Đà Nẵng bắt đầu lo thừa khách sạn dưới 3 sao

20/09/2015 20:41 PM |

Khách sạn từ 3-5 sao của Đà Nẵng có hoạt động kinh doanh tốt, công suất buồng phòng cao, có khả năng khai thác khách quanh năm. Trong khi khách sạn dưới 3 sao và nhà nghỉ đang phát triển theo hướng tự phát và cạnh tranh không lành mạnh.

Khách sạn nhiều sao sống khỏe

Theo khảo sát của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội vào tháng 11/2014 tại 526 cơ sở lưu trú (426 khách sạn, căn hộ, biệt thự du lịch và 100 nhà nghỉ), số lượng cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Theo khảo sát, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng qui mô hạng 4-5 sao trên địa bàn thành phố ghi nhận đang hoạt động kinh doanh tốt với công suất buồng phòng đạt 70 – 80%, ngày lưu trú đạt từ 3 ngày trở lên.

Đặc biệt, những cơ sở lưu trú từ 4-5 sao có thể khai thác khách quanh năm bởi vào mùa thấp điểm khách nội địa là thời điểm mùa khách quốc tế, mùa thấp điểm khách quốc tế là thời điểm mùa khách nội địa, các thời điểm khác trong năm có thể khai thác khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.

Ở một khía cạnh khác, theo báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng quý 2/2015 của công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, nguồn cung khách sạn 3-5 sao của thành phố đạt 7.050 phòng từ 64 dự án, tăng 10% theo quý và 32% theo năm.

 

Giá thuê phòng ở phân khúc từ 3-5 sao trung bình tăng 8% theo năm lên 1,78 triệu VND/phòng/đêm trong khi doanh thu phòng trung bình tăng tới 13% theo năm.

Cả giá thuê và doanh thu phòng của từng hạng đều tăng theo quý và theo năm. Công suất thuê tăng 4 điểm % theo năm, đạt 74%. Hạng 3 sao ghi nhận công suất phòng tốt nhất, tiếp theo là hạng 5 sao và 4 sao.

Theo đánh giá của Savills, trong 6 tháng đầu năm 2015, nguồn cầu thị trường khách sạn của Đà Nẵng ghi nhận 2,23 triệu lượt khách, tăng 25% theo năm.

Trong đó, khoảng 600.000 lượt là khách quốc tế, tăng 33% theo năm. Khách nội địa chiếm 1,63 triệu lượt, tăng 22% theo năm. Hiện nay, có 23 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lượt khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không đạt 268.275 lượt, gấp đôi 6 tháng đầu năm 2014.

Savills Việt Nam dự đoán, từ 6 tháng cuối năm 2015 trở đi, thị trường có 38 dự án tương lai cung cấp 8.570 phòng, tương đương 120% nguồn cung hiện tại. Tính đến năm 2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ có thêm 2.400 phòng từ 8 khách sạn. Trong đó, sáu khách sạn sẽ nằm tại khu vực biển.

 

Khách sạn dưới 3 sao cung đang vượt cầu

Trái ngược với những khách sạn từ 3-5 sao, các khách sạn quy mô nhỏ từ dưới 3 sao, nhà nghỉ lại đang gặp nhiều khó khăn, kinh doanh kém hiệu quả.

Sở VHTTDL Đà Nẵng chỉ rõ nguyên nhân do hầu hết khách sạn loại này được các chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu thông tin thị trường, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh.

Một số khách sạn mới đưa vào hoạt động bị hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng dịch vụ, các tiện ích phục vụ khách dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Để giảm thiểu rủi ro do tình trạng trên, Sở VHTTDL Đà Nẵng đã có các khuyến nghị cụ thể dành cho các tổ chức, cá nhân trước khi quyết định đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở lưu trú lưu ý cần nghiên cứu kỹ và nắm vững luật để đảm bảo thực hiện đúng trong quá trình chuẩn bị và hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu thông tin về tình hình kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng để xác định nhu cầu, phân khúc thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Đồng thời cần cân nhắc, chọn địa điểm có giá trị kinh doanh du lịch, loại hình cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu thị trường, khuyến khích xây dựng các cơ sở lưu trú có thiết kế độc đáo với những đặc trưng khác biệt, có tiêu chí chăm sóc khách hàng và dịch vụ riêng có.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thực tế về thiết kế, vận hành cơ sở lưu trú và kinh nghiệm quản lý kinh doanh lưu trú du lịch thông qua Hiệp hội Du lịch, Hội khách sạn Đà Nẵng, Sở VHTTDL Đà Nẵng, trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng…

“Hiện nay số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố tăng trưởng nhanh, đặc biệt đối với phân khúc khách sạn 1–3 sao thì cung đã vượt cầu vào mùa thấp điểm khách du lịch. Do đó các tổ chức, cá nhân có thể xem xét chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào các dịch vụ phục vụ du lịch khác như: dịch vụ ẩm thực Việt, nhà hàng đặc sản (chuyên phục vụ một đặc sản đặc trưng – có thể độc quyền hoặc chuyển quyền thương hiệu), trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, khu vui chơi giải trí, tụ điểm văn hóa (café – âm nhạc), bar, vũ trường…” - Sở VHTTDL Đà Nẵng khuyến khích.

Theo Minh Tú

Cùng chuyên mục
XEM