tự làm bánh chưng, đốt lửa và nấu ngoài đường. Ngày nay tôi không thấy nhiều người ở thành phố tự làm bánh chưng nữa, thỉnh thoảng điều đó làm tôi cảm thấy bồi hồi.

Gia đình tôi không có thói quen đi du lịch xa vào dịp Tết như nhiều người bây giờ. Lũ trẻ nhà tôi cũng thích ở lại Hà Nội hơn. Và điều khiến tôi sửng sốt là Hà Nội vào dịp Tết "vắng tanh", nhất là vào sáng mùng 1.

Còn đối với đám trẻ thì sao thưa Ngài, hẳn cảm nhận của chúng về Hà Nội có phần khác với người lớn?

Tôi có ba đứa nhỏ. Cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu thứ hai 9 tuổi và bé nhỏ nhất lên 7 tuổi. Chúng đi học ở trường Pháp – Việt, có nhiều bạn cả người Việt Nam và châu Âu, rất vui vẻ.

Theo kế hoạch thì năm ngoái, gia đình tôi sẽ quay lại Bỉ sau khi tôi hoàn thành nhiệm kỳ với cương vị Đại sứ Bỉ tại Việt Nam. Chúng đã ra hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao mình phải về Bỉ, bọn con có rất nhiều bạn ở đây, chúng mình ở lại Việt Nam có được không?".

Rất may mắn là quá trình sàng lọc cho vị trí Đại sứ EU tại Việt Nam cũng xong sau đó không lâu, và tôi được chỉ định. Khi báo tin gia đình sẽ ở lại Việt Nam, bọn trẻ rất sung sướng.

Để so sánh cuộc sống của trẻ em Bỉ với Việt Nam ư? Nói thật lòng tôi thấy trẻ em Bỉ có cuộc sống "dễ dàng" hơn vì mấy lí do sau. Thứ nhất là thời tiết ôn hòa hơn. Thứ hai là cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn. Thứ ba là vị trí địa lý.

Ví dụ, từ nhà tôi ở Bỉ, nếu muốn đi picnic trong rừng, thì chỉ cần đạp xe vài chục phút là tới. Trong thành phố có rất nhiều viện bảo tàng, thư viện, công viên giải trí. Mọi thứ rất dễ dàng, cũng vì kinh tế phát triển.

Còn để so sánh Hà Nội của bây giờ với Hà Nội 20 năm về trước, thì đây là một điều đáng để suy ngẫm. 20 năm về trước, bạn thấy trẻ em chạy chơi rất nhiều trên đường, giờ thì không. Giao thông đông đúc, vỉa hè cũng bị xe máy lấn chiếm, không có nhiều chỗ vui chơi giải trí.

Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời và Việt Nam có thể giải quyết vấn đề trong vòng 10 – 20 năm tới. Đất nước của các bạn phát triển quá nhanh và dân số cũng bùng nổ. Các bạn thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong 13 năm, trong khi Bỉ làm việc đó trong 100 năm.

Nhân dịp xuân mới, Ngài có lời chúc gì đối với người dân Việt Nam?

Tôi chúc cho người dân Việt Nam có một năm mới bình an, không phải chịu những hiểm họa từ thiên nhiên như một số nước khác trong năm 2015. Tôi chúc các bạn sẽ có đủ nước phục vụ ngành nông nghiệp ở miền Nam.

Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ thành công trong việc ổn định tình hình kinh tế xã hội, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát.

Đương nhiên, tôi hy vọng nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, các bạn sẽ tiếp tục mở cửa để giao thương với Liên minh châu Âu. Những sinh viên Việt Nam du học tại châu Âu sẽ quay về nước với hành trang kiến thức vững vàng.

Tôi mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người dân Việt Nam. Các bạn sẽ có bộ máy lãnh đạo mới trong quý I, chúng tôi hy vọng họ sẽ hợp tác với EU chung tay giải quyết nhiều vấn đề và tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

Xin trân trọng cảm ơn Ngài!

Theo Lề Phương - Minh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM